Nghệ An: Đề nghị xử lý nghiêm tình trạng phá rừng tự nhiên ở Con Cuông
Ghi nhận, kiểm đếm tại hiện trường cho thấy số diện tích bị chặt phá, đốt trái phép quy mô 5,6ha. Đây là diện tích được quy hoạch rừng sản xuất là rừng tự nhiên, chiếu theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì rừng phải được khoanh, nuôi bảo vệ và không được xâm phạm nếu không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Sau khi vụ việc xảy ra, ngày 19/3/2024, Hạt Kiểm lâm Con Cuông đã phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng cấp huyện và và UBND xã Cam Lâm tiến hành kiểm tra hiện trường, xác minh việc phá rừng trái pháp luật.
Vị trí khu vực rừng bị phá thuộc lô 24, khoảnh 7, tiểu khu 739, thửa đất số 29, tờ bản đồ số 2 và lô 21, khoảnh 7, tiểu khu 739, thửa đất số 30, tờ bản đồ số 2 thuộc bản Cam, xã Cam Lâm đã bị chặt phá, đốt trái phép với tổng diện tích 56.000m2 (Lô 24 diện tích rừng bị phá 27.000m2 và lô 21 diện tích 29.000m2).
Theo Chủ tịch UBND xã Cam Lâm, 2 thửa đất trên đã được UBND huyện Con Cuông giao cho 2 cá nhân cư trú trên địa bàn xã Cam Lâm là ông Hồ Văn Việt (thửa số 29) và ông Vi Văn Công (thửa số 30) theo Nghị định 163/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, cả 2 cá nhân này đều đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Trọng Sơn có đăng ký tạm trú tại bản Pá Hạ, xã Thạch Ngàn (Con Cuông), nơi thường trú huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau đó, ông Sơn tiếp tục bán lại 2 thửa đất nói trên cho ông Nguyễn Trọng Niệm (SN1972) có hộ khẩu thường trú tại bản Cam, xã Cam Lâm (huyện Con Cuông).
Qua trao đổi, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã Cam Lâm thông tin: Toàn xã Cam Lâm có 6 điểm giáp ranh trong đó có 1 điểm ngoài địa bàn huyện. Công tác bảo vệ rừng phức tạp, địa bàn rộng, chênh vênh... nên luôn tiềm ẩn nguy cơ phá rừng. Mặc dù lực lượng bảo vệ rừng như kiểm lâm địa bàn, cán bộ lâm nghiệp xã, đội quản lí phản ứng nhanh, đội quản lí bảo vệ rừng ở thôn bản được tăng cường liên tục, đặc biệt là các ngày lễ.
Nói về vụ phá rừng của ông Niệm, ông Thắng cho biết thêm lực lượng người được thuê rất đông, từ 25 đến 30 người có thời điểm cao nhất là 50 người mà chủ yếu mà người ngoài địa bàn. Điều đáng nói là những người được thuê để chặt phá rừng không hoạt động ban ngày mà chủ yếu làm vào ban đêm nên rất khó để phát hiện.
Thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông, ông Nguyễn Trọng Niệm đã thuê một nhóm người gồm anh Khay (Khay Ò), anh Thảm, anh Thơ, anh Dương, vợ chồng em gái anh Khay và một số nguời nữa đến chặt phát các cây nứa, cây gỗ nhỏ, các loại cây cỏ khác tại các thửa đất 29, 30 trong 4 ngày. Sau đó, đến cuối tháng 02/2024, ông Niệm tiếp tục thuê nhóm người ở bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông và huyện Kỳ Sơn đến để cưa hạ các cây lớn mà trước đó chưa chặt được và đốt toàn bộ khu vực đã chặt.
Đối chiếu theo Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022, hành vi của ông Nguyễn Trọng Niệm đã vượt quá mức khung xử phạt vi phạm hành chính. Vì thế, ngày 01/4/2024, Hạt Kiểm lâm Con Cuông đã có Công văn số 47/CV-HKL về việc chuyển hồ sơ đề nghị điều tra, khởi tố hình sự đối với ông Nguyễn Trọng Niệm về hành vi nói trên.
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica
- Một trang trại lợn ở Thanh Hóa bị xử phạt hơn 400 triệu đồng
- "Tôn vinh, bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc"
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025