Thông tin từ cơ sở

Tâm huyết với việc Hội dù không lương, không phụ cấp

Kiều Tâm - 07:45 17/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhiều năm công tác “không lương, không phụ cấp” nhưng anh Nguyễn Hồng Minh, Chi hội trưởng nông dân xóm Mùi, xã Độc Lập (xã thuộc diện 135 duy nhất ở TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) vẫn nỗ lực vượt khó để vừa phát triển kinh tế gia đình vừa làm tròn trách nhiệm, hết lòng vì hội viên, nông dân.
TIN LIÊN QUAN
Anh Nguyễn Hồng Minh, Chi hội trưởng Nông dân xóm Mùi chuẩn bị thức ăn cho dúi.

Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi

Đến xã Độc Lập, chúng tôi được gặp anh Nguyễn Hồng Minh (SN 1981), Chi hội trưởng Nông dân năng động, tâm huyết của xóm Mùi. Anh Minh là nông dân làm kinh tế giỏi với mô hình nuôi dúi. Cũng như bao người nông dân khác, trước đây anh Minh đã tự mày mò tìm hiểu, học hỏi rồi đầu tư trồng nhiều loại cây và chăn nuôi lợn, trâu, bò… nhưng đều thất bại. Khi cây trồng được thu hoạch thì mất giá; chăn nuôi thì dịch bệnh, giá thức ăn tăng, giá bán thấp không đủ tiền vốn. 

Trong một lần đi làm thuê, anh Minh biết trên thị trường thịt thú rừng được người tiêu dùng rất chuộng. Từ thông tin đó, anh suy nghĩ đến việc nuôi con dúi. Sinh ra và lớn lên ở vùng rừng, anh Minh không lạ gì giống dúi. Đây là giống hoang dã, nuôi với thức ăn đơn giản sẵn có ở địa phương mà giá bán dúi lại cao. Nghĩ là làm, anh Minh đặt mua dúi của những người chuyên đi bắt con dúi rừng và cải tạo chuồng lợn cũ thành nơi nuôi dúi. Nhà có bao nhiêu vốn liếng, anh Minh đầu tư hết vào mua dúi rừng về nuôi. 

Vốn là động vật hoang dã nên đàn dúi rất khỏe, phát triển tốt. Nhưng khi những con dúi cái đẻ thì chúng lại cắn chết con khiến người nuôi dúi như anh Minh không duy trì, phát triển, nhân đàn được. Nuôi dúi rừng đẻ thất bại, anh Minh lên mạng tìm hiểu và biết tới nhiều cơ sở nuôi dúi rừng đã thuần ở huyện Lạc Sơn. 

Từ nguồn gốc động vật hoang dã, con dúi rừng được thuần hóa và giờ đây đã được cấp giấy phép nuôi. Sau hơn 2 năm nuôi giống dúi rừng thuần mua ở Lạc Sơn về, đàn dúi nhà anh Minh phát triển khỏe mạnh, số lượng đàn tăng nhanh. Con dúi đẻ ra, anh bán dúi giống cho các hộ trong vùng, dúi thịt được bán cho những hộ có nhu cầu làm thực phẩm. Nhiều lúc chuồng của anh không có sản phẩm để bán.

Một lần đi tìm hiểu thêm về thị trường nuôi dúi thương mại, anh Minh nghe chủ trại nuôi dúi ở Hà Nội mua 28 đôi “dúi lai” với hi vọng cải tạo, thay thế đàn dúi ta cho hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng khi nuôi được hơn 1 tháng, chúng bị bệnh và chết hàng loạt. Lần đó anh Minh thiệt hại hơn 100 triệu đồng tiền mua dúi giống và còn làm lây bệnh sang đàn dúi ta (dúi rừng).

Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, anh tập trung nuôi dúi ta vốn là con F1 của động vật hoang dã và mở rộng đàn. Sau mỗi năm đàn dúi lại phát triển tốt hơn. Khi đó anh mới thở phào nhẹ nhõm, những nỗ lực, cố gắng đã được đền đáp. Giờ đây đàn dúi đã lên tới 200 con.

Anh Minh chia sẻ: “Cũng giống như chuột rừng, con dúi đẻ sai, một năm 1 con dúi sinh sản 4 lứa, mỗi lứa đẻ từ 2 - 4 con. Nuôi dúi khoảng hơn 1 năm đạt trọng lượng 1,5 - 2kg là xuất bán. Giá bán dúi thương phẩm hiện nay là 600.000 đồng/kg. Nhờ nuôi dúi hiện gia đình tôi cũng đã có thu nhập cao và ổn định”.

Đàn dúi thương phẩm của anh Nguyễn Hồng Minh, Chi hội trưởng Nông dân xóm Mùi.

“Không lương, không phụ cấp” vẫn tâm huyết  

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, anh Minh luôn đặt phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi và tham gia xây dựng nông thôn mới của hội viên lên hàng đầu. Anh tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên nông dân trong chi hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Tâm sự với chúng tôi, anh Minh cho biết, hiện nay Chi hội Nông dân xóm Mùi có 45 hội viên. Anh Minh đảm nhiệm chức danh Chi hội trưởng đến nay đã được 8 năm. Hết nhiệm kỳ 5 năm, anh lại được sự tín nhiệm của hội viên, nông dân và tiếp tục được bầu là Chi hội trưởng. Từ sự tín nhiệm đó, anh Minh thấy mình phải có trách nhiệm đưa công tác Hội ngày càng vững mạnh hơn và bản thân phải nỗ lực phấn đấu để không phụ lòng tin tưởng của hội viên, nông dân.

Theo anh Minh, những ngày đầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Mùi, anh vất vả ngược xuôi tham gia tất cả các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... để về hướng dẫn lại cho bà con trong xóm. Tại các buổi họp xóm, anh Minh truyền đạt lại những gì mình được học tại các lớp tập huấn nhưng nhiều người dân chưa tin tưởng nên không làm theo. Điều này khiến anh rất buồn và nản chí, có lúc đã từng nghĩ đến việc xin nghỉ làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân. Nhưng vì tâm huyết với Hội, vì muốn bà con ngày càng tiến bộ, có thêm hiểu biết để đồng thuận hưởng ứng những phong trào của địa phương, anh Minh lại kiên trì nhiều lần cất công ngược xuôi đến từng nhà hội viên để tuyên truyền, vận động. 

“Tôi làm được việc, uy tín với bà con nông dân, lại làm việc không lương, không phụ cấp, phục vụ bà con nông dân lâu dần cũng thành quen”, anh Minh bộc bạch.

Cũng theo anh Minh, Độc Lập vốn là xã 135 duy nhất ở thành phố Hòa Bình, có hơn 90% dân số là dân tộc Mường. Việc đi lại, tuyên truyền, vận động người dân gặp nhiều khó khăn. Từ 1/7/2024, Chi hội trưởng Nông dân được nhận phụ cấp hơn 300 nghìn đồng/tháng. Nhưng chừng đấy không đủ trang trải cho việc đi lại để tuyên truyền. Hơn nữa, những lần đi tập huấn xa, tiền hỗ trợ các lớp tập huấn không đủ tiền xăng xe, ăn uống, anh Minh cũng như những Chi hội trưởng Nông dân khác trong xã đều phải bỏ tiền túi ra bù vào. 

Ngoài công việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, anh Minh tích cực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện tốt các phong trào thi đua do các cấp, các ngành phát động. Từ các phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi; nhiều nông dân tự nguyện hiến đất, ngày công lao động làm đường nông thôn…

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Độc Lập chia sẻ: “Hội Nông dân xã có 6 chi hội. Các Chi hội trưởng nông dân trước đây không có phụ cấp, từ ngày 01/7/2024 có được phụ cấp rất ít, đi lại đường xá vất vả, phải bỏ tiền túi ra để đi tuyên truyền vận động hội viên, nông dân nhưng vẫn rất tâm huyết với bà con nông dân và công tác Hội. Ở xã hiện nay không có nguồn để hỗ trợ các Chi hội trưởng Nông dân. Chúng tôi mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ thêm về phụ cấp để các Chi hội trưởng Nông dân yên tâm công tác, phục vụ bà con nông dân”. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác