Tư vấn pháp luật

Bẫy chim trời có thể bị xử phạt cao nhất từ 12-15 năm tù

10:18 27/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Lợi dụng đặc thù mùa chim di cư khoảng tháng 9, 10 hàng năm trở đi, không ít người đã dùng các loại bẫy để bắt chim tự nhiên trái phép. Với kiểu săn bắt tận diệt như hiện nay, nhiều loài chim có nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến chính những người nông dân như nạn sâu bọ, cào cào, châu chấu…
Bẫy chim tận diệt gây nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái. Ảnh minh họa

Trước tình trạng này, mới đây nhiều tỉnh như Quảng Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Phòng… đã ra quân ngăn chặn, xử lý nhiều trường hợp đánh bẫy chim trời. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt chim vẫn diễn ra phức tạp, một phần là người dân quan niệm “chim trời, cá nước”mà chưa  hiểu được việc săn bắt như vậy là vi phạm pháp luật.

Để bạn đọc nắm được những quy định của pháp luật, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW) đã có trao đổi xung quanh vấn đề này.

Trước tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Để bảo tồn, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắt tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư, ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg “Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam”. Trước đó ngày 23 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg  về một số giải pháp cấp bách trong quản lý động vật hoang dã.

Như vậy hành lang pháp lý để bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư đã có, Luật sư có thể cho biết những quy định cụ thể trong việc bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư?

Pháp luật có rất nhiều quy định để bảo vệ các loại chim hoang dã:

Chỉ thị số 29/CT-TTg  đã nêu rõ: “ Mọi công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật.”

Chỉ thị số 04/CT-TTg, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan liên quan, UBND các tỉnh phải tăng cường công tác quản lý để để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam còn phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau)…

Trước đó Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý động vật rừng nguy cấp quý, hiếm được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-Cp và Nghị định số 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP đã quy định đầy đủ nguyên tắc quản lý và chế độ xử phạt với các vi phạm liên quan đến chim hoang dã và chim di cư. Với quy định này, tất cả các loài chim hoang dã, chim di cư đều được xác định là động vật hoang dã. Theo quy định tại Khoản 21, Điều 1, Nghị định số 84/2021/NĐ-Cp sửa đổi bổ sung Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và Khoản 4, Điều 6, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP thì chế độ quản lý và xử phạt vi phạm đối với loài chim hoang dã, chim di cư này sẽ được áp dụng tương tự như đối với loài động vật rừng thông thường (khoản 5, Điều 40, Nghị định 06 và khoản 4, Điều 6, Nghị định 35)

Việc dùng bẫy để bắt chim là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Vậy hành vi này bị xử lý thế nào?

Mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã cần phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự.

Về xử phạt hành chính:

Điều 21, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 04 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và Nghị định số 07/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định: Việc xử phạt về hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật. Tùy theo loại chim (chim thông thường hoặc chim thuộc Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB) và trị giá chim bị bắt, người bẫy chim có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 4 trăm triệu đồng.

Người bẫy chim cũng có thể bị phạt tiền về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật hoặc tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật theo quy định tại Điều 22, Điều 23 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 04 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và Nghị định số 07/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2019/NĐ-CP

Về xử lý hình sự:

Người bẫy chim có thể bị truy tố về “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Mức hình phạt tùy theo  Danh mục  động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, giá trị chim săn bắt và số tiền hưởng lợi bất chính. Mức hình phạt thấp nhất là  bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng; hình phạt cao nhất là bị phạt tù đến 12 năm

Hoặc người bẫy chim có thể bị truy tố về “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại Điều 244. Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Mức hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng; hình phạt cao nhất là bị phạt tù đến 15 năm.

Để ngăn chặn tình trạng săn bắt chim trời, theo Luật sư cần có giải pháp gì?

Phải tuyên truyền sâu rộng đến người dân những quy định của pháp luật trong việc bảo vệ chim hoang dã; việc đánh bẫy săn bắt chim trời là vi phạm pháp luật.

Cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và của cộng đồng dân cư tại các tổ dân, khu phố, thôn, xóm, nhất là tăng cường vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn quần thể các loài động vật hoang dã.

Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức ra quân kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm săn bắt các loại chim tự nhiên di cư.

Cảm ơn Luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục
Tin khác