Góc nhìn

Văn hóa là mạch nguồn trong xây dựng nông thôn mới

Bình Châu - 07:07 20/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn luôn giữ một vị trí quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới (NTM) thì phát triển văn hóa nông thôn càng có vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng.
 “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lan tỏa giá trị văn hóa nông thôn 

Nông thôn Việt Nam vốn đa dạng về văn hóa, là nơi sáng tạo, bảo tồn, phát triển các phong tục, tập quán của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Việc phát triển văn hóa nông thôn gắn với xây dựng NTM vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Phát triển văn hóa ở nông thôn ở nước ta là quan tâm đến phát triển văn hóa từ gốc, là tạo ra những giá trị mới của nông thôn, một nông thôn hiện đại với những giá trị mới về kinh tế, văn hóa, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hóa của người dân ở nông thôn. Xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa.

Đồng thời nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã... chính là những giải pháp tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Tương tự, việc xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc cũng đóng góp trực tiếp vào việc tạo động lực, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.

Xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa nông thôn, vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ban hành Quyết định số 2754/QĐ-BVHTTDL tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng NTM. Đây là hoạt động nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các vùng miền, cộng đồng, dân tộc trong phong trào xây dựng NTM.

Nhằm cụ thể hóa các hoạt động này, Bộ VHTT&DL đã phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai tổ chức xây dựng mô hình Câu lạc bộ hát Then dân tộc Tày phục vụ phát triển du lịch gắn với phong trào xây dựng NTM. Trong đó, khảo sát, đánh giá thực trạng văn hóa truyền thống và hát Then dân tộc Tày; những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế làm cơ sở lựa chọn địa điểm, nội dung nhân rộng các mô hình; hỗ trợ các trang thiết bị, nhạc cụ, đạo cụ để triển khai xây dựng và thực hành sinh hoạt mô hình Câu lạc bộ hát Then dân tộc Tày phục vụ phát triển du lịch sinh thái trong xây dựng NTM.

Còn tại huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) từ cuối tháng 11/2021, Bộ VHTT&DL phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy nghề làm nón lá hai mê dân tộc Tày phục vụ phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM. Bộ VHTT&DL cũng phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang tổ chức bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống tiêu biểu dân tộc Tày xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch trong xây dựng NTM.

Người dân xã Liên Châu (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) chăm sóc cây xanh tại nhà văn hóa thôn. Ảnh: Dương Chung

Nâng chất từ tiêu chí văn hóa

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, khi triển khai xây dựng NTM nâng cao và khu dân cư kiểu mẫu cũng đã đặc biệt coi trọng đến các tiêu chí về văn hóa. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí về văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Từ năm 2013 xã Liên Châu (huyện Yên Lạc) đã đạt chuẩn NTM. Từ những nền tảng này, xã triển khai xây dựng NTM nâng cao theo hướng chú trọng đến tiêu chí văn hóa. Trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu, Đảng ủy, chính quyền xã Liên Châu đã huy động các nguồn lực, vận động nhân dân trên địa bàn chung tay nâng cấp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa.

Theo ông Vũ Xuân Chiếm - Chủ tịch UBND xã Liên Châu, hiện nay, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu. Trong đó, các tiêu chí văn hóa được xã quan tâm, chú trọng triển khai với mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Trong giai đoạn 2013-2020, xã đã đầu tư nâng cấp Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ và vận động nhân dân xây mới 2 nhà văn hóa (NVH) thôn Nhật Chiêu 1 và thôn Nhật Tiến 2; cải tạo, mua sắm bổ sung đầy đủ trang thiết bị cho NVH các thôn còn lại, vận động nhân dân trồng bổ sung cây xanh tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và 100% NVH thôn...

“Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn xã được quản lý và vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân, tạo điều kiện để phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao phát triển. Hiện 11/11 thôn của xã đều có các câu lạc bộ văn hóa-văn nghệ, thể thao duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả…” ông Chiếm cho biết.

Không chỉ xã Liên Châu, ở nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc cũng rất thuận lợi khi thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM nâng cao. Có được thành công này là nhờ những cơ chế của tỉnh về hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, phát triển phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao. Bên cạnh cơ chế hỗ trợ của tỉnh, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo, vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa trên địa bàn. 

Từ kinh nghiệm của Vĩnh Phúc có thể thấy, phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng NTM vừa là nhiệm vụ nhưng cũng xuất phát từ chính nhu cầu của người dân nông thôn. Nền tảng văn hóa được gây dựng và gìn giữ chính là “sức mạnh mềm” để củng cố niềm tin của nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. 

Đến nay, 100% xã NTM của tỉnh Vĩnh Phúc có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và nhà văn hóa tại tất cả các thôn, trong đó có hơn 1.000 nhà văn hóa được xây mới, chỉnh trang mở rộng diện tích đạt 500m2 trở lên và có sân thể thao đơn giản. Năm 2020, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 92% khu dân cư đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt hơn 90%...

Tin cùng chuyên mục
Tin khác