Nông thôn mới

Bình đẳng giới phát huy vai trò phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới

Bùi Ánh - 07:34 18/11/2021 GMT+7
Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức Hội thảo “Tham vấn nội dung lồng ghép giới vào Bộ tiêu chí nông thôn mới và tài liệu hướng dẫn thực hiện của bộ, ngành trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bình đẳng giới là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, nội dung này cũng là yếu tố tiên quyết trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Việt Nam. Vấn đề “Bình đẳng giới” được Chính phủ hết sức quan tâm và điều này cũng được thể hiện rõ qua việc việc gắn vào các tiêu chí trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng NTM.

Trong số các nhiệm vụ được nêu thì thúc đẩy bình đẳng giới nằm trong giải pháp thứ 3 về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Với việc chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tất cả các lĩnh vực đòi sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang trên đà phát triển không ngừng. Từ thân phận bị coi là "thứ yếu", phụ nữ Việt Nam ngày nay đã và đang khẳng định vai trò trong tất cả cách lĩnh vực trong xã hội vừa “giỏi việc nhà” lại “đảm việc nước”.

Vai trò của phụ nữ đang ngày một được nâng cao về mọi mặt trong đời sống 

Từ thực tế cho thấy, phụ nữ thời đại mới vừa là chủ thể tham gia xây dựng NTM, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả ngọt ngào mà chương trình mang lại. Trong bức tranh tổng quan chung, với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt, trực tiếp vận động, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng hướng đến sự bình đẳng cần thiết trong cuộc sống.

Một chủ trương lớn không thể cán đích nếu chỉ hô hào suông, muốn đơm hoa kết trái cần xây dựng kế hoạch, lộ trình bài bản, sát với thực tiễn, trong đó áp dụng hiệu quả tiêu chí “5 không” có thể xem là bước đệm hoàn hảo. Trong đó, tiêu chí đầu tiên là “gia đình không đói nghèo”. Để đạt được nội dung này cần tổng hòa rất nhiều yếu tố, phải đảm bảo điều kiện vật chất lẫn tinh thần, tối thiểu phải thoát diện hộ nghèo theo quy định của Chính phủ: Khu vực nông thôn có thu nhập bình quân trên 700.000 đồng/người/tháng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; Khu vực thành thị có thu nhập bình quân trên 900.000 đồng/người/tháng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hoặc có thể theo tiêu chuẩn của địa phương nhưng không được thấp hơn tiêu chuẩn chung.

Thứ hai là “gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, phải chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và quy ước, hương ước cộng đồng.

Thứ ba là “gia đình không có bạo lực”, mọi thành viên phải biết yếu thương, tôn trọng lẫn nhau, cùng chia sẻ mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm.

Thứ tư là “gia đình không vi phạm chính sách dân số”, không thực hiện hành vi lựa chọn giới tính, không loại bỏ thai nhi; không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái; gia đình có trách nhiệm quan tâm chăm lo cho phụ nữ và trẻ em; mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 2 con để bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh, nuôi dạy con tốt.

Sau cuối là tiêu chí “Gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”, trẻ em phải được chăm sóc đầy đủ, đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Cha mẹ, người lớn phải luôn quan tâm đến việc học tập, tạo điều kiện để trẻ được đi học đúng độ tuổi, không để trẻ bỏ học giữa chừng. Đồng thời dành thời gian hướng dẫn, động viên con/cháu học tập, thường xuyên liên hệ với nhà trường và thầy cô giáo để nắm rõ tình hình học tập của con/cháu.

Phụ nữ cùng tham gia phát triển kinh tế nâng cao mức thu nhập

Nếu “5 không” là điều kiện cần thì “3 sạch” là điều kiện đủ, các gia đình phải hướng thực hiện tốt lần lượt các tiêu chí: Sạch nhà, sạch bếp và sạch ngõ. Thoạt nhìn tưởng chừng rất giản đơn nhưng để cụ thể hóa mục tiêu lại khó nhằn hơn cả khi đối mặt với ngàn con sóng dữ.

Bởi vậy, với định hướng và sự quan tâm sâu sát từ Chính phủ tới bộ, ban, ngành Trung ương, sự nhập cuộc kịp thời của các cơ quan chuyên ngành, chính quyền sở tại, trên hết là sự nỗ lực của chính những người phụ nữ trong thời đại 4.0, vấn đề  bình đẳng giới tại Việt Nam đang tạo những thành quả thiết thực góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xây dựng NTM, trong phát triển kinh tế, xã hội./.

*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác