Nông thôn mới

Cà Mau dẫn đầu cả nước về chất lượng dịch vụ công trực tuyến

Vân Nguyễn - 13:11 10/02/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo kết quả Văn phòng Chính phủ công bố trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia của năm 2023, chỉ số thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng của tỉnh Cà Mau đứng đầu cả nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận 
Theo số liệu thống kê, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 45.471 tỷ đồng, tăng 7,83% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra 7%. Chất lượng tăng trưởng được đánh giá cao với GRDP bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; tốc độ tăng năng suất lao động đạt 6,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với  cùng kỳ. 
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi. Tổng sản lượng thủy sản đạt 636.000 tấn bằng 99,4% kế hoạch, tăng 3,2% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm 243.000 tấn, bằng 100% kế hoạch, tăng 6,7% so cùng kỳ. Tổng sản lượng lúa đạt khoảng 550.000 tấn, vượt 10% kế hoạch; giá lúa tăng cao so cùng kỳ.

Trong năm nhiều Hội nghị được tỉnh Cà Mau tổ chức thành công.

Trong năm, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và khai thác thủy sản tận diệt, hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản. Đồng thời, xây dựng Đề án thành lập Khu bảo tồn biển tại các cụm đảo để bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững. Tập trung thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích rừng tập trung đạt 93.093ha; tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 26%, đạt kế hoạch đề ra.
Sản xuất công nghiệp phục hồi, sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Các dự án năng lượng tái tạo được triển khai thực hiện từng bước phát huy hiệu quả; hiện có 5 dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 170 MW, tăng 2 dự án so cùng kỳ. UBND tỉnh đã xây dựng Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau trình Thủ tướng Chính phủ; sau khi Đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện, sẽ góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động địa phương. 

"Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả khả quan. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 16 cả nước”. 
Ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau.

Khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi, tăng 7,6% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 83.500 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch, tăng 4,2% so cùng kỳ; cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Thương mại điện tử có bước phát triển, chỉ số thương mại điện tử xếp hạng 40/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 hạng so cùng kỳ. 
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Trong năm, đã hoàn thành cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông - Tây, tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau… Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh: Cầu Gành Hào, tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi, Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm, U Minh - Khánh Hội... Công tác xây dựng giao thông nông thôn được quan tâm chỉ đạo; thực hiện hoàn thành 450km đường bê tông vượt 125% kế hoạch.
Quản lý ngân sách nhà nước khá chặt chẽ, đúng quy định. Thu ngân sách đạt 5.747,5 tỷ đồng, vượt 18,9% dự toán; chi ngân sách đạt 11.259 tỷ đồng, bằng 95,8% dự toán. Hoạt động tín dụng ổn định, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh tăng 7,9% so cùng kỳ, chiếm 62,2% tổng dư nợ cho vay. Tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ thuộc thẩm quyền, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân sớm tiếp cận được các gói hỗ trợ về tín dụng của Chính phủ.
Chuyển biến mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Định kỳ hàng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức gặp gỡ, trao đổi thông tin, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời hỗ trợ; đồng thời, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương các cấp để có sự điều chỉnh phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thường xuyên, kiên quyết trong công tác cải cách hành chính, trọng tâm là giải quyết hồ sơ trực tuyến; thanh toán trực tuyến; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính; lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu thực hiện. 

Các chỉ số về cải cách hành chính tăng so với cùng kỳ: Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh (SIPAS) xếp hạng 3, tăng 18 bậc; chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (PAR INDEX) xếp hạng 30, tăng 16 bậc; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 35, tăng 4 bậc. Theo kết quả mới được công bố của năm 2023, Chỉ số thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng của tỉnh Cà Mau đứng đầu cả nước.
Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 17/11/2023. UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập một số quy hoạch quan trọng như: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời đến năm 2035; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cà Mau đến năm 2035; nhiệm vụ Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; đồ án Quy hoạch chung Đầm Thị Tường... Phê duyệt 9/9 quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030.
Tổ chức thành công các hoạt động thuộc Chương trình sự kiện “Cà Mau - điểm đến năm 2023”, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển; đặc biệt là Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long 2023, thu hút sự quan tâm của người dân, tạo ấn tượng đẹp cho du khách và mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho tỉnh Cà Mau. Trong năm đã thu hút khoảng 2 triệu lượt khách tham quan du lịch, vượt 13,5% kế hoạch, tăng 18% so cùng kỳ; tổng doanh thu đạt gần 2.900 tỷ đồng, vượt 8,6% kế hoạch, tăng 20% so cùng kỳ. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác