Xây dựng Nông thôn mới an toàn trước thiên tai ở Hà Tĩnh (Bài 1): Điều kỳ diệu sau “đại hồng thuỷ”
Điều kỳ diệu
So với những vùng rốn lũ khác ở Hà Tĩnh, toàn bộ xã Tượng Sơn nằm vị trí tương đối bằng phẳng và thấp. Con sông Đò Hà ôm lấy diện tích, vẽ nên một phong cảnh sơn thủy hữu tình nhưng cũng tạo ra những mảng màu đối lập. Và chính sông Đò Hà đã mang về cho vùng đất Tượng Sơn một lượng phù sa lớn nhưng cũng kéo theo nỗi lo khi mùa mưa đến.
Tháng 9/2020, khi Tượng Sơn đang ra sức thực hiện chặng đua nước rút để cán đích xã nông thôn mới kiểu mẫu thì thiên tai ập đến, nước từ khắp nơi đổ về nhấn chìm toàn bộ diện tích. Được biết, đây là cơn lũ lịch sử hàng chục năm mới lặp lại khiến gần 1.400 hộ dân có trên 5.000 nhân khẩu trên toàn xã cùng hàng nghìn vật nuôi và tài sản khác buộc phải di dời đến nơi an toàn.
Trong ký ức của nhiều người dân Tượng Sơn, vào thời điểm đó, hình ảnh trong họ vẫn chưa quên một xã nông thôn mới đa sắc màu, vốn là hình mẫu của cả nước được nhiều đoàn đến tham quan, học hỏi vật lộn dưới những cơn mưa nặng hạt, lượng mưa từ 200 - 300mm dội xuống ngày đêm không ngớt. Người ngoài nhìn vào, chắc hẳn không ít tiếc nuối, lo lắng khi thành quả 10 năm xây dựng với nỗ lực “đáng nể” đứng trước nguy cơ cuốn theo dòng nước lũ.
Vậy nhưng, sự chủ động phương án đón đầu “sống chung với lũ”, chính quyền và người dân Tượng Sơn đã có sự phối hợp nhịp nhàng, để rồi vượt qua thách thức đến “khó tin. Từ báo cáo của chính quyền, một xã thuần nông có trên 3.500 con gia súc, quá trình chạy lũ vẫn bảo vệ an toàn, không thâm hụt cho đến khi nước lũ rời đi cũng đủ để diễn tả một phần nào đó.
“Sau mười ngày chờ nước rút, người dân xã Tượng Sơn lại bắt tay vào công việc tái thiết. Nói không có thiệt hại thì không đúng, rõ nhất được nhìn thấy là màu xanh của cây gần như biến mất, thay vào đó là lớp phù sa. Còn lại gần như vẹn nguyên, đặc biệt là cơ sở hạ tầng đã trụ vững…”, ông Dương Kim Huy- Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà chia sẻ.
Người dân còn cho biết, nước lũ rút, bà con tranh thủ dọn dẹp lại nhà cửa, nương vườn xong là ra đồng ngay. Lũ đi để lại một lượng lớn phù sa nên việc khắc phục thiệt hại để trả lại màu xanh không quá khó. Đất được bổ sung dinh dưỡng, cây nhanh tốt, bà con nơi đây bội thu, được mùa hơn rất nhiều so với các năm trước.
Mặt khác, cùng với sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền, người dân Tượng Sơn đã nhận được sự giúp đỡ nghĩa tình của các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền Tổ quốc với hơn 1000 lượt cứu trợ. Nhờ chủ động phương án, trên dưới đồng lòng và ý chí không bị khuất phục trước khó khăn, nơi đây vững vàng bảo vệ thành quả, vươn mình mạnh mẽ cán đích xã nông thôn mới kiểu mẫu chỉ sau một năm cơn “đại hồng thuỷ” đi qua vào năm 2021.
Nền móng vững chắc khi người dân vào cuộc
Đến xã Tượng Sơn chắc hẳn mọi người không khỏi ngỡ ngàng bởi những con đường nông thôn mới được mở rộng, thảm nhựa thẳng tắp, sạch sẽ, trường học, trạm y tế…khang trang cứ ngỡ như lạc giữa đô thị. Đặc biệt hơn, đó là đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao.
Để có một Tượng Sơn hôm nay là cả một quá trình nỗ lực phi thường của chính quyền mà theo như lãnh đạo địa phương chia sẽ, cái được lớn nhất vẫn là “đưa được người dân vào cuộc, thay đổi nhận thức” xây dựng nông thôn mới. Bắt đầu từ việc tạo lòng tin, khi dân tham gia, đồng thuận thì việc gì khó cũng xong.
Nói về sức sống nông thôn mới mà xã Tượng Sơn đứng vững trước thiên tai, ông Dương Kim Huy, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, khẳng định: “Bão lũ thường gây ra thiệt hại năng về cơ sở hạ tầng, phần lớn do chất lượng yếu kém, không đảm bảo. Nằm ở nơi rốn lũ, chính quyền xác định xây dựng nông thôn mới ở Tượng Sơn phải hướng đến cơ sở hạ tầng hiện đại, chất lượng để sống chung với lũ ngay từ đầu. Bên cạnh đó, chủ động phương án, thực hiện nghiêm lịch thời vụ, đưa ra cảnh báo sớm để giảm thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai xẩy ra”.
Những ngày này, rảo quanh xã Tượng Sơn, chúng tôi bắt gặp những cánh đồng, khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung rộng lớn nhưng tạm dừng sản xuất. Bà Nguyễn Thị Huệ - Một người dân giải thích, vụ mùa vừa thu hoạch trước khi mưa bão đến nên đây là khoảng thời gian hiếm hoi nông dân cho đất nghỉ.
Trên đường dẫn chúng tôi mục sở thị những thành quả nông thôn mới, ông Dương Kim Huy, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn trò chuyện pha chút hóm hỉnh nhưng cũng rất thật: “Đảm nhiệm cương vị đứng đầu ở xã này nhiều năm nếu nghĩ tôi giàu lắm thì mời về đây nghe dân trả lời. Không như một vài suy nghĩ, còn cái tôi có thì không phải ở đâu cũng làm được đó là dân quý, dân tín nhiệm và người dân luôn đồng hành một cách tuyệt đối với chính quyền. Đây là bản sắc mà chúng tôi đã làm được trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cùng nhau vươn lên nhưng đồng thời điểm tựa để vượt qua khó khăn một cách hiệu quả”.
Nhân dân phấn khởi, thi đua phát triển kinh tế, từ hộ nghèo đã thoát nghèo, từ hộ trung bình đã trở nên khá giả, giàu có. Một xã có điểm xuất phát xây dựng nông thôn mới với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 45%, đến cuối năm 2021, Tượng Sơn có mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 54 triệu đồng/năm, cao nhất trong nhóm các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của tỉnh Hà Tĩnh.
Chúng tôi rời Tượng Sơn sau khi thưởng trọn không khí ở một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Câu nói của vị lãnh đạo đứng đầu Đảng bộ và chính quyền xã Tượng Sơn cứ đọng mãi: "Tượng Sơn đã xác định xây dựng nông thôn mới là xu hướng tất yếu, không thể khác được nên việc giữ được thành quả không còn là vấn đề khi người dân đã vào cuộc".