Chế tài xử lý ngư dân vi phạm ở vùng biển đảo
Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật SBLAW) giải đáp như sau: Ngày 12 tháng 11 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số:
162/2013/NĐ-CP “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, trong đó có nêu những hành vi vi phạm và chế tài xử lý hành vi vi phạm tương ứng. Theo đó, không chỉ ngư dân mà bất kỳ tàu thuyền nào hoạt động trên vùng biển đảo của Việt Nam có hành vi vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy nếu ngư dân Việt Nam có hành vi vi phạm nêu trong Nghị định này thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định này.
Như luật sư nói trên thì hành vi vi phạm ở biển, đảo gồm những hành vi nào?
Có nhiều hành vi vi phạm như: Vi phạm các quy định về hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại; Vi phạm quy định về an toàn sinh mạng trên tàu biển; Vi phạm quy định về vận chuyển, mua bán, trao đổi, sang mạn hàng hóa trái phép trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Vi phạm quy định về an toàn sinh mạng trên tàu biển; Vi phạm quy định bảo đảm an toàn hàng hải; Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường biển do tàu thuyền gây ra… theo khoản 2, Điều 1, Nghị định trên thì các hành vi vi phạm đó được chia thành 3 nhóm sau:
1. Vi phạm các quy định về quản lý vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
2. Vi phạm các quy định về hàng hải ngoài vùng nước cảng biển;
3. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển.
Luật sư có thể nêu một số hành vi vi phạm hay gặp của ngư dân và chế tài xử lý hành vi vi phạm đó ra sao?
Nhìn chung ngư dân của chúng ta chấp hành tốt quy định của pháp luật; ngư dân là những “cột mốc sống” trên biển, có đóng góp rất quan trọng trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động trên biển, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, vẫn xảy ra một số trường hợp vi phạm cần phải được xử lý. Có những việc tưởng chừng đơn giản nhưng do sơ xuất hoặc chủ quan mà dẫn đến đến vi phạm pháp luật. Đơn cử như vi phạm quy định về treo Quốc kỳ Việt Nam, Điều 7, Nghị định nêu trên quy định như sau:
“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không treo Quốc kỳ Việt Nam hoặc treo Quốc kỳ Việt Nam không đúng quy định của tàu thuyền Việt Nam’’. Ngoài ra, trong trường hợp này, các tàu vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc treo Quốc kỳ Việt Nam theo đúng quy định.
Để nắm được đầy đủ các hành vi vi phạm và chế tài xử lý vi phạm đó, các bạn tham khảo Nghị định trên.
Ngư dân trên biển sẽ có nguy cơ gặp rủi ro cao nếu như không đảm bảo an toàn cháy, nổ. Chỉ một chút sơ sẩy có thể đe dọa đến tính mạng. Để đảm bảo an toàn, pháp luật có đưa ra biện pháp răn đe nào?
Điều 19, Nghị định trên quy định việc xử lý vi phạm quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ đối với tàu biển như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
+ Không có các dấu hiệu cảnh báo hoặc chỉ dẫn cần thiết ở những nơi dễ cháy, dễ nổ;
+ Không có sơ đồ hệ thống cứu hỏa, bảng phân công cứu hỏa hoặc bảng chỉ dẫn thao tác ở những vị trí trên tàu theo quy định;
+ Trang thiết bị cứu hỏa đặt không đúng vị trí quy định trên tàu thuyền.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
+ Không trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ theo quy định;
+ Trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ không sử dụng được;
+ Không có kế hoạch ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp;
+ Trang thiết bị cứu hỏa không ở trạng thái sẵn sàng hoạt động theo quy định;
+ Sử dụng phương tiện chuyên dùng chữa cháy vào mục đích khác;
+ Chở chất dễ gây cháy, nổ cùng với hành khách.
Ô nhiễm môi trường trên biển đang là vấn nạn, cũng không ít trường hợp tàu thuyền của ngư dân xả chất thải ra biển, hành vi đó bị xử lý ra sao?
Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường biển do tàu thuyền gây ra bị xử lý theo Điều 25, Nghị định trên, theo đó:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không ghi nhật ký dầu, nhật ký bơm nước la canh buồng máy, nhật ký đổ thải theo quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có đủ trang thiết bị phân ly dầu nước theo quy định hoặc có trang thiết bị nhưng không sử dụng được;
b) Để rò rỉ nước thải có lẫn dầu từ trên tàu xuống biển.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có kế hoạch ứng phó sự cố dầu tràn; kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu, ô nhiễm hóa chất theo quy định;
b) Không có giấy chứng nhận theo quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu gây ra.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi xả, thải nước có lẫn dầu hoặc hợp chất có lẫn dầu không theo đúng các quy định.
5. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi xả, thải chất thải có lẫn dầu hoặc các loại chất độc hại không theo đúng các quy định.
6. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường đối với các hành vi vi phạm tại Điểm b Khoản 2; Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.”
Trong trường hợp có sự cố trên biển mà cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tàu của ngư dân tham gia tìm kiếm cứu nạn, nhưng họ lại từ chối thì có bị xử lý?
Tham gia tìm kiếm, cứu nạn không chỉ là lương tâm mà còn là nghĩa vụ của ngư dân. Người từ chối yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để tìm kiếm, cứu nạn sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 22, Nghị định trên. Cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
+ Không thực hiện nghĩa vụ theo quy định về tìm kiếm, cứu nạn hàng hải;
+ Thực hiện chậm trễ lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền để tìm kiếm, cứu nạn theo quy định.
- Đối với hành vi không thực hiện lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền để tìm kiếm, cứu nạn theo quy định sẽ bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 500 GT;
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 500 GT đến dưới 3.000 GT;
+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên.
- Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.
Cảm ơn luật sư!
Lê Chiên (thực hiện)