TTCK: Thị trường “đổi màu” kéo lại niềm tin đầu tư
Sắc màu tích cực đang hiển thị trở lại
Nhìn lại, tháng 11 năm 2022 là tháng phục hồi mạnh nhất trong vòng 16 năm qua với mức phục hồi tăng hơn 20% kể từ mức thấp nhất trong tháng. Cụ thể VN-Index cuối tháng 11 đóng cửa ở mức 1.048 điểm tăng so với mức thấp nhất là 873 điểm. Sự phục hồi rất mạnh mẽ nhờ kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ của chính phủ sẽ ngăn chặn “sóng gió” thị trường tài chính cộng hưởng với đà mua ròng ấn tượng của nhà đầu tư nước ngoài khi định giá một cách rẻ bất ngờ và cùng với yếu tố đồng đô la Mỹ suy yếu đã khiến tỷ giá USD/VND giảm đáng kể.
Với tín hiệu khởi sắc trở lại của thị trường chứng khoán, trao đổi cùng Tạp chí Nông Thôn Mới, Ông Đỗ Anh Tuấn – Trưởng Phòng Môi giới Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam hồ hởi cho biết: “Đà tăng đáng kinh ngạc của thị trường được dẫn dắt bởi nhóm Ngân hàng (VCB: +16,3%; TCB: +25,2%; VPB: +11,6%; MBB: +16,0%), Bất động sản (DIG: +38.8%, DXG: +38.3%; VHM: +21,7%; VIC: +5,8%) và Thép (HPG: +27,1%, NKG: +26.7%, HSG: +24.7%). Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục xu hướng mua ròng với giá trị ròng 9.185 tỷ đồng, tập trung vào HPG (1.437 tỷ đồng), VHM (1.308 tỷ đồng), STB (802 tỷ đồng), MSN (756 tỷ đồng) và VIC (685 tỷ đồng). Giao dịch trung bình hàng ngày của VN-Index tăng gần gấp đôi lên 16,1 nghìn tỷ đồng (+81,1% WoW). Theo công cụ theo dõi thanh khoản thị trường, các lĩnh vực có thanh khoản cao nhất là Bất động sản (+92%), Tài chính (+92%), Ngân hàng (+92%) và Thép (+92%)”.
Điểm nhấn thị trường rơi vào thanh khoản kỉ lục ở nhóm cổ phiếu bất động sản, thép và ngân hàng. Đặc biệt ở nhóm bất động sản khi công cuộc giải cứu thành công cổ phiếu NVL và PDR. Bên cạnh các cổ phiếu khác vẫn tiếp tục hành trình “tím” nguyên một tuần như DIG, DXG, NLG, KDH, CII. Việc nhóm cổ phiếu tăng trần liên tục cho thấy dòng tiền thông minh đã đổ vào thị trường. Diễn biến tương tự ở nhóm cổ phiếu Thép khi HPG tăng kỉ lục và khối ngoại bất ngờ mua ròng liên tục trong 1 tuần. Hai cổ phiếu thép khác rất nhạy sóng là HSG và NKG cũng có đà tăng giá rất ấn tượng. Bởi vì bản chất nhóm cổ phiếu này thường có freefloat thấp, cô đặc nên việc tăng trần rất nhanh khi có thông tin tốt. Nhóm ngân hàng như STB, VIB, TCB, CTG và chứng khoán như SSI, VCI, HCM đạt mức thanh khoản tích cực. Sự lan tỏa ở tất cả nhóm ngành cho thấy sức mạnh dòng tiền trở lại tham gia thị trường rất tự tin.
Khối ngoại và tự doanh đang tích cực mua ròng
Theo biểu đồ giá của VN-Index trên khung thời gian Weekly thì kết tuần xuất hiện cây nến Bullish Marubozu, đi kèm khối lượng cao hơn 13 tháng gần nhất. Cho thấy đà tăng mạnh mẽ và quyết liệt của thị trường sau khi vượt mốc kháng cự tâm lý 1000 điểm. Chỉ báo xu hướng kĩ thuật là MACD cũng phát ra tín hiệu tích cực hơn, rõ ràng dễ thấy là có sự thu hẹp giữa MACD và Signal, đồng thời đường Histogram đang xu hướng lên miền dương. Cho thấy thị trường sẽ vận động tiếp tục đi lên trong các tuần tới, các dấu hiệu này càng cũng cố thêm niềm tin mua vào cho các nhà đầu tư.
Mặc dù tình trạng margin vẫn thận trọng và hạn chế cho vay ở các công ty chứng khoán vẫn còn tiếp diễn. Do đó lúc này dòng tiền đẩy vào thị trường không hoàn toàn là dòng tiền vay mượn. Thị trường được đẩy lên vượt kháng cự bắt nguồn từ dòng tiền thực, mang yếu tố bền vững hơn, đặc biệt đến từ yếu tố mua ròng mạnh mẽ của khối nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại chính là tác nhân chính tạo động lực cho thị trường đi lên, do đó quyết định xu hướng thị trường sắp tới sẽ chú ý vào hành động mua bán của khối ngoại. Bằng chứng là trong 10 phiên gần đây (21/11 – 02/12/2022), khối ngoại liên tục mua ròng mạnh với giá trị 10.796 tỷ đồng, trung bình hơn 1000 tỷ/phiên trên sàn HOSE. Đà mua ròng của khối ngoại là động lực thúc đẩy thị trường tăng mạnh. Phiên thứ 6 cuối tuần – 02/12/2022, khối ngoại mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong khi chỉ có khoảng 25% lượng mua ròng này đến từ các quỹ ETF nổi tiếng (Fubon, VFM VN Diamond, DC VFM VN Diamond, VFM VN30). Như vậy, lượng mua ròng đang lan toả từ nhiều quỹ đầu tư khác.
Ông Đỗ Anh Tuấn nhận định thêm: “Thị trường xuống bằng nhóm cổ phiếu nào thì sẽ lên bằng nhóm cổ phiếu đó. Cụ thể các cổ phiếu sẽ kéo thị trường thuộc các nhóm ngành như ngân hàng TCB, MBB, HDB, STB, VPB… nhóm chứng khoán như SSI, SHS, MBS, AGR, VDS, HCM, VCI… nhóm bất động sản như KDH, NLG, KBC, DXG, DIG… nhóm thép như HPG, NKG, HSG… Do đó, tuần tới đây VN-Index có thể điều chỉnh chính là cơ hội gia tăng tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu này, thị trường trong con sóng đi lên sẽ có những nhịp phân hóa giữa các nhóm ngành, do đó không phải mua đuổi và nên tham gia khi có nhịp điều chỉnh trong phiên”.
Dòng vốn ngoại tham gia liên tục đã đẩy nhiều mã cổ phiếu tăng mạnh, thậm chí tăng trần. Việc VN-Index có điều chỉnh hay không sẽ phụ thuộc vào dòng vốn ngoại này, thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy dòng vốn ngoại mua ròng dừng.
Bên cạnh định giá ở mức hấp dẫn, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu rục rịch tăng giá khi thông tin được nới room ở một số ngân hàng. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tích cực, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cấp thêm chỉ tiêu cho các ngân hàng đạt các đánh giá chỉ tiêu về năng lực tài chính và có đóng góp cho hệ thống ngân hàng, qua đó tăng thêm nguồn vốn cho thị trường. Nhóm ngân hàng chiếm tỉ trọng áp đảo trong vốn hóa thị trường, khi nhóm cổ phiếu này tiếp tục đà tăng sẽ càng làm tăng thêm sức mạnh cho thị trường.
Ở góc nhìn khác, Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc Cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng: “Thị trường có sự phục hồi tốt trong tuần trước qua đó xác nhận xu hướng phục hồi trong ngắn hạn khi Chỉ số VN-Index vượt được ngưỡng 1.000 điểm với khối lượng tăng. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng giải ngân mạnh trong thời gian qua và củng cố cho việc hình thành đáy ngắn hạn trong tháng 11. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi này có thể không kéo dài khi xu hướng điều chỉnh vẫn đang chiếm ưu thế trong trung hạn. Dòng vốn nước ngoài hỗ trợ thị trường có thể dừng lại khi định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam không còn hấp dẫn khi các cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian ngắn. Hơn nữa, sự suy giảm của nền kinh tế thế giới đang ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam khi số liệu vĩ mô trong tháng 11/2022 đang yếu đi khá nhiều. Vì thế, xu hướng phục hồi hiện tại chỉ là nhịp hồi phục ngắn hạn trước khi thị trường quay lại xu hướng điều chỉnh”.