Vườn rau sạch giữa lòng thành phố cho thu nhập cao ở Cà Mau
Khu vực canh tác đất nông nghiệp của phường 8, thành phố Cà Mau nằm cạnh trung tâm thành phố, có 3 mặt được bao quanh bởi các khu vực đô thị. Nơi đây từng là những ruộng lúa trải dài nhưng hiện nay đã dần được thay bằng những ruộng bồn bồn tươi tốt.
Gia đình ông Võ Văn Luyến (ở khóm 6) là một trong những hộ đi đầu trồng bồn bồn ở đây. Khoảng 20 năm trước, nhận thấy lợi thế của diện tích đất canh tác ven đô, cùng với việc mô hình trồng lúa kém hiệu quả, ông Luyến chuyển qua trồng bồn bồn. Kinh tế gia đình ông cũng từ đó cũng khấm khá hẳn lên. Trước dịch Covid-19, mỗi ngày gia đình ông Luyến có nguồn thu vài triệu đồng từ thu hoạch bồn bồn.
“Nói chung nghề trồng bồn bồn thu nhập tốt. Trên mặt mình trồng bồn bồn, dưới nước nuôi cá. Tôi đã trồng bồn bồn hơn 20 năm, mỗi ngày tiêu thụ vài trăm kg. Tiền vô hằng ngày mà, nhổ nhiều thì ngày 3 - 4 triệu là bình thường. Quân bình giá từ 25.000 đồng/kg thì mỗi ngày cầm chắc 3 triệu đồng” - ông Võ Văn Luyến chia sẻ.
Người dân trồng bồn bồn không sử dụng thuốc trừ sâu, cũng ít dùng tới phân bón nên loại cây có sức sống dẻo dai này được mệnh danh là rau sạch. Cũng vì thế mà mặt hàng bồn bồn rất được ưa chuộng. Ngoại trừ thời điểm bị ảnh hưởng dịch Covid-19 vừa qua, đầu ra sản phẩm bồn bồn của phường 8 chưa bao giờ bị ách tắc.
Không chỉ với bồn bồn, người dân nơi đây còn kết hợp nuôi cá đồng nên mô hình càng hiệu quả hơn, cho thu nhập cao hơn. Như gia đình ông Trần Văn Thành, mỗi năm thu được khoảng 150 triệu đồng từ hơn 0,5 ha đất trồng bồn bồn. Từ hộ khó khăn, gia đình ông xây được nhà cao cửa rộng cũng nhờ loại rau sạch này.
“Trước đây gia đình tôi làm tôm lúa, rồi chuyển trồng bồn bồn thấy thu hoạch bền và hiệu quả cao hơn. Bồn bồn so với nuôi tôm thì bằng hai nuôi tôm nhưng mà cực hơn” - ông Trần Văn Thành nói.
Nhiều hộ dân địa phương đang có mong muốn mở rộng hoặc chuyển đổi từ chuyên canh làm lúa hay lúa – tôm sang trồng bồn bồn. Lo ngại duy nhất với họ là vào mùa khô, mặn xâm nhập ảnh hưởng chất lượng cây bồn bồn. Vấn đề những cánh đồng lúa – tôm đan xen với những ruộng bồn bồn vẫn đang là một thực tế khó.
Ông Châu Thành Lập, Chủ tịch hội Nông dân phường 8, thành phố Cà Mau cho biết, địa phương cũng sẽ chú trọng tới việc tổ chức sản xuất, hạn chế thấp nhất tác động của các mô hình với nhau, và thời gian tới sẽ có chính sách hỗ trợ vốn để người dân phát triển trồng bồn bồn. Diện tích trồng được định hướng quy hoạch vào khu vực tập trung để người dân thuận lợi canh tác.
“Hiện tại một số hộ dân muốn nhân rộng mô hình ra nhưng nhiễm mặn hơi cao, còn nước ngọt thì chưa đáp ứng được nhu cầu. Hướng thời gian tới sẽ cho bà con nông dân tiếp cận với nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân hoặc vốn ngân hàng chính sách. Bên Hội Nông dân sẽ hỗ trợ bà con tiếp cận để phát triển, lãi suất không cao mà thời gian vay được lâu và có thể đáo hạn lại được” - ông Châu Thành Lập cho biết.
Để phát huy hiệu quả của mô hình trồng bồn bồn, chính quyền địa phương đã tập hợp người dân sản xuất tập trung. Tổ hợp tác bồn bồn khóm 6, phường 8 ra đời phần nào đã phát huy hiệu quả, khi diện tích canh tác và năng suất đều tăng. Hiện nay, hằng ngày, Tổ hợp tác vẫn đang cung ứng sản phẩm bồn bồn sạch cho các chợ của thành phố./.
Theo VOV
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân