Bình Dương: Xây dựng nông thôn mới năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt nhiều tín hiệu tích cực
Trong thời gian qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bình Dương đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 219 sản phẩm OCOP của 99 chủ thể, gồm 31 công ty, 14 hợp tác xã, 8 trang trại, 45 hộ kinh doanh và 1 tổ hợp tác. Trong đó, có 207 sản phẩm OCOP 3 sao, 12 sản phẩm OCOP có 4 sao. Các sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, nguồn gốc sản xuất rõ ràng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 5.764ha diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với các loại cây trồng có giá trị như rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh... Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, có 100% số xã trong tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; có thêm 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa và ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP...
Thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị - xã hội và các tổ chức đoàn thể 4 huyện huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng đã vào cuộc quyết liệt, tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chương trình đã giúp nhiều vùng nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 38/38 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 3/38 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM đạt gần 80 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên cho biết: Thực hiện xây dựng NTM địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện Bắc Tân Uyên có 45 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP đều được đăng ký tài khoản, tạo kho hàng trên sàn thương mại điện tử VOSO (Viettel), Postmart, Binhduongtrade để bán sản phẩm. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 90 triệu đồng/năm.
Tại huyện Bàu Bàng, chương trình xây dựng NTM đạt nhiều kết quả khả quan. Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết: Nhờ thực hiện xây dựng NTM nên bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khang trang, sáng - xanh - sạch - đẹp; đời sống người dân được nâng cao. Đến nay 3/6 xã của huyện được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao theo Quyết định số 211/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Huyện phấn đấu đến hết năm 2024 có 6/6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Thông qua các buổi làm việc, giám sát, các huyện đã kiến nghị tỉnh sớm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ địa phương thực hiện hoàn thành các tiêu chí theo mục tiêu đã đề ra. Cụ thể, các địa phương kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu và Bộ tiêu chí huyện NTM, huyện NTM nâng cao theo Quyết định số 211/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2021-2025; bổ sung tiêu chí huyện NTM đặc thù, các sở, ngành liên quan tham mưu tỉnh phân bổ nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại địa phương, ban hành các quy định trong tổ chức thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù…
Để chương trình xây dựng NTM mang lại nhiều kết quả tốt hơn nữa, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ về thực hiện xây dựng NTM trong giai đoạn tới; phát động và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”…
Đồng thời, đề nghị trên cơ sở đặc điểm, lợi thế, tiềm năng của địa phương, các huyện cần lựa chọn lĩnh vực phù hợp để thực hiện NTM kiểu mẫu gắn với quá trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị tại địa phương. Các địa phương cũng cần triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách liên quan; đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách để khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư; ưu tiên triển khai các Chương trình OCOP, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi số, hướng tới NTM thông minh…
- Lâm Đồng: Phấn đấu đến cuối năm 2025 có 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới
- Bắc Giang: Phát động Cuộc thi “Đường nông thôn mới kiểu mẫu huyện Tân Yên” giai đoạn 2024-2026
- Tái cơ cấu nông nghiệp: Chìa khóa xây dựng nông thôn mới ở Long An
- Lâm Đồng: Tổ chức sản xuất và thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao