Bộ Tài chính: Giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm
Bộ Tài chính cho biết tiến độ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương còn chậm, do vậy Bộ đang thực hiện nhiều giải pháp, có các văn bản kịp thời trả lời, hướng dẫn các vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền để đẩy mạnh tiến độ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu các chủ chương trình mục tiêu quốc gia/dự án/tiểu dự án thành phần (Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...), cơ quan chủ trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Bộ Tài chính cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục thanh toán; đồng thời, tăng cường kiểm tra để tìm ra nguyên nhân việc thực hiện và giải ngân chậm ở từng dự án.
Các địa phương rà soát và quyết định điều chuyển vốn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền để điều chuyển kế hoạch vốn của những dự án không có khả năng thực hiện được cho các dự án có khả năng thực hiện để phấn đấu giải ngân hết kế hoạch được giao.
Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 27.220 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (bao gồm 26.400 tỷ đồng vốn trong nước và 820 tỷ đồng vốn nước ngoài) cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng 5/2024 là 6.893,9 tỷ đồng, đạt 25,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong số đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giải ngân khoảng 2.247 tỷ đồng, đạt 29%; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 3.428 tỷ đồng, đạt 25%; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 1.165 tỷ đồng, đạt 22%.
Ước đến hết tháng 6/2024, nguồn vốn này giải ngân được 9.644,6 tỷ đồng, đạt 35,43% kế hoạch.
Một số tỉnh, thành phố đã cải thiện đáng kể tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này, trong đó có 15 tỉnh lũy kế giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng 5/2024 đạt tỷ lệ từ 30% trở lên như Hậu Giang (74%), Ninh Thuận (55%), Vĩnh Long (45%), Yên Bái (45%), An Giang (41%), Bạc Liêu (41%), Thanh Hóa (41%), Lâm Đồng (41%), Sơn La (37%), Lai Châu (35%), Sóc Trăng (34%), Bến Tre (34%), Tây Ninh (33%), Trà Vinh (32%), Kon Tum (30%).
Tuy nhiên vẫn còn đến 6 địa phương cho đến hết tháng 5 vừa qua đạt tỷ lệ giải ngân dưới 10% là Cà Mau (0%), Bình Phước (2%), Hòa Bình (3%), Nam Định (5%), Hà Tĩnh (7%), Phú Yên (9%).
Đặc biệt, tỉnh Bình Phước cho đến nay chưa phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Về nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến hết tháng 5/2024 giải ngân được 1.002 tỷ đồng, đạt 5% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (20.170 tỷ đồng).
Trong số đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giải ngân được 125 tỷ đồng (đạt 7%), chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giải ngân được 411 tỷ đồng (đạt 6%), chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân được 467 tỷ đồng (đạt 4%).
Hiện nay, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị sử dụng vốn chương trình mục tiêu quốc gia báo cáo số liệu giải ngân vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chi tiết theo chương trình, dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.
Tài chính đề nghị các đơn vị, địa phương báo cáo số liệu chi tiết theo dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của từng chương trình mục tiêu quốc gia./.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục tự tin cán mốc 10 tỷ USD
- Lễ hội “Đặc sản Việt cho Tết Việt”: Nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống xưa
- Nghiên cứu đề xuất giảm 4 cơ quan Đảng thuộc Trung ương, 5 bộ và 2 cơ quan thuộc Chính phủ, 4 uỷ ban của Quốc hội
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW