Vĩnh Phúc: Khai bút đầu Xuân – Nét duyên vùng đất Phủ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Chí Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường nêu rõ: Đây là hoạt động có ý nghĩa giáo dục, hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc mà cả người cho chữ và người xin chữ đầu năm đều rất kính chữ, trọng chữ. Thông qua những nét chữ tựa như “Phượng múa, rồng bay” đầu tiên của năm để gửi gắm vào đó mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc, hanh thông, phồn thịnh... trong năm mới.
Chương trình “Khai bút đầu Xuân – Nét duyên vùng đất Phủ” năm nay được kết hợp hài hòa tổ chức Ngày hội đọc sách Xuân Giáp Thìn và trưng bày 200 bức tranh sơn dầu với chủ đề “Miền Xuân Vĩnh Tường” của họa sỹ Quỳnh Thơm khắc họa chân thực: sự chuyển vận của đất trời; sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật trên vùng đất Phủ khi Xuân về; của miền quê đáng sống, đang chuyển mình trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; sự cần lao của những con người đất Phủ chân chất lao động sáng tạo trở nên đẹp rạng ngời dưới những nét họa của người họa sỹ.
Cả 3 nội dung trên là sự kết tinh thành một chỉnh thể văn hóa đặc sắc, vừa mang yếu tố truyền thống lại vừa mang yếu tố đương đại mang đến cho nhân dân trong huyện và du khách thập phương những thông điệp và triết lý nhân sinh sâu sắc, qua đó góp phần giáo dục, tôn vinh giá trị văn hóa và truyền thống hiếu học và khoa bảng của Vĩnh Tường.
Thầy giáo Lê Hoàng Hiền - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Viết Xuân chia sẻ: Chương trình “Khai bút đầu Xuân – Nét duyên vùng đất Phủ” mới được tổ chức năm thứ 2, nhưng thật sự đã để lại cho mỗi người dân Vĩnh Tường một niềm tự hào về quê hương đất phủ “trọng chữ”, “kính chữ”, một niềm tin, niềm hy vọng về một mùa Xuân mới - với những thắng lợi mới, thành công mới.
“Với trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục; sau sự kiện này, chúng tôi sẽ trở về với ngôi trường yêu dấu của mình để tuyên truyền đến các thầy cô giáo, các em học sinh chưa có điều kiện về dự Chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này để có thể cảm nhận, tự hào về miền quê đất Phủ giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng, được tạo dựng từ thời kỳ Phong kiến cho đến nay, tựa như “mạch ngầm” chảy mãi cùng thời gian và không bao giờ vơi cạn trong tâm thức của mỗi ngưởi con đất Phủ. Đồng thời, cũng căn cứ vào điều kiện cụ thể, chúng tôi sẽ tổ chức Khai bút đầu Xuân tích hợp với các hoạt động ngoại khoá ở các nhà trường” – Thầy giáo Lê Hoàng Hiền chia sẻ.
“Năm 1822, trong công cuộc cải cách hành chính của triều Nguyễn, vua Minh Mệnh đã cho đổi tên từ phủ Tam Đa thành phủ Vĩnh Tường. Trải qua 2 thế kỷ với danh xưng “Đất phủ Vĩnh Tường” và bề dày lịch sử hàng nghìn năm từ thuở các vua Hùng dựng nước, Vĩnh Tường ngày càng khẳng định vị thế của một địa phương giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và đấu tranh cách mạng, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh, của đất nước.
Ông Mai Văn Trung - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Các nghiên cứu khảo cổ học đã cho thấy Vĩnh Tường là một vùng đất cổ. Dưới lòng đất Vĩnh Tường hiện còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ có niên đại trải dài từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn, cách đây từ 3.000 - 3.700 năm. Đáng chú ý, trong tổng số 18 di tích khảo cổ học liên quan đến văn hóa thời Phùng Nguyên trên địa bàn tỉnh đã được phát hiện và công bố, riêng huyện Vĩnh Tường có 7 di tích, tiêu biểu như các di tích Lũng Hòa (xã Lũng Hòa), Nghĩa Lập (xã Nghĩa Hưng)…”.