Xuất khẩu chuối chính ngạch sang Trung Quốc: Cơ hội lớn xây dựng ngành hàng nông sản mới
Việc ký Nghị định thư là bước tiến lớn trong việc chuyên nghiệp hóa ngành sản xuất chuối tươi của Việt Nam và đây cũng sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng giúp cho người sản xuất yên tâm hướng đến đầu tư phát triển bền vững với quy mô lớn hơn trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có những trao đổi về vấn đề này.
Thưa Bộ trưởng, sau khi xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng sang Trung Quốc, chúng ta cũng vừa ký Nghị định thư xuất khẩu quả chuối tươi chính ngạch sang thị trường này, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với người sản xuất cũng như việc sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam thời gian tới?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuối cũng như các loại nông sản khác cần phải chuẩn hóa thị trường xuất khẩu, theo đó phải đáp ứng được những chuẩn mực của thị trường xuất khẩu chuối theo Nghị định thư vừa ký kết.
Thực hiện được điều này sẽ mở ra cơ hội, thay vì đi buôn thì chuyển sang hình thức hợp tác để xuất khẩu, có sự kiểm soát của cả 2 bên. Nếu như trước kia chỉ kiểm soát ở Việt Nam, sau đó được kiểm tra lại khi lên cửa khẩu, bây giờ muốn xuất khẩu chuối sang Trung Quốc phải có sự kiểm định theo tinh thần của Nghị định thư cũng như của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Như vậy, chúng ta xuất khẩu quả chuối lên cửa khẩu sẽ giảm được nhiều thời gian thông quan, tần suất kiểm tra, tránh được tình trạng ùn ứ nông sản, trong đó có chuối.
Với tư duy chuẩn hóa thị trường, chuẩn hóa ngành hàng chuối, chúng ta sẽ tiếp cận được thêm những thị trường khác, bên cạnh đó, thay đổi tư duy từ buôn bán thương mại của doanh nghiệp sang tư duy xuất khẩu cho cả một ngành hàng chuối tươi. Khi chuẩn hóa được việc xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc thì thương hiệu chuối của Việt Nam sẽ được nâng lên và khi đó thu nhập của bà con nông dân, những người trồng chuối sẽ được cải thiện và quan trọng nhất ở đây là giảm được rủi ro về thị trường.
Xin Bộ trưởng cho biết, để xuất khẩu quả chuối tươi bền vững và đảm bảo ổn định số lượng các đơn hàng thì các hộ sản xuất tại các vùng nguyên liệu cũng như các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đóng gói phải chuẩn bị những gì?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường truyền thông những tiêu chuẩn kỹ thuật đến các nhà vườn, người nông dân và hợp tác xã, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu, các cơ sở đóng gói, để nắm bắt và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo tinh thần của Nghị định thư đã ký. Bộ sẽ có những chương trình truyền thông đến từng nhà vườn, từng vùng nguyên liệu.
Riêng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích chuối ở đây không phải lớn so với diện tích chuối của các vùng khác trên cả nước như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, do đó đòi hỏi các nhà vườn phải liên kết lại trong các tổ hợp tác, hợp tác xã, qua đó các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT sẽ hướng dẫn đầy đủ những tiêu chuẩn kỹ thuật để bà con thực hiện. Khi chúng ta liên kết lại thì các cơ sở đóng gói, các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận những vùng nguyên liệu đủ lớn, từ đó chuẩn hóa vùng nguyên liệu và bà con nông dân sẽ cùng tham gia vào tổ chức lại ngành hàng sản xuất chuối của mình. Đề nghị chính quyền các địa phương tham gia tổ chức lại ngành hàng chuối ở Đồng bằng sông Cửu Long, làm từ 1 tỉnh nhân rộng ra 13 tỉnh để xây dựng một ngành hàng.
Chưa bao giờ chúng ta đưa chuối vào một ngành hàng vì sản xuất nhỏ lẻ nhưng lần này nếu chúng ta đáp ứng được các chuẩn mực và tận dụng được cơ hội khi xuất khẩu chính ngạch sang một thị trường bền vững, chuối tươi sẽ trở thành một ngành hàng. Bộ NN&PTNT sẽ phân công các đơn vị cùng hỗ trợ cho các tổ chức, nông dân trong chuỗi ngành hàng chuối để bà con dần cải thiện chất lượng trái chuối trồng ra theo những tiêu chuẩn thực hành tốt (Viet Gap).
Phải xây dựng một ngành hàng và củng cố để xuất khẩu cũng có nghĩa là phải thay đổi tư duy sản xuất, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi quy trình canh tác, không đi buôn chuyến nữa mà xuất khẩu chính ngạch chuối sang Trung Quốc.
Sau quả chuối, cũng với tư duy như vậy thì đối với những nông sản khác ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án cho từng loại nông sản đối với từng thị trường để nông dân, người sản xuất tiếp cận được những tiêu chuẩn, quy chuẩn. Mới đầu nông dân có thể thấy khó khăn, nhưng Bộ NN&PTNT sẽ nỗ lực truyền thông để nông dân tiếp cận và đổi mới tư duy trong sản xuất.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Chinhphu.vn
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi