Tài chính – Ngân hàng

Thị trường chứng khoán vẫn còn “rung lắc” mạnh trong tuần này

Tú San - 15:20 21/11/2023 GMT+7
Tuần qua là một tuần giao dịch giằng co khi trong phiên thứ 2, 3, 4 liên tục có "nến Doji" xuất hiện thể hiện sự lưỡng lự giữa phe mua và phe bán. VN-Index kết tuần giảm 0,49 điểm (-0,04%) so với tuần trước và đóng cửa ở mức 1101.19 điểm. Một điểm tiêu cực của thị trường khi phiên thứ 6 vừa rồi là một phiên thanh khoản tỷ đô khi giá giảm mạnh kèm theo khối lượng rất lớn cho thấy lực cung quanh vùng 1.12x - 1.13x điểm khá nhiều.

Thị trường vẫn còn những phiên "rung lắc" mạnh

Về cơ bản đây là giai đoạn phân hóa cổ phiếu của thị trường khi một số cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như thép, CNTT, phân bón, BĐS KCN cho thấy mức độ giảm không quá mạnh so với thị trường chung. Tuy nhiên nhóm ngành BĐS, chứng khoán cho thấy sự chốt lời hàng loạt dẫn đến giảm điểm mạnh

Bên cạnh đó, một số tin tức quốc tế nổi bật tuần qua là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10/2023 thấp hơn dự báo (3.3%) khi chỉ tăng 3.2% so với cùng kì, điều này ít nhiều đã xoa dịu bớt nỗi lo của Fed. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm giảm về mốc 4.44% so với mốc đỉnh vừa qua là 5% và chỉ số USD Index giảm mạnh về mốc 103.82 cho thấy cả lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và chỉ số USD Index đều tạo đỉnh và giảm. Điều này sẽ tác động tích cực cho không chỉ thị trường chứng khoán Mỹ mà với cả với các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam khi chênh lệch lãi suất của thị trường cận biên và trái phiếu chính phủ Mỹ không còn bị nới rộng thêm. Chỉ số Dow Jones trong tuần qua tiếp tục ghi nhận mức tăng 1.94%, tương tự chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều tăng lần lượt là 2.24% và 1.99%. Đây là tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp của ba chỉ số này.

Ngoài ra, thông tin trong nước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng cho hệ thống 108,000 tỷ kể từ đầu tháng 11, lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm xuống còn 0.26%, đây sẽ là một tin tức cực cho thị trường chứng khoán. Thêm vào đó là thông tin lãi suất tiết kiệm của Vietcombank giảm tiếp 0,1-0,2%/năm tùy kì hạn và tỷ giá USD/VND đồng loạt điều chỉnh giảm về mức 23.972Vnd/1Usd đã  khiến thị trường có những phiên rung lắc với biên độ khá mạnh.

Ông Trần Đình Khánh - TGĐ Công ty CP CK Funan - Ảnh TS

Nhận định về tác động của các thông tin trên đến thị trường chứng khoán, ông Trần Đình Khánh - TGĐ Công ty CP Chứng khoán Funan cho biết: "Với diễn biến hiện tại, VN-Index có thể kiểm định lại vùng 1.08x trong tuần tới, đến từ áp lực chốt lời chung của thị trường. Sau một nhịp tăng hơn 100 điểm từ 1.020,01 điểm lên mức 1.132,75 điểm, đồng nghĩa với việc dòng tiền đầu tư đã mua ở vùng giá thấp và những nhà đầu cơ mua ở vùng giá cao tranh thủ bán chốt lời và cắt lỗ. Do vậy, đây chính là giai đoạn sàng lọc cổ phiếu phiếu mạnh hơn so với thị trường chung. Về mặt chỉ số VN-Index, trong tuần giao dịch từ ngày 20/11 – 24/11 với 2 khả năng: một là khả năng cao test lại vùng 1.08x và hai là mức xấu nhất có thể kiểm tra lại mốc 1.040, trước khi có những tín hiệu tiếp theo".

Đứng ngoài quan sát hay vào lướt sóng thị trường

Với phiên sáng thứ 2 vừa qua, thị trường vẫn còn những tín hiệu tích cực khi khối ngoại đã mua ròng gần 370 tỷ và không có sự hoảng loạn bán tháo đến từ thông tin công bố kết quả điều tra thiệt hại từ tập đoàn Vạn Thịnh Phát khi nhóm cổ phiếu có độ beta cao như nhóm BĐS - Nhóm Chứng Khoán - Nhóm Thép không giảm mạnh nữa.. Đặc biệt phiên sáng đã có 1 số nhóm cổ phiếu tăng mạnh từ rất sớm như bất động sản khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Duy Thanh Phương - GĐKD Công ty Chứng khoán Yuanta - Ảnh TS

Trao đổi cùng PV Tạp chí Nông Thôn Mới, ông Nguyễn Duy Thanh Phương - Giám đốc kinh doanh Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng: "Về phân tích kỹ thuật: thì thị trường vẫn đang giữ được xu hướng Tăng khi các yếu tố về thông tin thế giới đã ủng hộ, Tôi vẫn giữ kịch bản cơ sở là VN-Index sẽ tăng lên vùng 1.150 – 1.160 điểm và có 3 vùng khácg cự sẽ là: i/ Vùng kháng cự 1: 1.115 – 1.120 điểm. ii/  Vùng kháng cự 2: 1.150 – 1.160. iii/ Vùng hỗ trợ dưới là 1.085 – 1.090 điểm".

Với các nhà đầu tư cá nhân thì thị trường trong tuần này diễn ra tương đối phức tạp, việc nên hạ tỷ trọng để đãm bảo an toàn tài khoản (nếu sử dụng margin) hay tăng tỷ lệ vào các nhóm cổ phiếu đang có chiều hướng tăng trở lại để "lướt sóng" thị trường giai đoạn này không hề dễ dàng như trước do tính "đảo chiều" liên tục trong phiên của thị trường.

Ông Trần Đình Khánh nhận định: "Trong thời điểm này, nhà đẩu tư (NĐT) nếu trong trạng thái cầm nhiều cổ phiếu có thể chốt lời ở một số nhóm ngành như chứng khoán, BĐS, và những cổ phiếu suy yếu hơn thị trường chung. Ngoài ra, có thể cầm nắm những cổ phiếu mạnh hơn thị trường chung hoặc chỉ giảm ít tỷ trọng và không bán hết đối với cổ phiếu mạnh. Đối với NĐT trong trạng thái cầm nhiều tiền mặt có thể giải ngân vào các dòng cổ phiếu mạnh như thép, CNTT, phân bón, BĐS KCN. Ngoài ra, vẫn có thể giải ngân ở những nhóm cổ phiếu riêng lẻ có kết quả kinh doanh trong lúc thị trường giảm sâu và lưu ý là trong giai đoạn này nhà đầu tư/đầu cơ nên hạn chế mua đuổi, thay vào đó hãy đợi cổ phiếu về nền giá hoặc kiểm tra lại đáy cũ và mở vị thế mua. Còn đối với nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ cao, nhóm cổ phiếu penny không có yếu tố cơ bản nhà đầu tư/đầu cơ nên thoát hết và hạn chế đến mức tối đa khi mua những cổ phiếu loại này".

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Duy Thanh Phương lại cho rằng đây là thời điểm nhà đầu tư cần quan sát và có những hành động đúng lúc để có thể tích luỹ cũng như "lướt sóng" ăn T+ khi thị trường có những đợt điều chỉnh: " Theo tôi, nhà đầu tư có thể thực hiện chiến lược lướt trên cổ phiếu có sẵn sẽ bán lướt khi thị trường tăng 2 – 3 phiên và chờ điều chỉnh giảm nhẹ mua vào lại và hạn chế Bán đuổi khi thị trường hoảng loạn. Nếu xét về trung hạn thì các yếu tố lo ngại về thông tin tỷ giá - lạm phát - lãi suất - chiến tranh đã hạ nhiệt nên rất khó để thị trường tiêu cực như đợt giảm tháng 9, tháng 10/2023. Do đó, nếu bất kỳ một đợt điều chỉnh mạnh nào xuất hiện trong tháng 11 và tháng 12/2023 đó sẽ là cơ hội mua tích lũy cổ phiếu giá rẻ để đầu tư cho năm 2024".

Khuyến nghị về các nhóm ngành có thể tăng tỷ lệ nắm giữ, cả ông Phương và ông Khánh đều cho rằng các nhóm ngành có khả năng hiện nay sẽ tập trung chủ yếu ở nhóm Chứng khoán (các mã SSI, VND, VIX, SHS), nhóm Thép (HSG, NKG), nhóm BĐS Khu công nghiệp (IDC, KBC) và một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác