Nông thôn mới

Cây đa, bến nước, sân đình giờ chỉ còn trong tiềm thức

23:21 17/07/2017 GMT+7

Nhắc tới  “cây đa, bến nước, sân đình” chúng ta có thể liên tưởng đến nét đặc trưng của làng quê Việt Nam, nơi chốn dấu tuổi thơ mỗi người .Tuy nhiên, vòng quay của thời gian và sự phát triển của thời đại đã làm mất dần đi những đặc trưng ấy. Bây giờ trở về làng quê tôi không còn nhìn thấy hình ảnh quen thuộc đó nữa.

Không còn nhìn thấy các mẹ, các chị tụ tập ở giếng nước đầu làng giặt quần áo, rửa rau, vo gạo… Không còn nhìn thấy bọn trẻ con đang í ới trên các cành cây, không được nhìn thấy các cụ già ngồi hóng mát bên cây đa cổ thụ sừng sững, hiên ngang ở đầu làng. Thay vào đó là những ngôi nhà tầng khang trang, là các con kênh được đậy nắp cống kín mít, là tiếng ồn ào của xe máy, ô tô… Một sự nuối tiếc muốn tìm về miền quê bình dị với cây đa, giếng nước nơi làng quê tôi ngày ấy.

Hồi tưởng lại nét đẹp truyền thống xưa

Ngày tôi còn nhỏ, cả làng có một cái giếng dùng chung. Chiều chiều các bà các mẹ tay thì rổ rau, tay thì xách xô cùng với hai ba đứa con thơ đi đằng sau theo mẹ ra giếng nước. Tiếng các mẹ nói chuyện, tiếng trẻ con đùa nhau í ới, tiếng nước đổ vào xô, vào chậu, tiếng rửa rau vo gạo… tạo nên những âm thanh đặc trưng, quen thuộc vang lên trong không gian yên bình, trong tiếng gió thổi hiu hiu. Ngày ấy tôi thường gọi là giếng nước Thạch Sanh bởi cả làng dùng cả năm không hết nước. Nước lúc nào cũng trong vắt, mát dịu.

Theo thời gian, biết bao hình ảnh đẹp về cây đa, giếng làng chỉ còn trong ký ức.

Những buổi trưa hè nóng bức bọn trẻ con rủ nhau ra cây đa trước làng, chúng trèo lên trên các nhánh cây tán chuyện với nhau. Mấy cụ già ngồi dưới tay cầm quạt nan phe phẩy nhìn rất tao nhã. Những nhánh cây to bao trùm hết một góc làng quê yên ả, bên cạnh lại là dòng sông nước chảy hiền hòa, thơ mộng. Những ngày ấy tôi thường cùng lũ bạn chơi trò mạo hiểm khi đu từ trên cành cây xuống dưới lòng sông để chơi trò tạt nước. Đối với người dân quê tôi ngày ấy cây đa được xem như biểu tượng thiêng liêng, gần gũi, thành kính. Mọi người thường gọi là “thần cây đa” nên từ trong sâu thẳm tâm can của con người luôn dành cho nó một sự ưu ái, trân trọng và giữ gìn.Mỗi lần ai đó đi xa về đều dừng chân ở đầu làng ghé vào giếng nước rửa chân tay, mặt mũi rồi mới về nhà. Có người đi xa về ngồi dưới gốc đa rất lâu, nhìn ra cánh đồng phía trước hóng mát trong cảnh làng quê bình dị mà thấy lòng thanh thản. Cây đa làng tôi ngày ấy nằm ngay ở trục đường lưu thông của người dân các vùng lân cận nên có người xa lạ đi buôn, đi gặt lúa hay đi chơi vào những ngày nóng bức đều dừng chân lại gốc đa nghỉ mát. Đối với tôi những điều giản dị ấy cũng đủ vẽ nên một bức tranh làng quê tuyệt đẹp.

Văn hóa phát triển theo thời đại

Ngày nay cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hầu hết ở các làng quê không còn cây đa, giếng nước. Làng tôi cũng vậy, bây giờ về tới đầu làng tôi bắt đầu cảm thấy một luồng không khí nóng bức, khó chịu từ tiếng máy nổ, từ các thiết bị máy móc phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp mang lại. Mọi người chỉ kịp dơ tay chào hỏi nhau vội vàng mà không kịp dừng chân, tay bắt, mặt mừng như ngày xa xưa ấy. Đi sâu vào làng không còn không gian yên bình, không khí trong lành mà là tiếng ồn ào, náo nhiệt của thời đại công nghệ. Cây đa đã bị đốn bỏ, giếng nước bị lấp vùi, sân đình được thay bằng làng văn hóa khang trang, hiện đại hơn. Tất cả chỉ còn là ký ức hồi tưởng trong tâm can những người con của làng.Dù làng quê có thay đổi, xã hội có phát triển. Con người có chí hướng vươn ra thế giới bên ngoài để phát triển mình nhiều hơn. Nhưng những gì là nét đẹp của hồn quê Việt Nam vẫn còn lưu giữ mãi trong tâm hồn mỗi chúng ta. Tuy cây đa, giếng nước của làng tôi không còn nhưng tôi vẫn mỉm cười hạnh phúc. Bởi người dân quê tôi được dùng nước tại gia đình mà không phải tay xô, tay xách đi ra tận đầu làng. Được dùng quạt điện, điều hòa vào những ngày nóng bức. Bọn trẻ con được ăn no, mặc đẹp… Tôi cũng tin rằng qua những sách báo, tranh vẽ về làng quê Việt ngày xa xưa, những thế hệ sau sẽ mãi còn lưu giữ những nét đẹp tao nhã, hiền hòa đến thiêng liêng của làng quê cũ với “cây đa, bến nước, sân đình”.

Tiểu Mẫn

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác