Bình Định: Huyện Tây Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới
Trước đó, từ ngày 03/4/2024 đến ngày 15/4/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định đã tổ chức phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp tại các hộ gia đình; tổ chức cuộc họp ở các khu dân cư, phát phiếu và xin ý kiến của đại diện hộ gia đình tại 66/66 thôn thuộc 14 xã trên địa bàn huyện về sự hài lòng của người dân đối với đề nghị xét, công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn NTM năm 2023. Kết quả, tỷ lệ người dân hài lòng đạt theo quy định (quy định đạt từ 90% trở lên). Cụ thể: Tổng số hộ dân được lấy ý kiến là 27.731/30.974 hộ (đạt tỷ lệ 89,53 %); trong đó, tổng số ý kiến hài lòng là 276.355 (đạt tỷ lệ 99,66 %), tổng số ý kiến không hài lòng là 955 (tỷ lệ 0,34%).
Vào ngày 03/5, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025 đã họp thẩm tra, đề nghị xét, công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo. Theo báo cáo tại cuộc họp, huyện Tây Sơn có 14/14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 100%; 02/14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 01 thị trấn được rà soát, đánh giá các tiêu chí phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh theo quy định, đạt 100%.
Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025 đã bỏ phiếu thống nhất đề nghị công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Cùng với đó, huyện Tây Sơn đã cơ bản thực hiện đạt các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện NTM. Trong đó, những kết quả nổi bật như: UBND huyện đã lập Đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Tây Sơn đến năm 2035 và đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định phê duyệt tại Quyết định số 2248/QĐ-UBND ngày 09/6/2020. Các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, hạ tầng xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng đảm bảo theo quy hoạch xây dựng của huyện đã được phê duyệt. Hệ thống thủy lợi của huyện đáp ứng yêu cầu về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Toàn bộ hệ thống điện liên xã trên địa bàn huyện do ngành Điện quản lý, đảm bảo đạt thông số kỹ thuật, an toàn điện theo Tiêu chí về điện.
Tính đến tháng 5/2024, trên địa bàn huyện có 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích theo quy hoạch được phê duyệt là 472,31 ha phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Trên địa bàn huyện Tây Sơn đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của huyện theo Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Tây Sơn giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, trên lĩnh vực trồng trọt đã xác định cây lạc là một trong các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao và ổn định so với các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân vùng nông thôn. Sản phẩm lạc của mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 cấp Giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGap)...
Sau khi xem xét toàn bộ các yếu tố, các thành viên Ban Chỉ đạo đã bỏ phiếu thống nhất đề nghị công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Tại Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 16/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ bên cạnh việc công nhận huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 còn giao UBND tỉnh Bình Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định. UBND tỉnh Bình Định cần chỉ đạo UBND huyện Tây Sơn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
- Xây dựng Nông thôn mới an toàn trước thiên tai ở Hà Tĩnh (Bài 1): Điều kỳ diệu sau “đại hồng thuỷ”
- Mô hình điểm "thôn thông minh" trong xây dựng nông thôn mới
- Huyện Thanh Trì : 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước 2 năm
- Tư vấn cho nông dân cách tiếp cận và giải ngân nguồn vốn vay hiệu quả