Cần cải thiện môi trường đầu tư để hút vốn FDI vào nông nghiệp
Từ giai đoạn 2010 đến nay, nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển khá ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng GDP nông - lâm - thủy sản duy trì ổn định, đạt 2,83%/năm trong giai đoạn 2011-2020, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm 8 -10% trong 2011-2020, kim ngạch xuất khẩu 2010 - 2020 đạt 350,55 tỷ USD, tăng bình quân 8,05%/năm.
Tổng số dự án lũy kế còn hiệu lực trong ngành nông nghiệp 2009 - 2021 là 1.984 dự án, chiếm 5,7% trong tổng số dự án đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tỷ trọng số dự án vào nông nghiệp chiếm 11,4%, tỷ trọng vốn đăng ký vào nông nghiệp chiếm 15,6% (tính đến 20/12/2021).
Tại Diễn đàn các chuyên gia nhận định, đầu tư nước ngoài đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực NN&PTNT như bổ sung nguồn vốn, tăng trưởng xuất khẩu, tạo việc làm cho người dân… Tuy nhiên, vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của nông nghiệp Việt Nam.
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN& PTNT cho biết: Có hiện tượng chèn ép, thao túng của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước và nông dân. Tồn tại nguy cơ lợi dụng xuất xứ, đầu tư núp bóng tăng lên, có dấu hiệu nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam nhưng chỉ thực hiện những công đoạn đơn giản, lắp ráp, rồi cho xuất khẩu dưới xuất xứ Việt Nam chứ không đầu tư máy móc hiện đại.
Nguyên nhân do chính sách hỗ trợ của Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; khó tiếp cận đất nông nghiệp với quy mô đủ lớn; dịch vụ logistic hỗ trợ và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp còn hạn chế. Các quy định doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không được trực tiếp thu mua nông sản gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp phát triển dự án nông nghiệp tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp có nhu cầu đầu tiên của họ là đất đủ lớn và đất sạch hoặc là kết hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp trong nước hoặc hợp tác xã để cung cấp nguồn nguyên liệu. Đây là một trong những khó khăn mà rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp đặt ra… Tuy nhiên quy định hiện nay không cho phép doanh nghiệp nước ngoài được hợp tác trực tiếp với các hợp tác xã hay người sản xuất.
Để đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp nhà nước cần phải cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ chế chính sách về đất đai, phát triển cơ sở hạ tầng và logistics ngành nông nghiệp, xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, đổi mới công tác xúc tiến và quản lý đầu tư nông nghiệp.
Giải pháp căn cơ nhất để để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp chính là cải thiện môi trường đầu tư. Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư; rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh; tăng cường thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nông sản nói chung để hạn chế hàng giả và sản phẩm nhập lậu, tăng nhu cầu đối với các sản phẩm được chứng nhận.
Ngoài ra, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai để các địa phương chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch trong khả năng cho các dự án đầu tư, quy hoạch diện tích đất phục vụ hạ tầng logistics, kho bãi, nhà xưởng chế biến gần vùng nguyên liệu; thực hiện nhất quán, minh bạch chính sách, quy trình cho thuê đất cho các nhà đầu tư; xây dựng các chính sách ưu đãi riêng tại từng địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận đất sản xuất nông nghiệp, thông qua các hình thức thuê đất, liên kết sản xuất với hợp tác xã, nông dân…
Để thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối sản xuất trong nước với chuỗi sản xuất toàn cầu, cần tiến hành xây dựng tiêu chí thu hút nước ngoài có chọn lọc cho ngành. Nội dung các tiêu chí cần xây dựng là về suất đầu tư, lao động, công nghệ, chuyển giao công nghệ, tính liên kết và lan tỏa, môi trường, quốc phòng an ninh.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) chia sẻ: Xu hướng tiêu dùng hiện nay trên thế giới, ở châu Âu là hướng đến những giá trị vượt ra ngoài chất lượng sản phẩm thông thường, hướng đến những sản phẩm xanh và quy trình sản xuất sản phẩm bền vững. EU đang có xu hướng tăng cường tiêu chuẩn hóa và luật hóa các quy định, thắt chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến khí hậu và môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Chính vì vậy, các nhà đầu tư châu Âu khi tìm kiếm cơ hội đầu tư sẽ ưu tiên các quốc gia, khu vực có chiến lược phát triển thích hợp. Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, công nghệ xanh và thương mại bền vững nên bắt đầu từ những ngành xuất khẩu mũi nhọn như nông - lâm - thủy sản.
Việt Nam cần tập trung thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ vì những lợi ích lâu dài; tận dụng lợi thế của quốc gia có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo để giảm chi phí cho các doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường.