Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Ứng Hòa hỗ trợ hội viên nông dân sử dụng chế phẩm sinh học cho chăn nuôi sau ngập úng do bão lụt

Hoàng Yến - 07:00 29/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Bão số 3 (Yagi) đã gây ra thiệt hại rất lớn về tài sản trên địa bàn huyện Ứng Hoà, làm hư hỏng một số công trình hạ tầng cơ sở, đổ gãy hơn 2.000 cây xanh, hơn 2.000 ha lúa đổ; ngập úng và dập nát 574 ha rau màu, 108 ha cây ăn quả tập trung; tràn bờ 25,7 ha thuỷ sản; hơn 1000 hộ dân bị ngập lụt…
TIN LIÊN QUAN

Nông nghiệp chịu thiệt hại lớn do ảnh hưởng của bão lụt

Do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), huyện Ứng Hòa đã di dời 110 hộ dân, 368 nhân khẩu tại 10 xã ven sông Đáy đến nơi an toàn. Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa lớn, các hồ thủy điện xả lũ khiến mực nước sông Đáy, sông Nhuệ qua địa bàn huyện lên rất nhanh. Mực nước sông Đáy đạt đỉnh ngày 13/9 ở mức +6,88m, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nước sông Đáy dâng cao gây ngập úng một số khu dân cư, vùng sản xuất của 14 xã ven sông của huyện. Trong đó thời điểm cao điểm nhất ngày 13/9/2024 có 1.377 hộ với 4.717 khẩu phải di dời, sơ tán.

bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội cùng đoàn công tác đã đến thăm và động viên hội viên nông dân xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3

Toàn huyện có 3559 ha lúa bị đổ, ngập úng; 145,5 ha rau màu bị dập nát, hư hỏng; 214 ha cây ăn quả bị đổ, ảnh hưởng; khoảng hơn 254.600 con gia súc, gia cầm phải di dời; hơn 1.000 con bị chết, thất lạc. Sau khi nước rút, UBND huyện Ứng Hoà đã phát động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3, phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các cơ quan, đơn vị, các khu dân cư trên địa bàn. 

Ngay sau bão, bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội cùng đoàn công tác đã đến thăm và động viên hội viên nông dân xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3.

Đến thăm và động viên gia đình hộ hội viên nông dân Nguyễn Hữu Hồng ở xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, bà Phạm Hải Hoa đã chia sẻ trước những thiệt hại về kinh tế và động viên gia đình anh Hồng cố gắng vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả và nhanh chóng phục hồi sản xuất. Gia đình anh Hồng hiện có 6.300m2 trồng dưa lưới, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã bị thiệt hại khoảng 3.000m2 ước tính tổng thiệt hại hơn 400 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh Hồng đang vay vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân Thành phố, anh mong muốn Hội Nông dân Thành phố xem xét có biện pháp miễn phí và gia hạn nợ để giúp gia đình vượt qua thời điểm khó khăn này.

Bà Hoa cũng đề nghị Hội Nông dân huyện và xã tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình thiệt hại của các hộ hội viên có mô hình chăn nuôi, trồng trọt báo cáo với cấp ủy Đảng, chính quyền để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Các cấp Hội cần nhanh chóng hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân khắc phục hậu quả bão lụt, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất, đồng thời tổng hợp thông tin về những hộ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân đang bị thiệt hại nặng để đề nghị có hướng hỗ trợ theo quy định.

Các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ... tham gia hỗ trợ di dời tài sản cho các hộ dân ven sông Đáy trên địa bàn huyện. Ảnh: Đ.L

Ông Nguyễn Tiến Thiết - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết: Đối với thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, đề nghị Phòng Kinh tế huyện và các địa phương cần cập nhật, thống kê chính xác số liệu liên quan đến thiệt hại của người dân, nhất là các thiệt hại có cơ chế hỗ trợ của Trung ương, Thành phố để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể, chi tiết các điều kiện để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục được hưởng quyền lợi hỗ trợ cho người dân. Nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân để đề xuất và có phương án hỗ trợ con giống, cây trồng khôi phục sản xuất. 

Hội hướng dẫn, hỗ trợ hội viên sử dụng chế phẩm sinh học cho chăn nuôi sau ngập úng

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội, ngày 26/9/2024, Hội Nông dân xã Viên Nội (huyện Ứng Hòa) đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân và nhân dân sử dụng chế phẩm sinh học EMUNIV cho chăn nuôi sau ngập úng.

Chế phẩm EMUNIV được chế thành 2 dạng: Dạng lỏng và dạng bột. Chế phẩm sinh học EMUNIV có rất nhiều công dụng khác nhau, mà mỗi công dụng lại có những cách pha chế, sử dụng khác nhau, được chia thành nhiều loại. EMUNIV là loại chế phẩm vi sinh dùng để xử lý các chất thải hữu cơ. Nó bao gồm nhiều chủng vi sinh vật khác nhau rất hữu hiệu. Chúng có khả năng phân giải nhanh các chất hữu cơ, các bã xác động vật…

Hộ chăn nuôi được hướng dẫn pha trộn chế phẩm vi sinh EMUNIV để bảo vệ môi trường sau ngập lụt.

Trong chế phẩm EMUNIV chứa các vi sinh vật rất hữu ích như Saccharomyces sp (hay còn gọi là nấm men), Actinomyces, Bacillus sp, Lactobacillus sp… Những vi sinh vật này có khả năng phân giải rất mạnh tinh bột, protein, xenlulose, lipid, kitin… Từ đó sản sinh ra các hoạt chất rất có lợi cho môi trường có tác dụng phân giải nhanh chóng phân gia súc, gia cầm, phế thải nông nghiệp thành các chất dinh dưỡng cho cây. Hình thành các chất kích thích sinh trưởng thực vật, giúp cây phát triển tốt.

Tạo chất kháng sinh để tiêu diệt một số vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng, làm mất mùi hôi của phân chuồng và ức chế sinh trưởng các vi sinh vật gây thối. Phân giải nhanh rác thải, phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón hữu cơ.

Chế phẩm EMUNIV còn dùng phối trộn làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi; Xử lý nước thải chăn nuôi; Hỗ trợ diệt mầm bệnh, vi sinh vật gây hại, hạn chế ruồi muỗi.

Kỹ thuật sử dụng chế phẩm EMUNIV làm đệm lót sinh học:

Trộn 200g chế phẩm vi sinh Emuniv với 10kg trấu, mùn cưa, mụn dừa và 2-3 kg cám gạo làm thức ăn cho vi sinh vật. Sử dụng hỗn hợp này rắc đều lên nền chuồng làm đệm lót. Định kỳ 7-10 ngày rắc 1 lần. Chú ý hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi bằng đệm lót sinh học.

Hội viên nông dân chăn nuôi gia cầm xã Viên Nội  rắc đều chế phẩm EMUNIV lên nền chuồng làm đệm lót theo kỹ thuật được Hội Nông dân xã hướng dẫn.

Diện tích chuồng nuôi: Với bò nuôi thịt, vỗ béo, diện tích chuồng nuôi tối thiểu để làm đệm lót sinh học là 2,4 m2/con (chiều dài chỗ đứng > 1,6 m, chiều rộng chỗ đứng > 1,1 m). Nền chuồng được xây bằng xi măng, gạch đá hoặc đúc nhiều tấm xi măng rồi ghép lại (không để nền cát hoặc đất như đối với làm đệm lót sinh học cho heo, gà, vịt…), có độ dốc về phía sau 1,2 – 1,5% giúp nước chảy về hướng đó tránh gây ứ đọng làm hỏng đệm lót. Nên bố trí rãnh thoát nước ở cả phía trước và sau với độ dốc vừa đủ và nối liền với cống rãnh thoát nước chung. Rãnh thoát nước tiểu có độ dốc 0,2 – 0,5% là hợp lý.

Chuẩn bị nguyên liệu: 1,5 lít chế phẩm EMUNIV dạng lỏng + 3 kg rỉ mật (đường) + 30 lít nước sạch + 30 kg cám gạo + 1.500kg nguyên liệu làm đệm (trấu hoặc hỗn hợp trấu, mùn cưa hoặc rơm rạ). Nếu sử dụng nguyên liệu là trấu thì với 1.500kg trấu sẽ làm được 28,8m2 đệm có độ dày 35 – 40cm, sử dụng trong 30 ngày. Mỗi con bò cần diện tích 2,4m2 chuồng làm đệm lót sinh học/1 lần x 3 lần/90 ngày nuôi.

Pha dung dịch thứ cấp: Hòa 3kg rỉ mật hoặc đường vào 30 lít nước sạch, bổ sung 1,5 lít dung dịch EMUNIV. Đậy nắp kín, để ủ dung dịch trên nơi râm mát trong thời gian 48 giờ. Dung dịch thu được sau ủ là men vi sinh vật sử dụng làm đệm lót sinh học.

Tạo lớp đệm lót: Rải đều nguyên liệu (trấu hoặc hỗn hợp trấu và mùn cưa) lên bề mặt chuồng đạt độ dày khoảng 12 – 15cm; Phun đều dung dịch vi sinh vật thứ cấp đã ủ lên bề mặt nguyên liệu, rắc đều cám gạo lên bề mặt trấu đã được phun vi sinh. Tiếp tục làm như trên đến khi lớp đệm đạt độ dày khoảng 35 – 40cm, sau đó phủ kín bề mặt lớp đệm bằng bạt hoặc nilon hoặc bao tải dứa, khoảng sau 2 ngày đưa bò vào nuôi.

Vào mùa hè nắng nóng có thể trải một lớp đệm lót mỏng hơn với độ dày 10 – 12cm có thể sử dụng được trong thời gian 15 – 18 ngày. Độ ẩm đệm cần đảm bảo < 50%, tốt nhất là 35 – 40%, cách nhận biết theo kinh nghiệm là dùng tay nắm nguyên liệu sau phối trộn thấy nước ướt tay là được.

Hội viên nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm xã Viên Nội thực hành rải nguyên liệu và sử dụng chế phẩm EMUNIV làm đệm lót chuồng.

Sử dụng và bảo dưỡng đệm lót: Trong quá trình sử dụng đệm lót sinh học khi thấy nền đệm lót bị bết cần tiến hành đảo và bổ sung thêm trấu hoặc mùn cưa và men vi sinh để đệm lót luôn tơi xốp, độ ẩm dưới 50%. Thông thường với lớp đệm dày 35 – 40cm, sử dụng thời gian nuôi khoảng 1 tháng, nếu quá thời gian trên không muốn thay đệm thì bổ sung thêm trấu và dung dịch thứ cấp (bằng khoảng 1/3 lượng làm đệm lót ban đầu) khi độ ẩm lớp đệm vượt quá ngưỡng cho phép. Trong quá trình sử dụng không được phun hóa chất sát trùng lên bề mặt lớp đệm lót.

Kỹ thuật sử dụng chế phẩm EMUNIV xử lý ủ hoai phân chuồng:

 Ủ nóng: Ủ nóng trong vòng 1 ngày. Đánh cao đống phân ủ, càng cao càng tốt để đống ủ nhanh gia nhiệt (nhiệt độ phù hợp cho đống ủ từ 55-70 độ C).

Ủ nguội: Ủ ở nhiệt độ thường. Trộn 200g chế phẩm vi sinh với 3-5 kg cám gạo, mụn dừa, mùn cưa, trấu. Phân sau ủ nóng được rải đều từng lớp dày 20cm. Mỗi lớp rải 1 lượt hỗn hợp đã ủ, làm như thế cho đến khi hết nguyên liệu. Luống ủ không cao quá 50cm, chiều rộng 1m.

Sử dụng chế phẩm EMUNIV xử lý mùi hôi:

Hòa 01 gói chế phẩm vào 01kg đường/rỉ mật+ 20 lít nước sạch, sử dụng dịch này để phun khử mùi cho 4 - 5m2 bề mặt/lít. Dùng dung dịch vi sinh phun chuồng trại hàng ngày.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác