Hà Giang: Mùa thu hoạch mật ong bạc hà níu chân du khách
Tinh hoa đất trời tụ lại trong giọt mật vàng chanh
Khoảng tháng 9 đến 12 hàng năm, nếu bạn có cơ hội đi dọc quốc lộ 4C ngang qua các huyện, xã thuộc Cao nguyên đá Hà Giang, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy những lán nuôi ong. Người nuôi ong ở đây Cao nguyên đá này không ở cố định. Hoa nơi nào nở rộ, những người nuôi ong sẽ đưa những thùng ong tới nơi đó để khai thác mật. Hàng trăm thùng ong lấm chấm trắng trải khắp thung lũng bạt ngàn đá tai mèo tạo nên một cảnh tượng thật đẹp mắt.
Đặc biệt đầu Đông, khi những cơn gió mùa Đông Bắc bắt đầu thổi, mang cái lạnh bao trùm lên những dãy núi đá tai mèo lởm chởm trải dài khắp miền cao nguyên đá Đồng Văn thì cũng là lúc vào mùa một loại hoa rất đẹp. Đây là một loại hoa dại có thân thảo, cao 40 - 60cm, hoa có màu hồng tím, đó chính là cây hoa bạc hà. Những ngày cuối tháng 11, mùa hoa bạc hà nở rộ, nhiều du khách buộc phải dừng chân ven đường, mê mải ngắm nhìn những triền sông màu hồng tím uốn lượn quanh những thung lũng bạt ngàn.
Mê mải ngắm nhìn những triền sông màu hồng tím uốn lượn quanh những thung lũng bạt ngàn.
Và màu hồng tím tuyệt vời đó cũng là một tín hiệu báo mùa thu hoạch một loại mật đặc biệt của cao nguyên đá lại đến, mật ong bạc hà, hoa bạc hà chính là nguồn thức ăn quý báu cho ong và để có được mật ong chất lượng tốt nhất, như những chú ong cần mẫn, người nuôi ong sẽ di chuyển đàn ong ra gần những nơi hoa nở rộ, để thuận lợi cho ong kiếm mật.
Mật ong bạc hà là loại mật ong 100% nguyên chất có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên - một đặc sản nổi tiếng của cao nguyên đá Đồng Văn được tạo ra bởi sự kết tinh đất trời của cao nguyên đá Đồng Văn, mật ong bạc hà có mùi thơm rất riêng, sánh đặc và ngọt mát.
Mật ong bạc hà có màu xanh nhạt pha lẫn chút màu vàng nhạt, đặc biệt là không gây nóng như các loại mật ong khác. Màu của mật ong phụ thuộc vào độ đậm đặc của phấn hoa. Nếu phấn hoa mà ong kiếm được nhiều thì mật ong sẽ có màu vàng chanh, hơi ánh xanh. Còn nếu ong kiếm được ít phấn hoa thì màu sẽ vàng cam hơn.
Tinh hoa đất trời cao nguyên đá tụ lại trong giọt mật màu vàng chanh thơm mát
Về công dụng, mật ong bạc hà giúp bồi bổ sức khỏe, nâng cao sinh lực, có tác dụng tốt với các bệnh viêm họng, hô hấp, bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm loét dạ dày, đại tràng, suy nhược cơ thể… Ngoài ra, nó còn có tác dụng tăng cường sức khỏe cho người già, trẻ em, người bệnh, người mới ốm dậy... Tất nhiên, là một sản phẩm phụ thuộc thiên nhiên nên chất lượng của mật ong phụ thuộc vào chất lượng hoa bạc hà theo từng năm có nở rộ hay không, phụ thuộc vào khí hậu và kỹ năng quay mật,…
Để đặc sản của cao nguyên đá vươn xa
Sau 5 năm triển khai (từ năm 2018 - 2022), Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Hà Giang đã đánh giá, phân hạng được 270 sản phảm, trong đó có 229 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 39 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh; đặc biệt tỉnh có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia là Trà xanh hộp Bà cụ 100 gam và Hồng trà hộp Bà cụ 100 gam của HTX chế biến chè Phìn Hồ huyện Hoàng Su Phì. Riêng trong năm 2022, tỉnh Hà Giang đã có 37 sản phẩm OCOP được công nhận và phân hạng đạt từ 3 đến 4 sao cấp tỉnh.
Mật ong bạc hà là một trong 39 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh của Hà Giang
Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã trở thành đặc sản đối với khách du lịch và người tiêu dùng như mật ong bạc hà trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, gạo tẻ Già Dui, mận Hậu huyện Xín Mần, mận máu huyện Hoàng Su Phì, ớt gió huyện Đồng Văn, ngô nếp núi đá huyện Yên Minh, gà xương đen và rượu ngô men lá Thanh Vân huyện Quản Bạ, thịt bò khô trên cao nguyên đá Đồng Văn, dê núi đá vùng cao, hồng không hạt huyện Quản Bạ, rượu đặc sản được làm từ hạt của cây hoa Tam giác mạch, chè Shan tuyết tại các huyện vùng cao.....
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh khai thác lợi thế các địa phương nhằm phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực và đã được du khách trong và ngoài nước đón nhận và ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Nhờ đó, trong các mùa lễ hội tại các vùng miền trong tỉnh đã tạo điều kiện cho các địa phương của tỉnh quảng bá và tiêu thụ được phần lớn các sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của địa phương giúp mở rộng qui mô sản xuất, đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng của các sản phẩm OCOP. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng giúp người dân Hà Giang nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo trong quá trình xây dựng thành công nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì quá trình triển khai chương trình OCOP Hà Giang vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: Quy mô năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; Các chủ thể mới chỉ tập trung vào hoàn thiện hồ sơ mà chưa quan tâm cải thiện chất lượng sản phẩm vì vậy năng lực canh tranh sản phẩm OCOP trên thị trường còn hạn chế …
Những đốm trắng trên cao nguyên bạt ngàn đá tai mèo đang thắp lên hy vọng thoát nghèo cho nông dân nơi đây.
Dù còn rất nhiều khó khăn trước mắt nhưng với quyết tâm và nỗ lực của toàn thể lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các cấp cùng đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đều tin tưởng các sản phẩm OCOP sẽ sớm có chỗ đứng trên thị trường, giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cho miền đất phên dậu của Tổ quốc Việt Nam.
“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương” .