Cần nhiều hơn những giải pháp hiệu quả giúp nông dân hiểu luật
Đa dạng và đổi mới hình thức tuyên truyền
Theo ông Trần Ngọc Vinh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi: Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh tích cực, chủ động chỉ đạo các cấp Hội xây dựng kế hoạch tổ chức các nội dung tuyên truyền, phổ biến, triển khai các văn bản luật đến cán bộ, hội viên, nông dân cụ thể như: Luật Đất đai năm 2013, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở và đặc biệt là Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Luật Chăn nuôi năm 2018, tài liệu hỏi, đáp pháp luật về Luật Bảo vệ Môi trường; Luật Chăn nuôi và Luật trồng trọt năm 2018….
Đặc biệt, các cấp Hội còn triển khai tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật Việt Nam” cho cán bộ, công chức, viên chức và hội viên, nông dân trong tỉnh; tham gia hội thi tìm hiểu pháp luật… Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp với ngành Tư pháp và các ban, ngành liên quan đã tổ chức 40 buổi sinh hoạt Ngày Pháp luật, với nội dung và chủ đề sinh hoạt ngày càng phong phú và đã đi vào nề nếp. Nhờ vậy, các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời; cán bộ các cấp Hội và hội viên, nông dân đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của ngày pháp luật, thông qua đó có ý thức, tinh thần để sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật; nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công vụ.
Ngoài các hình thức như tổ chức hội nghị, trao đổi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp Hội còn phối hợp với chính quyền địa phương đa dạng và đổi mới hình thức tuyên truyền như thông qua các Câu lạc bộ pháp luật, tổ tư vấn pháp luật, qua phiên tòa xét xử lưu động, các phong trào hoạt động của địa phương... Nội dung trao đổi cụ thể theo hướng tăng cường đối thoại, thảo luận, giải đáp những yêu cầu từ phía người được tuyên truyền, giúp họ hiểu sâu hơn vấn đề vướng mắc, cần giải đáp. Đồng thời, Hội các cấp còn lồng ghép nội dung phổ biến giáo dục pháp luật với các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, năm An toàn giao thông...
Với nhiều hình thức và nội dung tuyên truyền đa dạng đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình đã được Hội ND các cấp xây dựng như: Đoạn đường nông dân tự quản ở nông thôn của xã Đức Phong (huyện Mộ Đức); Mô hình điểm sáng vùng biên tại 02 xã vùng ven biển xã Đức Minh (huyện Mộ Đức) và xã Phổ Quang (thị xã Đức Phổ), tích cực vận động ngư dân bám biển sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, phòng chống các tệ nạn xã hội, mô hình thành Tổ vận động hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình cộng đồng; Tổ tuyên truyền xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tương trợ, giúp đỡ hội viên tại huyện Ba Tơ và Minh Long; Mô hình “Nông dân với bảo vệ môi trường”, “Nông dân với cánh đồng xanh, sạch đẹp” , “Nông dân nói không với thuốc diệt cỏ cháy…” tại các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành...
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết
Mặc dù Hội ND tỉnh đã đã có nhiều cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo Hội ND các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ, cần thực hiện những giải pháp có hiệu quả để giúp đỡ được nhiều hội viên nông dân hơn.
Theo ông Trần Ngọc Vinh, hiện nay công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân ở các cấp Hội chưa thường xuyên, thông tin pháp luật đến với người nông dân chưa đầy đủ, nhất là tại các địa phương, khu dân cư vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, sự hiểu biết pháp luật của cán bộ chi, tổ hội nông dân và cán bộ khu dân cư một số nơi còn yếu, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, công tác tham mưu đề xuất cho cấp ủy, chính quyền của một số cơ sở Hội còn hạn chế, chưa chủ động tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan trong công tác tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vẫn chưa đến được với hội viên, nông dân.
Hàng năm Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng dự toán trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo quy định. Tuy nhiên, kinh phí hàng năm cấp cho Hội Nông dân tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế và việc bố trí kinh phí năm sau lại giảm hơn năm trước (giảm dần theo từng năm). Chính vì vậy, hoạt động tuyên truyền chưa được thường xuyên, liên tục, thậm chí còn phải thông qua việc lồng ghép với các hoạt động của Hội.
Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương một số nơi chưa thật sự quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nhân dân.
”Trong thời gian tới, Hội ND tỉnh Quảng Ngãi mong muốn được UBND các cấp quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với cấp Hội Nông dân thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nhân dân, hàng năm cân đối, bố trí kinh phí cấp cho Hội Nông dân để thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nông dân. Đồng thời, Hội ND các cấp cần mở rộng các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Biên soạn tờ gấp về các lĩnh vực pháp luật cần thiết, phù hợp với nông dân để tuyên truyền vận động nông dân thực hiện đúng pháp luật" – ông Trần Ngọc Vinh cho biết thêm.