Nông thôn mới

Trồng sầu riêng theo quy trình VietGAP tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo sức khỏe của người làm vườn

Ngô Phong - 15:26 30/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, những năm gần đây, ngày càng có nhiều nông dân chuyển sang làm sầu riêng VietGAP. Với năng suất cao, giá tốt, môi trường sống trong lành… đang là các lợi ích mà nông dân vùng trồng sầu riêng VietGAP xã Xuân Định đang được hưởng.

Sầu riêng hưởng lợi từ khi đạt chuẩn VietGAP

Được phê duyệt dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng VietGAP năm 2017, đến nay xã Xuân Định phát triển được 57ha, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Theo các hộ dân, mô hình VietGAP không chỉ giúp tăng năng suất vườn cây, hiệu quả kinh tế mà còn giúp môi trường được cải thiện. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Định, ông Nguyễn Hồng Phong cho biết, trên địa bàn có gần 450ha sầu riêng và ngày càng có nhiều hộ dân chuyển hướng sang quy trình VietGAP để tăng hiệu quả kinh tế và đảm bảo sức khỏe của người làm vườn. Trong các buổi sinh hoạt, Hội Nông dân xã tuyên truyền, hướng dẫn hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ quy trình sạch nhằm tạo vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Niềm vui tăng thêm khi năm 2022, sầu riêng nơi đây chính thức được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Thu hoạch sầu riêng tại vườn đáp ứng chuẩn VietGAP

Ông Nguyễn Vĩnh Thủy, ở ấp Bảo Thị, cho rằng, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật VietGAP mà 90% cây sầu riêng cho hoa bói chỉ sau 18 tháng trồng. Cây khỏe, tán nhiều, ít sâu bệnh. Bên cạnh đó, việc dùng chế phẩm sinh học thay cho phân bón giúp đất tơi xốp, môi trường sống xung quanh trong lành hơn. Cùng ngụ ấp Bảo Thị còn có hộ trồng sầu riêng của anh Nguyễn Hải Điệp, tuy chỉ có 0,7ha sầu riêng nhưng mỗi năm gia đình anh thu trên gần 20 tấn trái, với giá bán bình quân 40 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận gần nửa tỷ đồng, hơn hẳn các loại cây trồng khác. Cũng theo anh Điệp, cây sầu riêng quan trọng nhất là bộ rễ. Để bộ rễ khỏe mạnh nuôi cây, anh đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, giữ lớp cỏ và lá cây trên bề mặt nhằm giữ ẩm và tạo môi trường cho các côn trùng có lợi sinh sống. Trong chăm sóc, anh ưu tiên sử dụng phân, thuốc hữu cơ và bón theo chu kỳ sinh trưởng của cây chứ không bón thúc, gây hại cho cây và đất.

Hướng đến xuất khẩu chính ngạch

Cuối năm 2022, sầu riêng Xuân Định cùng với một số nông sản của tỉnh chính thức được cấp mã số vùng trồng. Đây là điều kiện cơ bản để sản phẩm được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và hướng đến một số nước khác.

Chủ tịch UBND xã Xuân Định - Nguyễn Thanh Hương cho biết, từ nhiều năm trước, sầu riêng Xuân Định đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, xuất khẩu và bán vào hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị lớn nhưng diện tích, sản lượng còn hạn chế. Khi được cấp mã số vùng trồng, xã tiếp tục tập huấn nông dân áp dụng quy trình sản xuất sạch để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Được cấp mã số vùng trồng đang là lợi thế lớn cho sầu riêng Xuân Định

“Việc được cấp mã số vùng trồng là lợi thế lớn cho nông sản địa phương. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong các điều kiện để xuất khẩu chính ngạch. Thời gian tới, xã tiếp tục hướng dẫn nông dân trên địa bàn xã chuyển sang làm VietGAP, đồng thời liên kết với xã Bảo Hòa hình thành cánh đồng lớn và làm thủ tục cấp mã số vùng trồng sầu riêng diện tích khoảng 120ha” - bà Hương chia sẻ.

Theo bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Định, từ nhiều năm nay HTX đã theo đuổi mô hình sản xuất sạch, được cấp mã số vùng trồng sẽ đem lại cơ hội lớn cho nông dân lẫn HTX. Để chuẩn bị cho xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, HTX vận động xã viên tuân thủ các quy định, mở rộng vùng sản xuất sạch, đầu tư cơ sở vật chất cho đóng gói, bảo quản theo yêu cầu của đối tác.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác