Thông tin từ cơ sở

Hội Nông dân Nghệ An “dân vận khéo”, nâng tầm nhà nông

Bài 1: Ứng dụng phân hữu cơ vi sinh là giải pháp đa giá trị

Bùi Ánh - Phương Liên - 11:30 26/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp là xu thế tiến bộ, vừa làm “sạch" đa chiều, lại vừa nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế cho nhà nông. Chủ trương này đang lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó huyện Yên Thành được xem là hình mẫu của tỉnh.

Tiết kiệm 50% chi phí mua phân bón

Thời tiết chuyển biến thất thường, thị trường không ổn định, dịch bệnh phát sinh, chi phí đầu vào tăng cao… là những rào cản lớn đối với nghề nông trên địa bàn Nghệ An. Trong khi đó, để thỏa mãn nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng, nhà nông bắt buộc phải nâng cao hiệu suất đầu tư, áp dụng quy trình hiện đại, ngặt nỗi số đông tiềm lực hạn hẹp, cơ bản không đáp ứng được.

Sau khi được tập huấn và hỗ trợ chế phẩm, anh Lê Xuân Hải ở xã Xuân Thành đã sản xuất thành công phân bón hữu cơ vi sinh. Ảnh: Bùi Ánh

Nếu để nông dân “chới với giữa dòng”, dần dà sẽ hình thành tâm lý chán chường, sau cuối là buông bỏ, xa rời đồng ruộng. Nhằm tháo gỡ nút thắt dai dẳng, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, ngành nông nghiệp, đặc biệt là Hội Nông dân (HND) tỉnh đã kịp thời xây dựng đề án, tham mưu ban hành một số chính sách hỗ trợ thiết thực. trong đó, rõ nhất là Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phế phẩm nông nghiệp”.

Bám sát định hướng chỉ đạo của tỉnh, HND huyện Yên Thành đã nhập cuộc với tinh thần, trách nhiệm cao. Xác định người dân là chủ thể chính, quyết định trực tiếp đến thành bại của Đề án, HND huyện đã xây dựng lộ trình, kế hoạch bài bản, dài hơi nhằm từng bước hoàn thiện, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho từng hội viên, nông dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc sử dụng phân hữu cơ trong nền nông nghiệp 4.0.

Hoạt động thực hành được nông dân triển khai ngay sau buổi tập huấn làm phân bón vi sinh. Ảnh: Phương Liên

Ngay từ ban đầu, Hội đã chủ động phối hợp với các bên liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kế đó là mở các lớp tập huấn giảng dạy trực tiếp về kỹ năng sử dụng chế phẩm sinh học nhằm sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Lý thuyết được hướng dẫn cùng với hành động. Xuyên suốt quá trình học tập, đội ngũ chuyên gia, tư vấn rành nghề đã trực tiếp hướng dẫn bằng cách “cầm tay chỉ việc”, rối ở đâu gỡ ở đó. Cứ thế, học viên dần được trang bị  vốn liếng kinh nghiệm, giúp họ tạo lập được sự chủ động cần thiết về sau.

Tiêu biểu trong hoạt động này phải kể đến trường hợp của anh Lê Xuân Hải, trú tại xóm Nam Phượng Sơn, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Anh đã tận dụng nguồn phân chuồng, kết hợp phụ phẩm nông nghiêm để sản xuất thành công phân bón hữu cơ. Bằng cách này, hàng năm gia đình anh Hải đã tiết kiệm đến 50% chi phí mua phân bón so với trước kia.

Anh Hải kể, sau mỗi vụ dưa, trang trại lại tồn dư khoảng 1 tấn phụ phẩm. Nếu tiêu hủy như thông thường sẽ tăng cao nguy cơ ô nhiễm môi trường, lại lãng phí nguồn “tài nguyên” sẵn có. Vấn đề này khiến anh đau đáu suốt thời gian dài. Mọi thứ chỉ được giải tỏa khi Hội Nông dân huyện tiếp cận và gợi ý quy trình sản xuất bón hữu cơ vi sinh. Từ đây, anh Hải đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết cách biến những thứ tưởng chừng bỏ đi thành “mỏ vàng” đích thực.

Việc áp dụng sản xuất phân hữu cơ vi sinh giúp anh Hải tiết kiệm được 50% chi phí phân bón. Ảnh: Bùi Ánh

“Quy mô sản xuất của gia đình tôi chỉ rộng hơn 1ha nhưng đã xây dựng được 6 nhà màng quy mô rồi đấy, ứng dụng khoa học công nghệ để khỏa lấp hạn chế diện tích hiện hữu là yếu tố cốt lõi. Qua thời gian kiểm chứng, tôi thấy rằng phân hữu cơ vi sinh tự sản xuất đủ sức đáp ứng nhu cầu ngày một khắt khe hơn.

Thời gian tới tôi, vẫn trung thành với cách này, thậm chí sẽ chủ động thu gom thêm phụ phẩm để gia tăng khối lượng phân làm ra nhằm thỏa mãn 100% nhu cầu sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng, có như vậy mới hình thành mô hình trang trại nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGap” - anh Hải chia sẻ đầy tự tin.

Lan tỏa không ngừng

Xu hướng đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp đang tường bước làm gia tăng lượng rác thải và phế phẩm nông nghiệp tồn dư. Trong đó, riêng chi phí vận chuyển, xử lý rác đơn thuần đã “ngốn” một khoản chi phí không nhỏ của nhà nông, đồng thời làm tăng cao nguy cơ ô nhiễm môi trường, vô hình trung làm thành bước lùi trong xây dựng nông thôn mới. Bởi thế việc “hòa tan” rác hữu cơ thành dưỡng chất, được nhiều người cho là giải pháp thực sự hoàn hảo.

Tập huấn quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp cho hội viên nông dân được Hội Nông dân huyện Yên Thành quan tâm. Ảnh: Phương Liên

Dưới góc nhìn  nhà nông, anh Lê Xuân Hải khẳng định chắc nịch: “Phân vi sinh hội tụ nhiều ưu điểm vượt trội, tiện ích nhất là tận dụng luôn những phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để tạo ra nguồn nguyên liệu xanh, sạch không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Được bón dưỡng chất này, cây cối tươi tốt hẳn lên, cây khỏe hơn, lá xanh hơn, khả năng kháng bệnh cực kỳ hiệu quả. Chưa hết đâu, dùng phân hữu cơ còn đẩy nhanh quá trình cải tạo đất, với những vùng bị vắt kiệt do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, dịch bệnh đe dọa thường trực trước đây càng dễ nhận biết hơn”.

Yên Thành vốn là vùng nông nghiệp trọng điểm của Nghệ An. Từ ngày tỉnh phát động phong trào sản xuất phân hữu cơ vi sinh, nông dân trên địa bàn huyện đã hưởng ứng tạo nên chuyển biến mạnh mẽ trên diện rộng. Khối lượng rác thải, phụ phẩm nông nghiệp giảm thiểu thấy rõ, giúp đường làng ngõ xóm, đặc biệt là hệ thống kênh mương nội đồng sạch đẹp hơn hẳn. Hoạt động này đã làm giảm thiểu tối đa sức người trong xử lý rác thải, lại tiết kiệm đáng kể chi phí nạo vét hàng năm, “mở đường” để địa phương tích lũy nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, qua đó đáp ứng cho nhu cầu tưới, tiêu thường trực của bà con nông dân.

Phong trào sản xuất phân vi sinh lan tỏa rộng khắp trên toàn huyện Yên Thành. Ảnh: Phương Liên

Được hỏi về lợi ích chung từ hoạt động này, ông Phan Hoàng Thụ, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, huyện Yên Thành hào hứng: “Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dù mới mẻ nhưng kịp để lại những dấu ấn rất tích cực trên từng bờ xôi ruộng mật, hiệu quả kinh tế tăng cao giúp nhà nông thêm phần vững tin để chủ động mở rộng quy mô, hình thức. Phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp tìm được hướng xử lý phù hợp chính là lời giải thỏa đáng về tiêu chí môi trường và thủy lợi trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Trong xu thế phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, chắc chắn tình trạng sử dụng phân bón hóa học bừa bãi sẽ dần bị hạn chế và loại bỏ, để thay thế bằng các giải pháp chăm bón thân thiện hơn. Cách làm phân bón vi sinh cũng khá dễ, nhìn chung phù hợp với tiềm lực và nhận thức của số đông nông dân”.

Bón phân vi sinh, cây cối tươi tốt hẳn lên, cây khỏe hơn, lá xanh hơn, khả năng kháng bệnh cao. Ảnh: Bùi Ánh

Chia sẻ về mức độ lan tỏa của Đề án, bà Lê Minh Hoài, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thành lấy một "lát cắt" chân thực nhất để khắc họa tổng quan: “Tiếp nối thành công của những năm trước đó, năm 2024, đơn vị đã phối hợp Phòng NN&PTNT huyện tham mưu cho UBND huyện Yên Thành ban hành Quyết định phân bổ chính sách sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm Biogreen xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất cho 21 xã trên địa bàn huyện, với tổng giá trị hơn 800 triệu đồng. Tôi nhắc lại để ta cùng thấy, chủ trương này đã hòa vào từng nhịp đập, hơi thở của cuộc sống ở địa phương”.

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phế phẩm nông nghiệp” nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 08 –NQ/TU ngày 03/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An; Kế hoạch số 623-KH/UBND ngày 28/10/2019 của UBND tỉnh về bảo vệ môi trường nông thôn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021của HĐND tỉnh Nghệ An về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2025.., Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã nắm bắt, vận dụng xuất sắc chủ trương “dân vận khéo” trong mọi hoạt động để phát huy tối đa vai trò của tổ chức Hội trong “Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn văn minh”, qua đó tạo đòn bẩy hữu hiệu nâng tầm nông dân trên địa bàn lên một tầm cao mới.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác