Lắng nghe nông dân nói tại diễn đàn quốc gia
Đồng chủ trì Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 9 - "Lắng nghe nông dân nói" là ông Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN và ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Tham dự diễn đàn còn có đại diện các bộ, ngành Trung ương, đại diện các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp; đặc biệt là sự có mặt của 126 nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu.
Phát biểu khại mạc Diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội NDVN cho biết: Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ về "Mẫu hình người nông dân mới; Hợp tác xã kiểu mới" với 5 tiêu chuẩn: Nhận thức mới; kiến thức mới; ý thức mới; quyết tâm mới và có thu nhập cao góp phần hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, biểu dương hợp tác xã tiêu biểu đã, đang và sẽ góp phần mạnh mẽ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới"; thực hiện các chỉ tiêu trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII nhiệm kỳ 2023-2028. Niềm tự hào, vinh dự của mỗi nông dân được nhận danh hiệu "Nông dân xuất sắc", "Hợp tác xã tiêu biểu" hôm nay sẽ tiếp tục dấn thân, lao động và cống hiến để đạt thêm nhiều thành tích mới, dấu ấn mới; đồng thời sẽ là hạt nhân nòng cốt lan tỏa khát vọng tới đông đảo hội viên, nông dân, hợp tác xã trong cả nước.
Với chủ đề "Lắng nghe nông dân nói", Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 9 năm 2024 đã nhận được ý kiến từ các nhà doanh nghiệp nông nghiệp, các giám đốc HTX, các nông dân xuất sắc cùng nhau chia sẻ, đề xuất, kiến nghị về những vấn đề mà nông dân, hợp tác xã quan tâm nhất hiện nay như: Vấn đề đất đai; phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3, nhất là hỗ trợ về cây, con giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; khoanh nợ, giãn nợ ngân hàng và cho vay nguồn vốn ưu đãi mới để nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cũng quan tâm đến các cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Xanh, bền vững; thông tin thị trường; quy hoạch sản xuất; xây dựng thương hiệu nông sản, quảng bá nông sản trên các nền tảng số…
Mang tâm tư đến Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói”, ông Nguyễn Hữu Oánh, Chi hội trưởng Chi hội Nuôi trồng thuỷ sản ở Cà Mau cho biết, vùng đất Cà Mau rất thích hợp cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản như tôm, cua, cá. Ông Oánh đã có thâm niên 20 năm trong nghề nuôi cá chình, ông và một số hộ nông dân xã Tân Thành nơi ông sinh sống nuôi cá chình rất hiệu quả cho thu nhập cao. Tuy nhiên ông và các hộ này đang gặp khó khăn muốn mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản nhưng lại vấp về vấn đề chuyển đất nông nghiệp sang mô hình khác. Do đó, ông mong các cấp chính quyền xem xét nơi nào, vùng nào nuôi con gì, trồng cây gì mang lại hiệu quả cao thì cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Sỹ Bính, đại diện Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ tại Quảng Ninh chia sẻ những mất mát mà HTX của ông bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3 vừa qua. Ông Bính cho biết HTX nuôi trồng thủy sản Phất Cờ đã thành công trong việc xây dựng các mô hình thuỷ sản nuôi trên biển, HTX đã liên kết với các hộ nông dân khác để phát triển và tiêu thụ sản phẩm, thị trường tiêu thị mở rộng cả trong nước và xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như Đài Loan và Trung Quốc. Với doanh thu hàng năm đạt từ 28-32 tỷ đồng, HTX Phất Cờ là một mô hình điển hình cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn của tỉnh Quảng NInh. Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua đã gây ra thiệt hại chưa từng có, làm sụp đổ toàn bộ mô hình sản xuất, ước tính mỗi thành viên HTX mất từ 5-6 tỷ đồng.
Sau cơn bão, mặc dù HTX đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, Bộ NN& PTNT, Hội Nông dân và chính quyền địa phương, nhưng việc khôi phục sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn. Đến Diễn đàn, ông Bính quan tâm nêu nội dung mà ông tâm tư: "Trong thời gian tới, Bộ NN& PTNT, Hội Nông dân Việt Nam sẽ có những đề xuất giải pháp gì để hỗ trợ nông dân tái thiết sản xuất?"
Ông Hoàng Văn Liêm, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Thiên An, Yên Bái cũng bị ảnh hưởng của bão lũ, ông mong muốn Bộ NN&PTNT cùng Hội NDVN có kiến nghị lên Chính phủ trong việc sửa đổi chính sách hỗ trợ thiên tai và dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp trong các giải pháp hỗ trợ nông dân. Theo ông, mức hỗ trợ nông dân theo Nghị định 02 còn quá thấp.
Tại Diễn đàn, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cảm ơn những nông dân xuất sắc, hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu đi đầu trong quá trình chuyển đổi ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chia sẻ với những thiệt hại mà nông dân gặp phải do bão số 3 gây ra.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Luật Đất đai 2024 đã đưa vào thuật ngữ mới, đó là đất đa mục đích. Có nghĩa là đất nông nghiệp có thể nuôi thuỷ sản, có thể chăn nuôi hay làm du lịch. Có lẽ ở địa phương đang lúng túng chưa tiếp cận được. “Thuật ngữ đất đa mục đích sẽ cởi trói được vấn đề vướng mắc lâu nay trong quá trình chuyển đổi đất đai, từ vùng nuôi cá chình ở Cà Mau cho tới nuôi cá lóc ở Quảng Bình”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, các doanh nghiệp, HTX, người ND nếu gặp khó khăn trong quá trình sản xuất có thể nhắn tin cho ông. Các câu hỏi của mọi người sẽ được trực tiếp Bộ trưởng trả lời hoặc có cậu hỏi sẽ được gửi ngay đến lãnh đạo địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn những vấn đề mà nông dân gặp phải.
“Nhiệm vụ của Bộ NNN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam là tổng kết từ mô hình thực tiễn thành bài học. Thực tiễn vốn sinh động, “thay vì kéo thì đẩy bà con nông dân lên” bằng cơ chế chính sách, bằng tri thức hóa nông dân, kết nối thị trường”, ông Lê Minh Hoan bày tỏ quan điểm.
Nhấn mạnh đến việc liên kết sản xuất, chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nông dân cần chuyển đổi tư duy để bắt kịp với nền nông nghiệp mới, tạo ra giá trị lớn hơn trên mỗi diện tích đất sản xuất của mình, trong đó xây dựng hợp tác xã, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.
“Tất cả chúng ta đều thấy, nếu chỉ chờ đợi thì bản thân chúng ta đã mất đi cơ hội. Khi nào bà con nói tôi thay đổi rồi, nhưng gặp khó khăn thì lúc đó Bộ NNN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam, doanh nghiệp, nhà khoa học sẽ cùng tham gia. Quan trọng nhất là bà con nông dân phải thay đổi, chứ câu chuyện này không chỉ của riêng ai. Bà con có thể liên kết, ngồi lại với nhau để cùng sản xuất, cùng bán hàng để mang lại thu nhập cao hơn, bớt rủi ro hơn”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, chưa có giai đoạn nào, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương dành nhiều chính sách, quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn như giai đoạn hiện nay. Để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Hội NDVN, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chương trình hành động, quyết định, kế hoạch thực hiện. Trên cơ sở những đề xuất, phản ánh, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của nông dân, hợp tác xã với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN&PTNT là cơ sở để 2 bộ ngành báo cáo và đề xuất với Đảng, Nhà nước về những chính sách cụ thể để hỗ trợ người nông dân hăng hái tham gia sản xuất.
Ông Lương Quốc Đoàn cho rằng, với đặc thù của ngành Nông nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn còn những tồn tại và hạn chế cả về khách quan và chủ quan như: Sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất của người nông dân đặt ra nhiều thách thức mới; khu vực nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn về hạ tầng, ổn định đời sống dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa... Những vấn đề này, đòi hỏi phải có những giải pháp, chính sách tháo gỡ cụ thể để hướng tới mục tiêu hình thành nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trả lời đại biểu về việc Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, ông Lương Quốc Đoàn cho biết, một trong 3 nhiệm vụ đột phá được Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII thông qua trong nhiệm kỳ tới là tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Cụ thể, Hội Nông dân các cấp sẽ tập trung tham gia hướng dẫn phát triển các mô hình kinh tế tập thể, nhiệm vụ đột phá này sẽ hướng đến khắc phục những điểm yếu, tháo gỡ những nút thắt của ngành Nông nghiệp hiện nay.
“Quảng bá giới thiệu sản phẩm từ phía Hội đã hỗ trợ trên cả sàn thương mại điện tử, hệ thống cửa hàng, hội chợ ở các khu vực trên cả nước thông qua Chi hội nông dân địa phương. Trong quá trình sản xuất, nông dân và hợp tác xã cần tiếp tục nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã của sản phẩm để thuận lợi tiêu thụ. Quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào thúc đẩy việc thay đổi nhận thức về kinh tế, trong đó có hợp tác xã. Đến nay, phát triển kinh tế tập thể vẫn là khâu khó ở các vùng miền, đây là nhiệm vụ mà Trung ương Hội và Hội nông dân các cấp đã và đang tập trung thực hiện”, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN nói.
Cũng tại Diễn đàn, đại biểu là các doanh nghiệp cũng chia sẻ và hiến kế về hỗ trợ nông dân tiếp cận những ngành nghề mới để vươn lên làm giàu; tăng cường liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp bền vững./.
- Nghệ An: Các cấp Hội cần tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, cách làm hiệu quả, kết quả ấn tượng
- Hội Nông dân huyện Diễn Châu đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, xây dựng Hội, xây dựng mô hình, điển hình
- Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp
- Tuyên truyền pháp luật đến nông dân được duy trì thường xuyên, ổn định