TTCK: Nhóm ngành Năng lượng đang chuyển biến tích cực
Sắc xanh đang dần trở lại
Theo đó, chỉ số VN-Index tăng 2,6% so với tuần trước đó (WoW), mức tăng cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023 và đã quay lại trên các đường MA50 và MA100 sau khi giảm xuống dưới các đường đó vào đầu tháng 5/2023. Giá trị giao dịch bình quân ngày đã có sự cải thiện nhẹ, nhưng để vượt qua đường MA200 (hiện đang ở mốc 1.088 điểm và vẫn đang di chuyển hướng xuống) cần khối lượng giao dịch lớn hơn. Tính từ đầu năm, chỉ số VN-index đã tăng 6,7% tính theo đồng USD, trở thành thị trường hoạt động tốt nhất ở Đông Nam Á.
Về diễn biến các nhóm ngành, sắc xanh chiếm ưu thế trong đó nhóm dịch vụ tài chính, hóa chất, xây dựng và vật liệu dẫn đầu đà tăng với mức tăng 5,5%; 5,2% và 4,5%. Xét theo vốn hóa, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ song về giá cả 3 chỉ số VN30, VNMIDCAP và VNSMALLCAP đều ghi nhận mức tăng khoảng 3% so với đầu tuần.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, ông Matthew Smith – Giám đốc Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định: “Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất tuần vào thứ Sáu sau khi mở cửa ở mức thấp là 1.040 điểm vào sáng thứ Hai. Đây dường như là một dự báo tăng giá cho tuần tới, với các yếu tố hỗ trợ đến từ tin tức Vinfast SPAC cũng như việc các chính sách được nới lỏng hơn nữa – nhưng dù sao thì việc vượt qua ngưỡng kháng cự 1.100 điểm có thể sẽ khó khăn. Độ rộng tuần qua rất tích cực đối với VN-Index (282 mã tăng/91 mã giảm) và VN30 (27 mã tăng/3 mã giảm). Giá trị bán ròng trong tuần tương đối thấp (chỉ 7 triệu USD vào tuần trước), tuy nhiên, khối ngoại đã bán ròng 91 triệu USD trong nửa đầu quý 2/2023, nhưng vẫn mua ròng 207 triệu USD so với đầu năm (YTD). Riêng về nhóm ngành Năng lượng thì tại bản dự thảo Quy hoạch điện VIII (QHĐ8) mới nhất nhấn mạnh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo từ năng lượng dựa trên carbon và các cam kết tại Hội nghị COP26 của Chính phủ về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam. Việc hoàn thiện QHĐ8 được chờ đợi từ lâu sẽ là nền tảng cho chính sách năng lượng trong những năm tới, điều này rất quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới truyền tải và xây dựng hệ thống truyền tải điện. Tôi hy vọng rằng phiên bản cuối cùng sẽ sớm được phê duyệt và có lẽ sớm nhất là vào tháng 6 năm nay...”.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thái Quốc – Phó Giám đốc Công ty CP chứng khoán Agribank – Chi nhánh miền Nam cho rằng: “Sau nhiều phiên tích lũy, VN-Index bứt phá mốc 1.060 điểm trong phiên cuối tuần với sự đồng thuận tăng của các nhóm ngành. Trên khung tuần, chỉ số cho tín hiệu tích cực khi lấy lại hỗ trợ MA20 kèm khối lượng giao dịch cải thiện so với trung bình 10 tuần gần nhất. Kết hợp với các chỉ báo động lượng MACD; RSI khung ngày cắt lên và chưa vào vùng quá bán cho thấy nhịp tăng ngắn hạn nhiều khả năng tiếp diễn. Bên cạnh đó, tình hình vĩ mô thế giới có phần ổn định hơn khi lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt cùng căng thẳng hệ thống ngân hàng dịu bớt. Trong nước, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế tiếp tục được ban hành như (1) Giảm thuế VAT về 8% (2); Quyết định lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội 4,8%/năm và sắp tới kỳ vọng NHNN sẽ có thêm 1 đợt giảm lãi suất điều hành. Điều này góp phần tạo đà cho chỉ số hướng lên vùng mục tiêu tiếp theo là 1.080 điểm”.
Và cơ hội cho nhóm ngành Sản xuất năng lượng có “câu chuyện” riêng
Điển hình trong hai tuần qua là mã DDG của Công ty cổ phần đầu tư Công nghiệp XNK Đông Phương, hiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất khí đốt, cung cấp nhiên liệu bằng đường ống, thu gom rác thải không độc hại… Theo đó, mã cổ phiếu DDG vừa rồi có tổng cộng đã có 19 phiên giảm sàn (giảm từ giá 41.700 đồng/cổ phiếu về 6.000 đồng/cổ phiếu, tính giá thấp nhất trong phiên là 5.400 đồng/cổ phiếu) và rồi mới bật lại được 5 phiên trần về vùng giá hơn 9.000 đồng/cổ phiếu (tính đến ngày 16/5/2023).
Điều này cho thấy nhóm doanh nghiệp ngành Sản xuất năng lượng đang có triển vọng trở lại khi được khối ngoại chú ý. Thêm vào đó là phương án tái cơ cấu doanh nghiệp mang tính khả thi cao cũng là một điểm sáng tạo đà cho DDG bật tăng trở lại khi nhóm ngành Năng lượng có chuyển biến tốt.
Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thể lạc quan theo đánh giá của ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam: “Thị trường đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực khi có 2 phiên tăng mạnh tuần trước. Đặc biệt, VN-Index đóng cửa trên ngưỡng 1.050 điểm qua đó xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn. Theo đó, áp lực bán vẫn duy trì trên ngưỡng 1.100 điểm, nên tôi nghĩ cần có một tín hiệu bứt phá qua vùng này để xác nhận xu hướng tăng. Khi đó nhà đầu tư mới nên mở thêm những khoản mục đầu tư lớn hơn”.
Có thể nói, thị trường vẫn đang trong giai đoạn “vượt khó”, sắc xanh trong thời điểm này cũng chưa tạo ra một cách mạnh mẽ để kéo điểm VN-Index đi lên một cách vững chắc, tuy nhiên với rủi ro của thị trường hiện tại đã giảm thiểu đáng kể thì sẽ có những nhịp điều chỉnh đang là cơ hội để nhà đầu tư tăng tỷ trọng giải ngân. Song nhà đầu tư cũng nên hạn chế mua đuổi ở vùng giá cao đối với các cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng giá nhanh giai đoạn này. Một số nhóm ngành đáng thu hút dòng tiền và có câu chuyện đầu tư trong thời gian tới bao gồm: i/ Nhóm chủ đề đầu tư công (xây dựng và vật liệu xây dựng) được hưởng lợi khi Chính phủ đang đẩy nhanh các dự án đầu tư công, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia về giao thông. ii/ Ngành Bán lẻ - tiêu dùng: Việc giảm lãi suất điều hành cũng như giảm thuế VAT được kỳ vọng sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ phục hồi trở lại. Mặc dù vậy, kỳ vọng phục hồi từ nhóm này cũng cần được đánh giá dựa trên mức độ phục hồi thực tế và không phải doanh nghiệp nào cũng sẽ có sự hưởng lợi ngay khi các chính sách được ban hành. iii/ Ngành iện với kỳ vọng Quy hoạch điện VIII sắp được ban hành trong đó ưu tiên nhóm xây lắp điện và nhóm nhiệt điện.