Bản quyền nông sản: Đã đến lúc đầu tư!
Một chuyên gia nông nghiệp làm việc tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, trong những hoạt động nghiên cứu về cây trồng và con vật nuôi, lâu nay, vấn đề nổi cộm vẫn luôn là bản quyền giống ở nước ta được thực hiện như thế nào. Phần lớn những kết quả nghiên cứu nông nghiệp được công bố, là lai tạo, ghép phối giữa các chủng, loại giống, thế hệ giống với nhau. Rất ít có các công trình nghiên cứu khoa học đầy đủ về các bản đồ gien, tế bào gốc, việc cấy tạo giống ra sao. Phải chăng đây là lý do để việc phát triển giống cây trồng ở nước ta nằm ở “bề nổi”, không đào sâu vấn đề tế bào gốc, di truyền giống… Cho nên, bản quyền giống vẫn là điểm yếu dễ bị khai thác và chúng ta thường vi phạm khi bước ra cửa thế giới.
Cẩu thả trong vấn đề giống nông sản?
Câu chuyện đáng nói được nêu lên, khi lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk phát hiện trên các trang báo, kể cả báo chuyên ngành, các loại giống nông sản giá trị của địa phương được gọi tên một cách… cẩu thả. Thay vì gọi đúng tên loại giống cây trồng, người tiêu dùng, nhất là cánh thương lái vẫn dùng các tên gọi chung chung, như táo Tàu, xoài Thái, sầu riêng Thái… “Gọi tên như vậy là sai, và rất nguy hiểm vì gây ngộ nhận với người tiêu dùng, là loại giống cây đó, loại trái đó là của nước ngoài, do nước ngoài canh tác sản xuất. Sự thật, đó là những giống cây trái đã được chúng ta bản địa hóa, có tên gọi chính xác, và cần gọi đúng những tên đó khi giao dịch thương mại hay đưa vào văn bản hành chính, hợp đồng kinh tế”- ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk chỉ rõ như vậy.
Bức xúc này của ông Côn, cũng nhận được những hưởng ứng đồng tình từ nhiều doanh nghiệp canh tác nông nghiệp tại Đắk Lắk và Tây Nguyên. Họ cho rằng, việc phát triển các giống cây trồng giá trị cao, luôn đi kèm những tiêu chí bản quyền giống, đảm bảo các chứng chỉ quốc tế, trong ngành, mới có thể canh tác đại trà, chuyên canh để có sản lượng xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Green Ban Mê (Buôn Ma Thuột) tâm sự, suốt mấy năm qua, việc cùng nông dân đầu tư chuyên canh nông sản của đơn vị bà luôn gắn với vấn đề giá mua bản quyền giống. Người nông dân rất thờ ơ về vấn đề này, hễ có cây gì có lợi nhuận, trồng được, là họ lập tức tìm giống về, trồng ồ ạt trên đất của mình. Hệ quả là doanh nghiệp muốn đầu tư vùng trồng, muốn đăng ký chuyên canh bền vững, phải đi tìm đối tác cung cấp giống, liên hệ bản quyền để được phép thương mại hóa giống cây đó. Giá mua những giống cây đó đã là một vấn đề, nhưng làm sao để người nông dân hiểu, tiếp thụ và tuân thủ, lại là cả một vấn đề khác.
Bao giờ bản quyền giống được tôn trọng?
Câu hỏi này, mới đây, đã được nhà báo Vũ Kim Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) nêu lên trong chuyên mục 5 phút Youtube của bà. Rằng hiện tại, giống lúa gạo Việt Nam đang được trồng rất nhiều ở Thái Lan, song không hề có một động thái nào của các cơ quan thẩm quyền, đơn vị cấy tạo giống, về bảo vệ bản quyền các giống gạo. Ngược lại, rất nhiều loại nông sản giá trị tại Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài, lại đang đứng trước nguy cơ phải đối thoại, trả tiền bản quyền giống cho các chủ thể cấy tạo giống.
Một chuyên gia nông nghiệp chia sẻ: “Vấn đề bản quyền giống, các nước có thể tính toán từ rất lâu. Họ có thể đưa giống cho chúng ta trồng, phát triển canh tác rất ồ ạt, để đến một ngày nào đó, khi giống đó đã phổ biến, họ đặt vấn đề bản quyền, buộc ngành Nông nghiệp chúng ta phải trả tiền. Mức tiền ấy không cao, thậm chí chỉ vài xu, song nhân lên từng phần diện tích, rồi theo từng mùa, thì rõ ràng chúng ta phải trả tiền suốt đời này qua đời khác. Đó mới chính là chiến lược phát triển giá trị giống cây trồng mà người ta tính đến”.
Rõ ràng với suy nghĩ này, có thể hiểu tại sao rất nhiều loại giống cây ngoại lai đang được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, thậm chí được nước ngoài cung cấp với hình thức biếu tặng. Câu hỏi bản quyền giống rõ ràng ẩn chứa sau đó, một cách tinh tế khéo léo. Có thể ở thế hệ này, giống cây đó được tặng không, nhưng ai có thể đoan chắc, sau vài thế hệ, người ta không đặt vấn đề bản quyền?
Theo đó, đã đến lúc vấn đề bản quyền nông sản trên đồng ruộng Việt Nam phải được ưu tiên xem xét, thận trọng tổ chức. Người nông dân không thể chỉ đơn thuần có giống có cây là tùy tiện trồng. Trong bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu ngày càng sâu sắc, thật sự đã đến lúc các nhà khoa học nông nghiệp phải có mặt, phải xâm nhập vào vấn đề cấy tạo giống, nghiên cứu sâu về tế bào gốc, về biến đổi gien… Nhiều nhà chuyên môn đã từng lên tiếng, phải có một bảo tàng giống cây trồng Việt Nam, phải xây dựng những kho dữ liệu, chứng cứ, cơ sở khoa học nghiêm túc về giống cây trồng, nền nông nghiệp nước nhà mới thật sự được bảo vệ và phát triển bền vững. Một khi người nông dân vẫn không hiểu biết, các cơ quan chức năng, chính quyền và cả doanh nghiệp đầu tư vẫn thờ ơ về vấn đề bản quyền giống nông sản, mọi nguy cơ bị xâm hại, bị kiện tụng bản quyền, bị mất cơ hội cạnh tranh, bị phủ quyết thương hiệu… khi xâm nhập hàng hóa nông sản Việt ra ngoài, vẫn sẽ là rất lớn. Ngành Nông nghiệp nước nhà cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, mới có thể ngăn chặn mọi rủi ro!
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới