Vì sao cần áp dụng cơ chế đặc thù trong giải phóng mặt bằng?
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Việc kiến nghị cho phép chỉ định thầu trong giải phóng mặt bằng được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Giải phóng mặt bằng là được xác định là khâu khó khăn trong triển khai dự án đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, 2 thành phố đã kiến nghị cơ chế đặc thù cho chỉ định thầu trong triển khai công tác giải phóng mặt bằng.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, trong tất cả các báo cáo đánh giá về những khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, thì nguyên nhân giải phóng mặt bằng luôn ở vị trí số một.
Tức là công tác giải phóng mặt bằng là công tác rất phức tạp, có nhiều khó khăn vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư công. Hệ lụy dẫn tới là chậm tiến độ, giải ngân thấp…
Chính vì vậy, khi đặt vấn đề thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 2 dự án Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng được đặc biệt quan tâm.
Chỉ định thầu một số nội dung công tác giải phóng mặt bằng
Trong các nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù, với công tác giải phóng mặt bằng, ngoài việc tách ra là dự án độc lập, thực hiện trước và sớm thì có thêm cơ chế cho phép chỉ định thầu một số nội dung công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Ở đây có thể hình dung 2 công việc chủ chốt áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Một là di dời các hạ tầng kỹ thuật tại khu vực cần phải giải phóng. Trong đó, có hạ tầng về điện, nước, viễn thông… tất cả hạ tầng này yêu cầu về mặt chuyên ngành rất cao, thường các đơn vị liên quan trực tiếp đến ngành, lĩnh vực đó mới có thể thực hiện được. Nếu chúng ta đấu thầu để làm việc này đôi khi chỉ là hình thức và chỉ có 1 nhà thầu có thể thực hiện được việc này.
Việc thứ hai là tái định cư. Để di dời các hộ gia đình, phải xây dựng các khu tái định cư. Việc xây dựng khu tái định cư bắt buộc phải làm rất nhanh để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nếu làm chậm công tác này, đất đã lấy của người dân rồi mà người dân vẫn chưa có nơi ở ổn định thì rất bất cập. Đó là điều hết sức quan tâm trong giải phóng mặt bằng.
Việc kiến nghị cho phép chỉ định thầu trong giải phóng mặt bằng cũng được kỳ vọng là rút ngắn thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó còn nhiều hoạt động khác. Ở 2 dự án này, công tác giải phóng mặt bằng còn khó hơn rất nhiều lần, quy mô lớn, giá trị tiền nhiều. Do vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, ngoài chỉ định thầu có thể rút ngắn được tiến độ thì công tác điều hành, quản lý, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cũng không kém phần quan trọng. Tất cả điều đó tổng hòa giúp rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng.
Chủ động giải phóng mặt bằng thì hiệu quả của dự án sẽ rất cao
Trao đổi về nội dung này, ông Dương Bá Đức, Vụ Phó Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính nhấn mạnh, công tác giải phóng mặt bằng cũng là công tác rất vướng. Then chốt là nếu chúng ta giải quyết được mặt bằng ổn thì thi công sẽ rất tốt.
Giải phóng mặt bằng là nút thắt cho tất cả các dự án. Đây là sức ép cho các địa phương. Từng địa phương phải đẩy mạnh giải phóng mặt bằng.
Chính vì vậy, khi sử dụng số vốn chưa được thực hiện thì chuyển cho chỗ khác, tránh tình trạng tắc nghẽn nguồn vốn, giải phóng nguồn vốn, đó là linh hoạt.
Việc này rất cần thiết, nếu đạt được tính chủ động trong giải phóng mặt bằng thì hiệu quả của dự án sẽ rất cao.
Đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu trong giải phóng mặt bằng: Cách tiếp cận để đổi mới thể chế
Nêu quan điểm về đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu trong công tác giải phóng mặt bằng, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Đề xuất này không chỉ quan trọng cho những dự án này. Đây là cách tiếp cận để đổi mới thể chế.
PGS.TS. Trần Đình Thiên lý giải, khi giao phân cấp, phân quyền cho địa phương như một chủ trương lớn thì đây là thử nghiệm và công việc quan trọng. Bởi vì nguyên tắc phân cấp, phân quyền, cấp nào thực hiện chức năng này tốt nhất thì nên để cấp đó thực hiện.
Lâu nay chúng ta thấy rằng các đường vành đai theo nghĩa chiến lược quốc gia, sự tham gia của cấp địa phương rất ít. Có thể đó là lý do gây ra chậm. Chậm ở mọi bước, vừa lãng phí, vừa kém hiệu quả và quan trọng là làm chậm bước tiến của đất nước trong quá trình phát triển.
Vì vậy giao cho địa phương các quyền thì tất cả các lợi ích và khó khăn vừa đề cập đều có thể tập trung xử lý được. Cần xem xét cách tiếp cận như vậy có tạo ra động lực mới cho việc giải quyết tắc nghẽn thể chế lâu nay hay không.
PGS.TS Trần Đình Thiên tin rằng, các địa phương sẽ làm được. Bởi vì làm đường liên quan đến người dân, đến địa bàn, những việc này phải xử lý tại chỗ hằng ngày và liên quan đến những bức xúc của xã hội. Ở điểm này, địa phương phải nỗ lực để xử lý nhanh chóng.
Bên cạnh đó là lợi ích phát triển của họ đều là lợi ích phát triển lớn. Ở TPHCM hay ngay cả ở Hà Nội, chúng ta thấy chuyện tắc nghẽn liên quan đến đường vành đai nhưng khi giao cho địa phương thì chắc chắn nỗ lực thực hiện sẽ cao.
Điểm tổng quát ở đây là giao quyền cho địa phương thực thi thực chất là giao trách nhiệm. Nhiều khi cứ nghĩ hưởng lợi trước mà không thấy rằng đầu tiên phải là trách nhiệm và những nguyên tắc sâu hơn nữa để địa phương thể hiện năng lực và bộ máy của mình. Nếu làm được thì tác động khá mạnh và toàn diện. Tất nhiên việc nào tốt cũng đều khó làm nhưng nếu theo mạch chỉ đạo sát sao như hiện nay thì sẽ thúc đẩy được việc giải tỏa điểm tắc nghẽn là phân cấp, phân quyền.
Theo Chinhphu.vn