Nông nghiệp

Vĩnh Phúc đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp

Đức Vượng - 08:14 14/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất và tăng giá trị sản phẩm. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi số hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

Đề án chuyển đổi số (CĐS) ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm từng bước giải bài toán về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản trong điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn và thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững.

Thực hiện đề án này, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con nông dân về CĐS, hỗ trợ người dân xây dựng các vùng sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp tỉnh cùng với sự tìm tòi, học hỏi và quyết tâm của nông dân đã xuất hiện nhiều mô hình CĐS hiệu quả. Điển hình như mô hình CĐS của anh Nguyễn Đắc Thành, thôn Hồng Thái, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch trên diện tích hơn 4ha trồng cây Thanh long ruột đỏ.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ áp dụng công nghệ của anh Nguyễn Đắc Thành, thôn Hồng Thái, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch

Mô hình sử dụng gần như hoàn toàn bằng máy móc và các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin như hệ thống tạo nguồn nước và tưới tự động; hệ thống IoT giám sát và dự báo khí hậu nông nghiệp; hệ thống giám sát và bón phân tự động… Toàn bộ các hệ thống này được kết nối internet với máy tính, điện thoại thông minh của người sản xuất qua phần mềm ứng dụng chuyên dùng.

Phần mềm tích hợp với điện thoại sẽ hiển thị nhiều thông số về diễn biến thời tiết, quá trình sinh trưởng, phát triển, nhu cầu nước, phân bón của cây, nhờ vậy mà dù ở bất kỳ đâu anh Thành cũng có thể theo dõi và thực hiện các biện pháp chăm sóc cây trồng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

Anh Thành chia sẻ, việc áp dụng CĐS giúp cây trồng thường xuyên được cung cấp đầy đủ nước, các chất dinh dưỡng nên sinh trưởng, phát triển tốt. Đồng thời, còn giúp hạn chế được sâu bệnh, chất lượng quả tăng lên. Ngoài ra, ứng dụng CĐS còn giúp tiết kiệm hơn 30% chi phí nhân công tưới, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; giảm từ 25-30% lượng phân bón; giảm từ 10-15% lượng thuốc bảo vệ thực vật...góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Nhận định rõ vai trò, ý nghĩa, lợi ích của CĐS, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt đã đã triển khai áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín, kết hợp với hệ thống camera giám sát và các phần mềm, hệ thống thiết bị kiểm soát môi trường chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh tại trang trại nuôi lợn thịt, lợn nái ở thôn Cao Quang, xã Cao Minh (Phúc Yên).

Ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi giúp Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt nâng cao năng suất và giá trị

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt chia sẻ, ứng dụng CĐS giúp người chăn nuôi nắm bắt đầy đủ thông số liên quan đến quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Từ đó, người chăn nuôi sẽ có những điều chỉnh kịp thời, tiết kiệm được công sức, thời gian và chi phí chăn nuôi. Đồng thời, áp dụng CĐS giúp vật nuôi giảm nguy cơ dịch bệnh, giảm chi phí chăn nuôi. Nhờ có sự theo dõi sát sao các chỉ số phát triển giúp đàn lợn đồng đều về trọng lượng, chất lượng sản phẩm thịt ngày càng đươc nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Đánh giá về kết quả bước đầu tham gia mô hình CĐS, anh Tuấn cho biết: “Để hơn 1.600 con lợn thịt, gần 600 con lợn nái sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh, trang trại đã áp dụng nghiêm quy trình chăn nuôi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. 100% công nhân làm việc đều ăn, ở tại chỗ; tất cả các vật dụng, thức ăn trước khi đưa vào chuồng trại đều trải qua 2 bước xử lý, khử trùng. Tại mỗi chuồng nuôi và xung quanh trang trại đều lắp hệ thống camera giám sát, giúp người nuôi nắm bắt được đầy đủ các thông tin để có những điều chỉnh kịp thời, tiết kiệm được công sức và thời gian, chi phí chăn nuôi”.

Ngoài 2 mô hình trên, việc dụng công nghệ thông tin, CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có trên 90% hộ gia đình chăn nuôi theo hướng trang trại có ứng dụng công nghệ số trong sản xuất chăn nuôi; gần 20% hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh; trên 20% hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử và gần 13% nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên các nền tảng xã hội.

Để chủ động ứng dụng công nghệ số, nhiều hộ nông dân đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong gieo trồng, chăn nuôi, thúc đẩy phát triển các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác