Công tác Hội

Hội Nông dân Nghệ An “dân vận khéo“ nâng tầm nhà nông

Bài 3: Phong trào lan tỏa sâu rộng nhờ "Dân vận khéo" từ chủ trương đến hành động

Bùi Ánh - Phương Liên - 07:38 01/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đã thành thông lệ, cứ mùa mưa lũ về là nước trên dòng sông Lam lại dâng cuồn cuộn, luôn chực chờ "nuốt chửng" nhà cửa, hoa màu của người dân. Để giữ đất, giữ làng, Hội Nông dân huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã phát động hội viên nông dân trồng tre, mét dọc 2 mép sông.
TIN LIÊN QUAN

Từ tình hình thực tế và nhu cầu cấp thiết của người dân

Tự xa xưa cây tre Việt Nam được xem là biểu tượng hiên ngang, quật cường trước bão dông, khói lửa. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, cây tre luôn giữ được chỗ đứng bất diệt. Trong thời bình tre là hồn cốt của làng quê mộc mạc, bình dị, trong thời chiến luôn vững chãi “giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”.

Kế thừa và tiếp nối truyền thống giữ làng, giữ nước của dân tộc, hội viên nông dân huyện Anh Sơn đã chủ động lựa chọn cây tre làm tấm khiên kiên cố để bảo vệ hệ thống đê quai chống sạt lở dọc ven sông Lam, đặc biệt là những vùng xung yếu, thường xuyên đối diện tình trạng sạt lở cao. Đây là phương án tối ưu nếu đặt trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước còn nhiều hạn hẹp.

Nguy cơ sạt lở, ăn sâu vào đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Anh Sơn. Ảnh: Bùi Ánh

Khởi đầu cho chuỗi hoạt động này phải kể đến xã Khai Sơn, nơi hàng năm phải chịu cảnh lao đao do thiên tai không ngừng “gặm nhấm” quỹ đất màu, thậm chí là đất ở của bà con.

Như thường lệ, cứ sau một trận mưa lũ là người dân các xóm 1, 3, 4, 6 của xã Khai Sơn lại trăn trở, âu lo tột cùng. Sóng to, gió lớn “táp” vào từng cơn, va đập liên hồi khiến địa chất vùng bãi bồi bị ảnh hưởng trầm trọng, lâu dần bị bóc tách thành từng mảng lớn, cứ thế trôi tuột theo sóng nước mênh mông. Nhà nông chân lấm, tay bùn nhìn đồng ruộng bị bào mòn, hao hụt theo thời gian mà tiếc nuối, ngẩn ngơ nhưng đành nhiều phen bất lực vì sức người quá nhỏ bé trước thiên nhiên. 

Đang trong tình cảnh sống trong lo sợ chưa có lời giải khi mỗi mùa mưa lũ đến, may sao từ định hướng, giải pháp của chính quyền các cấp, đặc biệt là Hội nông dân tỉnh Nghệ An, bà con xã Khai Sơn đã tập trung khẩn trương trồng tre, trồng mét hai bên bờ sông quyết ngăn lũ. Việc làm tưởng nghe thì hết sức giản đơn nhưng đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Chỉ sau một thời gian ngắn, tầng tầng lớp lớp tre, mét đã bám trụ vững, vươn mình, bén rễ sâu trong lòng đất, cứ thế tạo thành vành đai chắn sóng vòng ngoài cực kỳ kiên cố. Nhờ đó, người dân giờ đây đã phần nào có thể quẳng gánh lo khi mùa mưa lũ đến.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ngoài cùng bên phải) tham gia trồng tre, mét chống sạt lở cùng hội viên nông dân. Ảnh: Phương Liên

Phong trào trồng tre giữ đất, giữ làng, chở che, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân giờ đây đã là phương án tối ưu của người dân trong vùng. Về địa bàn xã Long Sơn, nơi thường xuyên đối diện với ngập lụt, thiên tai mới cảm nhận được nhu cầu tất yếu của nó.

Thật thà như đếm, lão nông Trần Văn Xuân, hội viên nông dân thôn 4, xã Long Sơn bộc bạch: “Mỗi lần thủy điện trên nguồn xả lũ cấp tập hay mưa lớn kéo dài y như rằng sẽ dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún, nhiều vị trí xung yếu đổ sập cả mảng lớn. Dưới lòng sông sâu nước đục ngầu chảy xiết, cảm giác di chuyển đến đâu như muốn cuốn trôi tất thảy đến đó. Nhiều khi nước lớn càn quét đến tận nhà, ao đầm nuôi trồng bị nước lũ ngập trắng băng, tôm cá trôi sạch bách, lắm lúc chẳng còn lại gì. Thực trạng này kéo dài mải miết nhưng không tìm thấy lối ra, đành rằng một số tuyến kè đã được xây dựng nhưng chưa giải quyết được tận gốc của vấn đề”.

Ông Đặng Đình Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Sơn kiểm tra tre, mét trồng dọc tuyến sông Lam trên địa bàn xã. Ảnh: Bùi Ánh

Đó là câu chuyện của trước kia, nay nỗi âu lo đã chìm vào dĩ vãng. Ông Xuân quả quyết trong cái khó ló cái khôn, giữa lúc bí bách may thay sức mạnh nội lực được phát huy kịp thời. Trong nỗ lực xóa nhòa tình cảnh đêm dài lắm mộng, các xã trên địa bàn huyện Anh Sơn, nơi có sông Lam chảy vắt qua đã chủ động kiếm tìm, đưa tre, mét ra trồng dọc khu vực xung yếu. Hiện nay, cây tre, cây mét đã bén rễ vươn mình bám giữ đất, giữ làng là điều hiện hữu.

Đến hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng của một phong trào

Xuất phát từ điều kiện đặc thù, tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Anh Sơn nói riêng thường xuyên bị thiên tai, mưa bão ghé thăm, ấy là chưa kể dòng chảy của các con sông bị biến dạng do quá trình vận hành của hàng loạt dự án thủy điện gây nên. Áp lực chất chồng làm xáo trộn nặng nề tâm lý của số đông, đặc biệt là các hộ sinh sống ở gần khu vực sông suối, hồ đập.

Phong trào được hưởng ứng sâu rộng trên địa bàn toàn huyện. Ảnh: Phương Liên

Từ thực tế đó, Kế hoạch phát động trồng tre, mét của Hội Nông dân huyện nhanh chóng tạo hiệu ứng tích cực, được chính quyền địa phương và đông đảo người dân hồ hởi đón nhận. Những con số thống kê cho thấy chủ trương trên đã cụ thể hóa được Chương trình “Trồng một tỷ cây xanh” của Chính phủ, cũng như Kế hoạch số 377/KH-UBND của Ủy Ban nhân dân tỉnh Nghệ An về triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đọan 2021 - 2025”.

Chương trình đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng và giá trị của công tác “trồng cây, gây rừng” gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời kiến tạo môi trường sinh thái phù hợp, góp phần giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ông Trần Văn Xuân, hội viên nông dân thôn 4, xã Long Sơn khẳng định cây tre, cây mét sẽ giữ đất giữ làng là điều đã hiện hữu nơi đây . Ảnh: Bùi Ánh

"Nói có sách, mách có chứng", tính đến tháng 6/2024, chỉ sau nửa năm phát động chương trình đã lan tỏa khắp làng trên, xóm dưới tại huyện Anh Sơn. Ghi nhận tổng cộng 12 xã tham gia với hơn 20.300 gốc tre được trồng. Đi đầu là xã Khai Sơn với 6.500 gốc, Đức Sơn 3.000 gốc, Lạng Sơn 3.000 gốc, Lĩnh Sơn 2.000 gốc, Vĩnh Sơn 1.500 gốc… Đáng chú ý, kết quả tổng quan chung vượt xa kế hoạch xây dựng ban đầu.

Có thể khẳng định, để phong trào được hội viên nông dân hưởng ứng sâu rộng như hiện nay nhờ công tác "dân vận khéo" từ chủ trương đến thực tế và hành động của cán bộ Hội các cấp. Với quan điểm "gần dân, bám sát thực tiễn" của từng địa phương trong hoạt động Hội là yếu tố đóng vai trò quan trọng thành công của mọi đường lối, kế hoạch.

Tre phát triển mạnh sẽ tạo sinh kế cho người dân, giúp bà con tăng thêm thu nhập trong tương lai. Ảnh: Bùi Ánh

Lý giải nguyên nhân, bà Thái Thị Tố - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khai Sơn chia sẻ: “Trồng tre chi phí thấp, lại dễ làm, chung quy là giải pháp hoàn hảo nhất lúc này. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai, khi tre phát triển mạnh sẽ tạo sinh kế cho người dân, giúp bà con tăng thêm thu nhập trong tương lai”.

Quả thực, tre là sản phẩm đa hệ, vừa cung cấp măng làm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, lại là nguồn nguyên liệu làm vật liệu xây dựng, làm đồ thủ công mỹ nghệ, hay các sản phẩm mây tren đan truyền thống…  Rõ ràng, từ chủ trương, phong trào phát triển hệ thống tre, mét dọc sông Lam đã được người dân đồng thuận, có sức lan tỏa nhanh, có hiệu ứng tích cực vì nó xuất phát từ nhu cầu thực tế, cấp thiết và đã thực sự mang lại lợi ích kép cho người dân nơi đây.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác