Xuất khẩu thủy sản Việt Nam hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024
Theo VASEP, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh, với 84%; cá ngừ tăng 22%; xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%; xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%. Ngoài ra, trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%.
Ở Top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, đạt 605 triệu USD giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Ngoài ra, xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy triển vọng kinh tế kém lý tưởng, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống vào năm 2024. Tăng trưởng ở Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ chậm lại, trong khi châu Âu chỉ tăng trưởng nhẹ do lạm phát thấp hơn thúc đẩy tiền lương thực tế.
Đối với ngành Thủy sản, tác động của lạm phát và các vấn đề kinh tế đa dạng và khó dự đoán như đối với nền kinh tế nói chung. Vẫn còn những thách thức về tác động của lạm phát kéo dài và sự phục hồi của nhu cầu thủy sản; chi phí tăng cao và thu nhập khả dụng của hộ gia đình trì trệ vẫn là thách thức đối với người tiêu dùng ở các thị trường lớn.
Với diễn biến xuất khẩu quý I tăng nhẹ 6,5% và những yếu tố tác động thị trường tiêu thụ như lạm phát, tồn kho… dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,4 tỷ USD.
Ông Đỗ Ngọc Tài, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thuỷ sản Tài Kim Anh chia sẻ: Những tháng đầu năm, xuất khẩu tôm tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 do lượng tồn kho đã giảm. Tuy nhiên, ở các thị trường lớn như Mỹ, EU... lạm phát vẫn cao khiến người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu.
Trong khi đó, do ảnh hưởng xung đột ở nhiều khu vực khiến cước vận chuyển đường biển tăng vọt gây thêm áp lực lên giá thành. Ngay cả thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chịu sức ép lạm phát, tiêu thụ chậm, kim ngạch xuất khẩu tôm những tháng đầu năm giảm lần lượt 4% và 10%. Thị trường Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng cao khi tăng 41% nhưng từ nay đến cuối năm sẽ chịu cạnh tranh mạnh từ tôm Ấn Độ và Ecuado và Indonesia.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Bình Định cho biết: Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ thủy sản khai thác đã rất khó khăn về nguồn nguyên liệu, năm nay nguy cơ thiếu nguyên liệu càng lớn vì thời tiết nắng nóng, sản lượng khai thác giảm. Nguồn nguyên liệu để xuất khẩu càng ngày càng kẹt trong “nút cổ chai” khi mà các văn bản của các cơ quan quản lý đang ngày càng siết chặt kiểm soát đối với nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước cũng như nguyên liệu nhập khẩu.
Có rất nhiều lý do khiến các doanh nghiệp mua nguyên liệu xong không được cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC), lý do nhiều cảng cá và tàu cá không có chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận hết hạn… trong khi doanh nghiệp không có nguồn thông tin nào để kiểm định được sự hợp pháp của các tàu cá, cảng cá về vấn đề an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP cho biết: Kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III, là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm, nhằm đạt mục tiêu ngành đã đề ra. Trong bối cảnh thế giới nhiều thách thức, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024. Để đạt mục tiêu đặt ra, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường; cần tập trung đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để tránh sự phụ thuộc, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Ngành Thuỷ sản phải xây dựng chiến lược phát triển phù hợp và tiên phong trong điều kiện mới nhằm tăng sức cạnh tranh, chủ động hơn trong kinh doanh, khẳng định vị trí và tiềm lực phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Đồng thời, cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam. Các doanh nghiệp phải cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Tại Hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn VASEP từ nay đến cuối năm 2024 cần thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận, mở rộng thị trường, tuân thủ quy định thị trường.
Đồng thời, thông báo kịp thời tới bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để xử lý kịp thời, chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu. Cần tiếp tục vận động hội viên, doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng mô hình hiệu quả, phát triển thị trường, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật…