Bàn giải pháp nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc. Về phía tỉnh Thái Nguyên có lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, các sở, ban, ngành; các hội, hiệp hội; Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố; các hợp tác xã và các hộ nông dân sản xuất chè trong tỉnh Thái Nguyên.
Thái Nguyên là địa phương có nhiều ưu đãi về thổ nhưỡng đất đai, nguồn nước, thời tiết, khí hậu rất thuận lợi cho phát triển cây chè. Cây chè đã được xác định là cây thế mạnh chủ lực của tỉnh, trong nhiều năm qua tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, tập trung ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển chè, vừa mở rộng quy mô diện tích, chế biến, vừa phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh sản phẩm.
Tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều đề án nhằm phát triển chè bền vững… Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn VietGAP, hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần trong thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp bền vững.
Đến nay tỉnh Thái Nguyên có trên 22.000 nghìn héc ta chè, sản lượng chè búp tươi đạt trên 260.000 tấn. Toàn tỉnh có tổng diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4.356ha; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified 11ha và sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127ha (trong đó có 65 ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ).
Với việc áp dụng nhiều giải pháp trong việc trồng và chế biến chè, trong năm 2022 chè Thái Nguyên luôn có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Trên địa bàn đã hình thành một số vùng chè đặc sản như: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Tức Tranh... sản xuất một số sản phẩm trà cao cấp có giá trị cao từ 1,5 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/kg.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chè Thái Nguyên vẫn còn tồn tại, những hạn chế chủ yếu do ảnh hưởng bởi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong hơn 2 năm qua (từ năm đầu năm 2020 đến đầu năm 2022) ngành Chè gặp khó khăn trong triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, giá vật tư, đặc biệt giá phân bón liên tục tăng và luôn ở mức cao. Liên kết tổ chức sản xuất, mẫu mã, bao bì tại một số cơ sở sản xuất còn hạn chế, chưa nâng cao được giá trị sản xuất. Công tác quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm trà đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất chè còn hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất…
Ngay tại Hội nghị các đại biểu đã có nhiều tham luận để tìm giải pháp phát triển nâng cao giá trị và thương hiệu cho cây chè. Từ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ chè và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Cần phải quy hoạch vùng chè, xây dựng thương hiệu chè Quốc gia, xây dựng quy chuẩn cấp địa phương; Rà soát, lựa chọn vùng chè để xây dựng các mô hình sản xuất, làng nghề chè gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái, di tích lịch sử, văn hoá, ẩm thực nhằm thu hút khách thăm quan, mua sắm, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trà; Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người làm chè đăng ký gắn mã số vùng trồng, nhất là những vùng trồng chè tập trung của tỉnh Thái Nguyên để sẵn sàng tham gia xuất khẩu trà sang các thị trường khó tính trên thế giới.
Hướng dẫn liên kết, liên minh các hợp tác xã chè để thống nhất trong việc áp dụng quy trình sản xuất nhằm tạo khối lượng lớn sản phẩm chè đồng đều về chất lượng, mẫu mã, thực hiện quy định cam kết trong tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm chè.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè. Tiếp tục rà soát, bổ sung danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh chè để kết nối, giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trà trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ghi nhận những ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị. Đánh giá cao những nỗ lực của các ngành Nông nghiệp và các địa phương trong thực hiện phát triển cây chè thời gian qua, từ đó đã góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu cho trên 91.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để sản xuất kinh doanh, đây là cơ hội để các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào khâu chế biến, tiêu thụ chè đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên cần tích cực đẩy mạnh, chỉ đạo các ngành, địa phương hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 10 và Đề án sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500 ha, trong đó diện tích chè giống mới chiếm 85% tổng diện tích chè toàn tỉnh; sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng/ha. Tiếp tục rà soát quỹ đất để mở rộng diện tích trồng chè đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất sử dụng vào mục đích trồng chè theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 593/UBND-XD ngày 21/02/2022.