Bí quyết làm trà “5 sao” của người Dao đỏ
Trà Phìn Hồ - Cây di sản
Cây chè Shan tuyết ở Hà Giang nói chung, huyện Hoàng Su Phì nói riêng có lịch sử lâu đời là vùng chè nguyên khởi được phát hiện cách đây 3.000 năm. Đến nay, trên đất Hoàng Su Phì vẫn còn giữ được 4.600ha chè Shan tuyết cổ thụ. Qua thống kê huyện Hoàng Su Phì hiện nay còn có trên 5 triệu cây chè trên 300 tuổi. Có trên 1 triệu cây chè Shan tuyết cổ thụ trên 500 tuổi.
Đây là tiềm năng giá trị cao từ một loại cây trồng đang được người dân tộc thiểu số như: Người Dao, người Mông, người Cờ Lao, người Nùng... chăm sóc bảo tồn gìn giữ và cũng đã được chính quyền địa phương đề xuất cơ quan tổ chức có thẩm quyền đánh giá và cấp “Chứng nhận cây di sản Việt Nam” được đưa vào danh sách tài sản quốc gia bảo tồn theo quy định của pháp luật.
Thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì với những rừng chè San tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi sinh trưởng trong môi trường khí hậu mát mẻ quanh năm. Ngày ngày hưởng trọn nắng sớm bình minh, khi mặt trời xuống núi lại chìm trong hơi ẩm của mây trời.
Từ xưa đến nay, cây chè Shan tuyết phát triển hoàn toàn tự nhiên. Việc khai thác thuận tự nhiên đã trở thành quy tắc được bà con thống nhất đưa vào hương ước của làng. Điều đặc biệt hơn, cây chè Shan tuyết cổ thụ sinh trưởng ở độ cao 1500m, hoàn toàn tự nhiên nay đã có trên 2.000ha được tổ chức quốc tế đánh giá và cấp nhận Organic. Trong đó có hàng trăm héc ta đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ Organic của châu Âu.
Bao đời nay, người dân Phìn Hồ luôn gắn bó với cây chè Shan tuyết và tích tụ được bao kinh nghiệm, bao tâm huyết với sản phẩm chè. Tên trà Phìn Hồ gắn với vùng đất và trở thành sản vật mang đậm dấu ấn vùng núi non hoang sơ, trong lành. Nhưng thay vì phải lặn lội hàng trăm ki-lô-mét vượt non cao, ngày nay người yêu trà cả nước có thể dễ dàng tìm thấy trà Phìn Hồ ở bất kỳ điểm mua sắm gần nhà. Đó là nhờ vai trò của HTX Chế biến chè Phìn Hồ.
Lan tỏa giá trị
Ra đời cách đây 13 năm, HTX Chế biến chè Phìn Hồ (thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì) được thành lập bởi các hộ gia đình đồng bào Dao đỏ. Lĩnh vực hoạt động chính của HTX là sản xuất, chế biến chè Shan tuyết cổ thụ vùng núi cao với thương hiệu sản phẩm là Fìn Hò Trà.
HTX ra đời với mục tiêu là cầu nối liên kết bà con dân tộc thiểu số vùng cao trồng chè được tiêu thụ 100% sản phẩm chè tại địa phương với giá trị cao. Đồng thời trang bị cho người dân tộc thiểu số có tư duy, có kiến thức trong sản xuất chế biến sản phẩm hàng hóa, phương pháp chăm sóc, sản xuất chế biến sản phẩm chè mang tiêu chuẩn cao, được những giảng viên là chuyên gia chè trong nước và quốc tế trực tiếp giảng dạy. HTX cũng giữ vai trò lan tỏa giá trị của cây chè Phìn Hồ trên thị trường trong nước và quốc tế, rút ngắn khoảng cách của cây chè với người tiêu dùng. Qua đó giúp cho người dân tộc thiểu số được trang bị kiến thức, tư duy sản xuất và làm giàu từ cây chè Shan tuyết cổ thụ.
Sau gần 13 năm HTX Chế biến chè Phìn Hồ được xây dựng và phát triển gắn kết với người nông dân là dân tộc thiểu số của huyện Hoàng Su Phì. Đến nay đa số người dân đã nâng cao nhận thức đối với tiềm năng, thế mạnh đặc biệt của chính quê hương, đã phát huy giá trị và gìn giữ cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng nghìn năm tuổi gắn với thương hiệu quen thuộc đó là “Fìn Hò Trà”.
HTX luôn tuân thủ những quy định về sản xuất, chế biến chè sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đến nay, HTX chế biến chè Phìn Hồ đã có nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường khắc khe nhất như châu Âu, Bắc Mỹ... Có được thành quả như vậy là nhờ HTX luôn tuân thủ những quy định về sản xuất, chế biến chè sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, đầu tư, nâng cấp công nghệ sản xuất và xúc tiến thương mại, không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo bà Mùi Thị Mương, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Để tạo vùng nguyên liệu có chất lượng và ổn định, hàng năm HTX liên kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho trên 900 hộ dân, với diện tích trên 600ha chè, trong đó có 100ha chè được cấp chứng nhận đạt theo tiêu chuẩn châu Âu. Doanh thu của HTX đạt từ 15 -20 tỷ/năm. Bình quân mỗi ha chè cho thu nhập khoảng 35 - 40 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước và các hộ dân trồng chè thôn Phìn Hồ 100% thoát nghèo.
Dấu ấn OCOP
Từ khi Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên cả nước, HTX Chế biến chè Phìn Hồ đã tích cực tham gia. HTX đã triển khai rất quyết liệt Chương trình này bằng việc hoàn thiện sản phẩm, lựa chọn tạo vùng nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất, xác định sản phẩm tốt nhất và có tiềm năng lớn nhất để đưa vào xây dựng hồ sơ OCOP.
Theo ông Triệu Tạ Hin - Giám đốc HTX cho biết: HTX đã lựa chọn được 4 sản phẩm tham gia OCOP tại tỉnh Hà Giang đạt từ 4 sao trở lên. Trong đó có 2 sản phẩm ưu thế nhất đó là Hồng Trà và Trà Xanh mang thương hiệu “Fìn Hò trà” được trình xem xét chấm OCOP Quốc gia. Và mới đây, 2 sản phẩm Trà xanh và Hồng trà của HTX được công nhận OCOP 5 sao Quốc gia.
“Sản phẩm OCOP của chúng tôi hoàn toàn sử dụng từ vùng nguyên liệu, hình ảnh bao bì, tên thương hiệu và con người sản xuất đều ở tại địa phương nơi đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang sinh sống. Chúng tôi khẳng định đây là sản phẩm của người dân tộc Việt Nam, mang thương hiệu và chứa đựng bản sắc dân tộc thiểu số Việt Nam”, ông Triệu Tạ Hin cho biết.
Theo bà Mùi Thị Mương, Phó Giám đốc HTX, cho biết từ đầu năm 2021, HTX đã nhận được tín hiệu thị trường khá tốt khi nhiều đơn vị ký kết đơn hàng về chè hữu cơ cao cấp. Đây chính là động lực để HTX phấn đấu hoàn thiện các chỉ tiêu của năm và cũng là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Từ năm 2019, sản phẩm “Fìn Hò Trà’’ đã xuất hiện tại hệ thống siêu thị Vinmart và được bán hàng tại các sân bay Việt Nam và hệ thống cửa hàng Sài Gòn OCOP. HTX có 6 nhà phân phối với hơn 800 điểm bán hàng trong cả nước và 2 đơn vị xuất khẩu. HTX đã mang sản phẩm trưng bày giới thiệu quảng bá tại lễ hội trà ở Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật...
Bà Mùi Thị Mương