An ninh nông thôn

Xử phạt 142 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp

07:36 01/02/2023 GMT+7
Việc thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm được duy trì xuyên suốt trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Trong tháng 1, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo thanh, kiểm tra 821 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp, qua đó các địa phương đã xử phạt 142 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền hơn 733 triệu đồng.

Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức lấy 44 mẫu thủy sản giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả không phát hiện mẫu vi phạm. Đối với các địa phương, lấy 1.207 mẫu nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch, phát hiện 20 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 1,65%. Đối với các mẫu giám sát an toàn thực phẩm vi phạm, các cơ quan chức năng đã cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với 382 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản, kết quả 381 cơ sở đáp ứng quy định an toàn thực phẩm, chiếm 99,7%.

xu phat 142 co so san xuat kinh doanh nong, lam, thuy san va vat tu nong nghiep hinh anh 1

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. (Ảnh minh họa: daknong.dms.gov.vn)

Việc thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm được duy trì xuyên suốt trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp tổ chức đoàn kiểm tra nguồn cung đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quỹ Mão và mùa lễ hội Xuân 2023 tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Ngoài ra, ngay từ đầu năm 2023, Bộ NN&PTNT đã chủ động trong xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Kết quả Trung Quốc đã chấp thuận bổ sung 23 cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, nâng tổng số lên 802 cơ sở; tiếp tục xử lý các vướng mắc liên quan đến đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc, bổ sung sản phẩm (sứa muối) vào danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc; xử lý các trường hợp lô hàng thủy sản bị cảnh báo tại các thị trường nhập khẩu.

Về cung, cầu hàng hóa trong dịp Tết, Bộ NN&PTNT cho biết, tình hình thời tiết các tháng cuối năm 2022 ổn định nên sản xuất các mặt hàng nông sản khá thuận lợi, nguồn cung dồi dào. Đàn lợn, đàn gia súc, gia cầm đang giữ được nhịp tăng trưởng nên hoàn toàn có thể bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò... có biến động tăng trong những ngày cận Tết do nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, nhờ nguồn cung trong nước dồi dào và việc triển khai chương trình bình ổn thị trường tại các điểm bán hàng bình ổn, các siêu thị, trung tâm thương mại nên mức tăng sẽ không cao, không có tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác