Sản phẩm – Dịch vụ

Xoài mang chỉ dẫn địa lý "Cao Lãnh" – niềm tự hào của nhà vườn đất Sen hồng

11:50 27/05/2024 GMT+7
Trong số rất nhiều các đặc sản của tỉnh Đồng Tháp, nổi bật nhất phải kể đến 2 giống xoài được trồng tại huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh, đó là xoài cát chu và xoài cát. Hai loại xoài này mang hương vị đặc trưng và đã được nhiều người biết đến thông qua câu ca dao truyền đời nổi tiếng nơi đây: "Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh”.

Diện tích trồng xoài của tỉnh Đồng Tháp hiện nay đạt trên 14.000 ha, phân bố ở tất cả các huyện thị. Trong đó các địa phương có diện tích trồng xoài nhiều là huyện Cao Lãnh với 4.100 ha và thành phố Cao Lãnh với diện tích 3.400 ha, chiếm gần 63% tổng diện tích của cả tỉnh.

Ghi nhận sự cố gắng trong sản xuất và xây dựng chất lượng của sản phẩm xoài Cao Lãnh, năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Cao Lãnh" cho sản phẩm “xoài”. Cụ thể bao gồm xoài cát chu và xoài cát của tỉnh Đổng Tháp, khẳng định tính chất đặc thù và sự khác biệt của xoài nơi đây với sản phẩm xoài của các địa phương khác.

Xoài cát chu là giống xoài truyền thống tại Đồng Tháp từ bao đời, quả xoài ngắn, tròn mình, hơi chu ra ở phần đuôi quả

Khi có được chỉ dẫn địa lí, nhiều sản phẩm xoài của các doanh nghiệp cũng khoác áo mới, tự tin sánh bước phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ông Lê Quốc Trung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch T&H – huyện Cao Lãnh cho rằng: “Khi có chỉ dẫn địa lí thì hàng bán ra được khách hàng tin tưởng rất nhiều. Bởi vì đó là chứng nhận được Cục Sở hữu trí tuệ giám sát và theo dõi các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường như thế nào. Tạo niềm tin ở người tiêu dùng rất lớn”.

Chỉ dẫn địa lý "Cao Lãnh" cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các cấp quản lý đối với sản phẩm chủ lực. Từ đó, sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý, là một trong những công cụ góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quy trình phân loại, dán nhãn hàng hóa trên trái xoài Cao Lãnh

Hiện tại, trên địa bàn huyện Cao Lãnh đã có hơn 70 nhà vựa và 4 doanh nghiệp đang hoạt động mạnh về thu mua và chế biến xoài. Đây là một tín hiệu rất tích cực, minh chứng cho sự quan trọng của các sản phẩm xoài mang chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh”. Cây xoài đã trở thành một phần cuộc sống của người dân Đồng Tháp, mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân và góp phần giúp tỉnh thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Cả 2 giống xoài có tỉ lệ phần ăn được cao dao động từ 75 - 87%, hạt xoài nhỏ. Xoài Cao Lãnh có tỉ số Brix/Axit ở mức cao, nên khi ăn, có vị ngọt tương đối đậm (và chua nhẹ đối với xoài cát chu) và mùi thơm đặc trưng riêng, khác lạ hơn hẳn so với các trái xoài ở địa phương khác. Ngoài ra, xoài có hàm lượng vitamin C và hàm lượng đường tổng số cao, hàm lượng nước ở mức khá. Những yếu tố đặc thù về chất lượng trên được tạo ra bởi điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và quy trình kỹ thuật chăm sóc đặc biệt của người dân Đồng Tháp.

“Chúng tôi tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng để phát triển ngành hàng xoài trong thời gian tới. Cái nữa là xây dựng quy chế tạo lập, quản lý, phát triển các chỉ dẫn địa lý, trong đó có chỉ dẫn địa lý cho xoài. Với chức năng của mình, Sở KHCN chú trọng nghiên cứu biện pháp từ các viện trường về giống, quy hoạch, công nghệ sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản, các sản phẩm chế biến, quy trình bảo quản chuyển giao cho các DN, HTX, Hội quán”, TS. Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp phân tích.

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có khoảng 33,7% diện tích trồng xoài sản xuất theo quy trình GAP và đang có xu hướng tăng dần lên hằng năm. Chính nhờ những điều kiện tự nhiên và sự nỗ lực nâng cao chất lượng của nhà vườn, giống xoài cát chu đã thích ứng tốt và trở thành một loại cây chủ lực của địa phương. Cây không chỉ phát triển tốt mà còn cho ra những sản phẩm có chất lượng tương đương hoặc thậm chí vượt trội hơn so với xoài khác.

“Lúc trước chỉ có những tổ chức mới được cấp chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho trái xoài. Tuy nhiên, gần đây có mở rộng thêm cho với cả hộ cá nhân. Trong thời gian sắp tới với vai trò của mình thì chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong 2024 này tập trung định hướng tới tuyên truyền cho sâu rộng người nông dân, nhà vườn đăng kí được cấp chỉ dẫn địa lý cho trái xoài”, ông Võ Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội ngành Xoài tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm.

Người dân Đồng Tháp luôn tích cực áp dụng khoa học và công nghệ vào quá trình sản xuất, sơ chế và bảo quản sản phẩm xoài, bảo đảm chất lượng sản phẩm để cung cấp ra thị trường sản phẩm xoài sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với sản phẩm sẵn sàng cho xuất khẩu, tỉnh đã có sự chuẩn bị về mã số vùng trồng, kiểm dịch thực vật và sẵn sàng áp dụng công nghệ xử lý lạnh để đáp ứng yêu cầu các quốc gia nhập khẩu. Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hy vọng rằng trái xoài mang chỉ dẫn địa lí Cao Lãnh sẽ đến được nhiều thị trường trong và ngoài nước.

                                                                                                                        Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác