Huyện Yên Lạc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Huyện Yên Lạc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023
Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức họp, bỏ phiếu đề nghị xét công nhận huyện Yên Lạc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Các đại biểu đã thảo luận và nhất trí với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao huyện Yên Lạc đã thực hiện. Đồng thời, các đại biểu tiến hành bỏ phiếu thống nhất đề nghị xét công nhận huyện Yên Lạc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với tỷ lệ phiếu nhất trí đạt 100%.
Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, đến nay hyện Yên Lạc bảo đảm các điều kiện và đạt chuẩn 08/09 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Cụ thể, gồm các tiêu chí: Quy hoạch; Giao thông; Kinh tế; Môi trường; Thủy lợi và phòng chống thiên tai; điện; Y tế - Văn hóa - Giáo dục; An ninh, Trật tự - Hành chính công theo Quyết định số 320 ngày 08/3/2022, của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Vũ Việt Văn - Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị huyện Yên Lạc tiếp tục khắc phục tồn tại, hạn chế của các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao đã được các sở, ngành phụ trách tiêu chí kiến nghị, đề xuất trong quá trình thẩm tra. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cấp nước tập trung cho các xã trên địa bàn, sớm hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung theo quy định.
Phối hợp với Cục Thống kê tỉnh đẩy nhanh tiến độ đánh giá chỉ tiêu thu nhâp bình quân/hộ năm 2024, để đề nghị xét công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024, đối với xã Liên Châu và xã Nguyệt Đức. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ cấp tỉnh theo quy định đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, xét công nhận huyện Yên Lạc đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Huyện Yên Lạc có 17 đơn vị hành chính, 83 làng truyền thống, 125 thôn dân cư, 29 tổ dân phố. Nhân dân Yên Lạc luôn đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, do đó những năm qua huyện đã có nhiều bước tiến mới và vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là xây dựng được các vùng, sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Đến nay, huyện đang từng bước hình thành, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh.
Với nhiều phương pháp, cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, huyện Yên Lạc đang dẫn đầu tỉnh Vĩnh Phúc về xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến hết tháng 4/2024, huyện Yên Lạc có 9/15 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 74/125 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; 01 xã đạt tiêu chí xã thông minh; 4 thôn đạt tiêu chí thôn thông minh; 125/125 thôn văn hóa, 17/17 xã, thị trấn có thiết chế văn hóa xã, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 86%, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí nông thôn mới giảm còn 0,62%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 72 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh đó, huyện Yên Lạc đang tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu hết năm 2024, huyện có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 88/125 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 xã đạt chuẩn xã thông minh; thị trấn Tam Hồng và thị trấn Yên Lạc đạt chuẩn đô thị văn minh. Đến năm 2030, trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nâng cấp đô thị đạt loại IV, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, sinh hoạt của cư dân nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với giảm nghèo
Ban Chỉ đạo, UBND huyện Yên Lạc xác định đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Quá trình triển khai, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Yên Lạc luôn đẩy mạnh tuyên tryền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện các chương trình giảm nghèo của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh.
Hàng năm, các xã, thị trấn đều tổ chức khảo sát, phân tích thực trạng, nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo tại địa phương và các lĩnh vực có ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo, từ đó đề ra những giải pháp nhằm thực hiện tốt chương trình, kế hoạch giảm nghèo.
Từ kế quả điều tra, rà soát hộ nghèo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các đoàn thể, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo của địa phương, đơn vị mình.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã được thụ hưởng các chính sách, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội, từ đó vươn lên thoát nghèo. Số hộ nghèo và cận trên địa bàn huyện Yên Lạc đều giảm. Cụ thể, năm 2021, số hộ nghèo là 720 hộ (chiếm 1,6%), đến cuối năm 2023, còn 258 hộ (chiếm 0,56%). Số hộ cận nghèo là 1.196 hộ (chiếm 2,66%) cuối năm 2021, đến cuối năm 2023 còn 650 hộ (chiếm 1,44%).
Đặc biệt, huyện Yên Lạc không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Điều này là do huyện quản lý và sử dụng nguồn vốn đúng nguyên tắc, đảm bảo hiệu quả, thiết thực; quy trình phân bổ vốn hợp lý. Những năm qua, huyện Yên Lạc là điểm sáng trong công tác giảm nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc. Huyện tập trung triển khai hiệu quả nguồn vốn chính sách ưu đãi nhằm tạo sinh kế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Thời gian tới, huyện Yên Lạc tiếp tục thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách đối với người dân. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho người dân được vay vốn; Tiếp tục hỗ trợ người lao động có nguồn vốn để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.