Tài chính – Ngân hàng

TTCK: VN-Index vẫn còn nhiều biến động

Tú San - 15:48 16/04/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thị trường chứng khoán (TTCK) tuần qua đã có giao dịch giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản, kết phiên giao dịch ngày 14/4/2023 chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.053 điểm (tương ứng giảm 1,57%). Thanh khoản cũng cùng xu hướng khi sụt giảm 2,4% với giá trị giao dịch bình quân phiên trên cả 3 sàn đạt khoảng 15.400 tỷ đồng.

Thị trường vẫn đang trong trạng thái “giằng co tâm lý”

Xu hướng chính của thị trường tuần qua là vận động giằng co của chỉ số VN-Index trong biên độ 1.055 - 1.075 điểm, song với áp lực bán gia tăng tại nhóm bất động sản và chứng khoán trong phiên cuối tuần đã khiến VN-Index không thể bảo toàn mốc MA20 trên cả khung tuần lẫn khung ngày, kết hợp với các chỉ báo động lượng RSI, MACD đồng thuận hướng xuống báo hiệu nhịp điều chỉnh nhiều khả năng tiếp diễn. Tuy nhiên, với việc chỉ số đã có 3 phiên giảm điểm liên tiếp sau khi lùi về vùng 1.045 – 1.050 điểm (tương ứng đường MA100) thì nhịp hồi có thể xuất hiện.

Bà Hồ Mỹ Thể - Phó Giám đốc Chi nhánh miền Nam - Công ty CP Chứng khoán Agribank

Trao đổi cùng Tạp chí Nông thôn Mới, bà Hồ Mỹ Thể - Phó Giám đốc Chi nhánh miền Nam - Công ty CP Chứng khoán Agribank nhận định: “Trong bối cảnh dòng tiền vào đến chủ yếu từ khối nhà đầu tư cá nhân trong nước, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ chiếm ưu thế hơn so với nhóm vốn hóa lớn. Bên cạnh đó dòng tiền thể hiện sự phân hóa ngày càng rõ nét khi luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành và có xu hướng tập trung vào những nhóm chưa tăng mạnh. Một số nhóm ngành sẽ hút được dòng tiền mạnh như: i/ Nhóm nông nghiệp: Gạo hưởng lợi từ giá gạo xuất khẩu tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm qua; Chăn nuôi với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dần hạ nhiệt cùng kỳ vọng giá lợn hơi chạm đáy và bắt đầu phục hồi. ii/ Một số nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công như thép, xây dựng hạ tầng với kỳ vọng tiến độ thi công sẽ được đẩy nhanh trong các tháng kế tiếp. iii/ Nhóm ngành hưởng lợi từ việc nguồn cung dầu thô cắt giảm như dầu khí, vận tải dầu. Theo đó, nhịp điều chỉnh của VN-Index có thể vẫn còn nhiều biến động xoay quanh vùng hỗ trợ”.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,79 triệu tấn và 952 triệu USD, giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng hơn 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022 do giá gạo tăng. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2023 đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% yoy, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% yoy. Theo đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, tình hình xuất khẩu gạo quý II của Việt Nam sẽ tích cực hơn so với quý I/2023. Dự báo giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên.

Thị trường vẫn còn nhiều biến động

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã đưa ra dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 2,8% trong năm 2023, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2023 vừa qua. Trong đó, Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 5,2% và 4,5% lần lượt trong các năm 2023 và 2024. Về triển vọng các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển, IMF bày tỏ lạc quan và cho rằng nhìn chung cao hơn so với các nền kinh tế tiên tiến. Tính bình quân thì tăng trưởng được dự đoán ở mức 3,9% trong năm 2023 và tăng lên 4,2% trong năm 2024.

Ông Trương Quang Bình - Phó Giám đốc Phân tích – Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo ông Trương Quang Bình - Phó Giám đốc Phân tích – Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: “Diễn biến các chỉ số ít biến động và trái chiều, chỉ số Dow Jones và S&P500 duy trì đà tăng nhẹ, trong khi đó chỉ số Nasdaq điều chỉnh nhẹ do lợi suất trái phiếu hồi phục. Đồng thời, tâm điểm nhà đầu tư sẽ là chỉ số CPI tháng 3 được công bố vào ngày thứ 4, đây là chỉ số quan trọng để củng cố thêm quyết định của Fed sau dữ liệu việc làm. Hiện nay, các nhà đầu tư đang dự đoán lạm phát tháng 3/2023 có thể tăng trở lại sau khi mức dự báo này đạt mức thấp nhất trong tháng 2/2023. Tôi cho rằng điều này cũng dễ hiểu khi thời gian qua giá hàng hóa đã hồi phục trở lại sau giữa tháng 3/2023, đặc biệt là giá dầu do ảnh hưởng từ việc cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+”.

Xét trong trung và dài hạn, với những tín hiệu tích cực từ số liệu vĩ mô của Mỹ được công bố tuần qua và nền kinh tế trong nước đang xuất hiện nhiều thông tin hỗ trợ thì những rủi ro về mặt thông tin đã giảm thiểu đáng kể. Do đó, nhịp chỉnh hiện tại là cần thiết nhằm cân bằng cung – cầu sau giai đoạn tăng giá vừa qua.

Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam

Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cũng nhận định: “Thị trường điều chỉnh mạnh vào phiên cuối tuần qua đó cho thấy nhiều tín hiệu không tích cực trong ngắn hạn như: i/ Áp lực bán, chốt lời đã gia tăng trở lại. ii/ Chỉ số đóng cửa dưới một số đường trung bình động quan trọng. Iii/Nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về sự suy yếu của nền kinh tế khi số liệu kinh tế tháng 3 không như kì vọng. Vì thế, khả năng điều chỉnh trong tuần tới là khá lớn. Tuy nhiên, chỉ số khó giảm sâu do lực cầu có thể xuất hiện trở lại. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng có thể mua ròng trở lại khi định giá trở nên hấp dẫn”.

Thị trường có thể hồi phục và biến động quanh vùng hỗ trợ 1.068 – 1.072 điểm của chỉ số VN-Index trong phiên kế tiếp. Đồng thời, các chỉ báo xung lượng giảm về gần vùng quá bán cho nên thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi và dòng tiền bắt đáy có thể sẽ được kích thích trong 1-2 phiên giao dịch tới. Vì thế, chỉ số VN- Index có thể sẽ chưa xuyên thủng vùng hỗ trợ hoàn toàn vùng hỗ trợ 1.068 – 1.072 điểm trong ngắn hạn, ngoài ra các chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với xu hướng hiện tại. Do đó, thời điểm hiện tại nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược trading ngắn hạn trong đó tập trung vào các nhóm vốn hóa vừa với những cổ phiếu đang ở vùng tích lũy.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác