Độc đáo mô hình “hoá giòn” cá chép cho thu nhập khá
Đã từng đi làm ăn xa nhà, nhưng công việc bấp bênh, thu nhập không cao, vì vậy mà kinh tế gia đình khó khăn... Tình cờ xem được trên mạng Internet về việc nuôi cá chép “hoá giòn” cho hiệu quả kinh tế cao, anh Tiệp đã mạnh dạn trở về quê hương lập nghiệp để thực hiện ước mơ làm giàu của mình.
Nuôi cá chép “hoá giòn” là việc vỗ béo những chú cá chép có trọng lượng từ 1kg trở lên, bằng hạt đậu tằm. Dinh dưỡng từ hạt đậu tằm sẽ giúp thịt cá chép thay đổi cấu trúc và trở nên giòn dai hơn.
Hạt đậu tằm có tên khoa học là Vicia faba L, là cây thuộc họ đậu, thân thảo có lịch sử trồng trọt cách đây 5.000 năm. Hạt đậu tằm ᴄó nguồn gốᴄ ở Địa Trung Hải, ѕau đó đượᴄ trồng ở châu Âu, theo ᴄon đường tơ lụa ᴠào Trung Quốᴄ ᴠà ᴄáᴄ nướᴄ ᴄhâu Á kháᴄ. Hiện nay hạt đậu tằm đang được trồng ở 50 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Để có được kinh nghiệm trong việc nuôi cá chép “hoá giòn” ngoài việc tìm hiểu qua các video, clip, mô hình trên mạng Internet, anh Tiệp còn tự mình đến thăm quan các mô hình đã nuôi thành công ở Hải Hương, Hưng Yên để học hỏi kinh nghiệm.
Sau khi nắm bắt cơ bản kiến thức, năm 2019 anh Tiệp đã trở về quê hương xã Thượng Nung để đầu tư mô hình nuôi cá chép “hoá giòn”. Tận dụng mặt nước trên sông Nghinh Tường chảy qua địa bàn xã Thượng Nung, anh Tiệp đã kết lồng bè để thả 1.000 con cá chép.
Anh Tiệp cho biết: Sự khác biệt của nuôi cá chép “hoá giòn” với nuôi truyền thống chính là thức ăn, thức ăn chính để nuôi cá chép “hoá giòn” là những hạt đậu tằm. Trước khi làm thức ăn cho cá chép, cần ngâm hạt đậu tằm vào nước trong 1 ngày để hạt nẩy mầm. Hạt đậu tằm có hàm lượng protein chiếm tới 31% trọng lượng thức ăn, đồng thời chứa 8 loại axit amin thiết yếu và 49% hàm lượng tinh bột… thức ăn làm thay đổi chất lượng thịt của cá chép, tăng độ dai cơ thịt, làm thịt cá chép giòn, dai, săn chắc và giảm mỡ bụng cá.
Sau 6 tháng thả nuôi, trung bình trọng lượng của mỗi con cá chép của anh Tiệp đã đạt 2kg. Nhưng thay vì xuất bán để kiếm lời ngay, anh Tiệp đã mạnh dạn nuôi thêm 6 tháng nữa để cá chép đạt trọng lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đến cuối năm 2020, sau 1 năm thả nuôi, anh Tiệp đã xuất đàn cá chép gần 1.000 con đạt trọng lượng khoảng 4.000 tấn. Với giá bán 120.000- 130.000 đồng/kg, đem về thu nhập cho gia đình 500 triệu đồng, trừ các chi phí anh Tiệp đã thu lãi trên 200 triệu đồng.
Nối tiếp thành công của lứa cá chép “hoá giòn” đầu tiên, anh Tiệp đã nhanh chóng xử lý, vệ sinh lại lồng bè tiếp tục thả nuôi 1.000 cá chép. Đến nay, sau gần 1 năm thả nuôi, lứa cá thứ 2 của anh Tiệp cũng đang phát triển rất tốt, dự kiến sản lượng sẽ tăng khoảng 5% so với đàn cá năm 2020.
“Cá chép “hoá giòn” được nuôi trên dòng sông Nghinh Tường có nước chảy tuần hoàn cung cấp đầy đủ ô-xi, cá vận động nhiều hơn nên chất lượng thịt dai, giòn, không có mùi tanh như các loại cá nuôi thông thường. Vì vậy mà người dân, các khách sạn, nhà hàng từ huyện Võ Nhai đến thành phố Thái Nguyên luôn sẵn sàng đặt mua, sản lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu” anh Tiệp cho biết thêm.
Chia sẻ về định hướng phát triển nuôi cá chép “hoá giòn” trong thời gian tới anh Tiệp cho biết: Sẽ tiếp tục phát triển nghề nuôi cá chép “hoá giòn” ở trên sông Nghinh Tường. Giờ đây dòng sông quê hương không chỉ gợi nhớ những ký ức tuổi thơ tươi đẹp, mà giờ đây dòng sông đã góp phần xây dựng giấc mơ làm giàu cho các bạn trẻ muốn lập nghiệp trên quê hương./.