Công tác Hội

Cán bộ Hội Nông dân tham quan, học tập mô hình phát triển du lịch đặc sắc

Hoàng Tính - 17:16 01/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthomoi.vn) - Nhằm hỗ trợ cho Hội Nông dân cụm thi đua số 01 của Hội Nông dân Việt Nam về phát triển du lịch, sáng ngày 01/7/2024, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân 14 tỉnh thành trong cụm thi đua số 1 (Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn) đã đi tham quan, học tập mô hình du lịch tại Thái Nguyên.

Về phía Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân cùng lãnh đạo Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Hồi Núi Cốc với 89 hòn đảo lớn nhỏ

Về phía các tỉnh, thành có Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân và lãnh đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc Hội Nông dân 14 tỉnh, thành.

Đoàn đã đến thăm quan và học tập kinh nghiệm phát triển du lịch ở  Khu du lịch hồ Núi Cốc và Khu du lịch sinh thái Thái Hải. Đây là 02 điểm du lịch rất đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên.

Tại điển Khu du lịch hồ Núi Cốc Thái Nguyên, du khách sẽ có khoảng 02h00 du lịch bằng thuyền máy để cảm nhận được vẻ đẹp non nước hữu tình của nơi đây. Hồ Núi Cốc được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ của Thái Nguyên.

Điểm dừng nghỉ Đảo Văn Hóa 

Khu du lịch hồ Núi Cốc là địa điểm du lịch hấp dẫn tại tỉnh Thái Nguyên, nơi đây sở hữu một hồ nước nhân tạo siêu rộng lên đến 25km², gồm đến 89 hòn đảo lớn nhỏ kết hợp với nhiên nhiên non nước hữu tình đã tạo nên một khu nghỉ dưỡng cực kỳ tuyệt vời.

Hồ Núi Cốc được tạo nên sau khi đập ngăn sông Công được xây dựng trong các năm 1973 đến 1982. Hồ có độ sâu 35m, hồ được tạo ra nhằm các mục đích: Cung cấp nước tưới cho nông nghiệp (Bắc Giang, Thái Nguyên); cung cấp nước cho công nghiệp (Thái Nguyên); giảm nhẹ lũ hạ lưu sông Cầu; đáp ứng dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và nuôi cá; cải thiện môi trường…

Khu du lịch Hồ Núi Cốc với nhiều điểm du lịch đặc sắc

Còn tại Khu du lịch sinh thái Thái Hải ở xã Thịnh Đức (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) là khu bảo tồn theo dạng nhà sàn đậm nét văn hóa các đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên và tận hưởng cuộc sống tại một ốc đảo xanh giữa lòng thành phố.

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải là tên đầy đủ của khu du lịch Thái Nguyên này. Với quy mô lên đến 25ha, tại đây có 30 ngôi nhà sàn với tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Điều đặc biệt là các ngôi nhà sàn ở đây đều được chuyển từ khu ATK Định Hóa (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên).

Cảm giác đầu tiên khi đến khu du lịch Thái Hải là có thể chìm đắm trong thiên nhiên tươi xanh vào hòa mình vào cuộc sống của những con người mộc mạc trong sắc phục áo chàm và sống hồn hậu như cây cỏ.

Làng nhà sàn được chia làm nhiều khu vực, gồm có: Khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện…

Nét đẹp truyền thống rửa tay trước khi vào Làng sinh thái Thái Hải

Khu lưu trú của làng là các nhà sàn truyền thống biệt lập xen kẽ giữa những khu rừng bản địa, không gian thoáng mát, dễ chịu với đầy đủ các trang thiết bị, tiện nghi phục vụ cho lưu trú

Về phát huy giá trị thông qua phục vụ khách du lịch, bản làng có 3 sản phẩm chủ lực là: kiến trúc nhà sàn, ẩm thực và văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Văn hóa vật thể có 30 nếp nhà sàn cổ; các đồ dùng, vật dụng trong nhà như cối xay thóc, cối giã gạo dùng nước; mâm ăn cơm bằng gỗ; rổ rá, chậng, bồ đan bằng tre, nứa để đựng đồ đạc.

Đánh mõ báo hiệu có khách quý đến Làng Thái Hải

Cùng đó là trang phục truyền thống được bà con mặc, mang mỗi ngày. Rồi thuốc nam chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe và các loại ẩm thực như: bánh chưng, bánh gai, chè lam, thịt treo gác bếp và rượu men lá trưng cất theo phương pháp truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa (đừng hàng đầu bên trái) - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân cùng lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh thành

Về văn hóa phi vật thể được bản làng cực kỳ coi trọng. Đặc biệt là ngôn ngữ. Mọi công dân của bản làng nói chuyện, giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc; hằng ngày cùng tập luyện, trao truyền hát Then, đàn Tính; từng gia đình thực hiện gìn giữ tôn ti trật tự, nếp sống truyền thống gia đình. Đặc biệt là nét đẹp văn hóa tâm linh tín ngưỡng như: Lễ hội Lồng tồng, lễ mừng thọ, cúng mụ và các nghi thức thờ cúng tổ tiên được duy trì theo phong tục.

Không gian thoáng mát ở Thái Hải
Ngôi nhà truyền thống của người Tày
Nét văn hóa truyền thống đàn tính
Thăm quan Bản Làng Thái Hải nơi có nhiều cách làm du lịch đặc sắc

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác