Chìa khoá để phát triển nông nghiệp thông minh
Ông Nguyễn Thái Hà - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới điện tử về vấn đề này.
Để triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh, Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng đã có những tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh Cao Bằng để triển khai chương trình như thế nào, thưa ông?
Hiện nay Cao Bằng đang xây dựng các Nghị quyết, Đề án quan trọng về Chuyển đổi số chung của tỉnh (đang trong quá trình dự thảo và xem xét ban hành) như: Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án của UBND tỉnh về “Chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và nội dung chuyển đổi số trong trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh cũng được xác định trong các Nghị quyết, Đề án này.
Giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN&PTNT đã tham mưu Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Cao Bằng đã đăng ký 4 Mô hình thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh.
Trong đó, có 3 mô hình do địa phương chỉ đạo thực hiện gồm: Mô hình Du lịch cộng đồng Lũng Sâu, xóm Đâu Cọ, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa. Mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp tại xóm Đông Giang 2, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An và Mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh; 1 Mô hình do Trung ương chỉ đạo thực hiện là Mô hình xã Hưng Đạo (Thành phố Cao Bằng) xây dựng nông thôn mới thông minh.
Ông đánh giá như thế nào về những lợi thế chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiêp và xây dựng NTM của tỉnh Cao Bằng?
Thời gian qua Cao Bằng đã chủ động, sáng tạo trong thực hiện cơ chế chính sách của Trung ương trong việc bố trí nguồn lực, đồng thời lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm và đẩy mạnh các phong trào thi đua, đã có được nhiều kết quả nổi bật:
Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư nâng cấp, đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội.
Sản xuất nông - lâm nghiệp tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ổn định, từng bước mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa, năng suất chất lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 40 triệu đồng/ha; ngành Nông nghiệp có sự tăng trưởng đều qua các năm, trung bình hàng năm tăng trưởng 2,22%.
Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 5,39 triệu đồng năm 2008 lên 17 triệu đồng năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%/năm. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 17 xã đạt chuẩn NTM chiếm 12,2% tổng số xã; có 6 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 52 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 64 xã đạt 5 - 9 tiêu chí; không có xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân tiêu chí đạt 11,07 tiêu chí/xã.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và truyền thông cũng đã phát triển nhanh chóng, cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ an ninh - quốc phòng, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa của nhân dân.
Sản xuất nông nghiệp đã từng bước áp dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử cũng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ở một số công đoạn. Số người dân trên địa bàn tỉnh có smartphone là 325.830.000/530.430.000 người dân (61,4%) sử dụng truy cập inernet. Tỉnh đã cơ bản phủ sóng di động (3G, 4G), chỉ còn 148 thôn, bản (vùng sâu, vùng xa) chưa được phủ sóng di động (một số điểm có sóng nhưng chưa ổn định).
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Cao Bằng sẽ lựa chọn những thế mạnh nào để triển khai, thưa ông?
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt về Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 2769/KH-UBND ngày 10/11/2020 về Chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xác định các nội dung, nhiệm vụ chung về chuyển đổi số của tỉnh, trong đó xác định một số lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, lĩnh vực nông nghiệp ưu tiên các lĩnh vực sau:
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi… Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.
Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.
Hướng tới xây dựng NTM thông minh, tỉnh Cao Bằng sẽ chuyển đổi số ra sao?
Hướng tới xây dựng NTM thông minh tỉnh sẽ tập trung nâng cao hệ thống quản lý, giám sát Chương trình MTQG xây dựng NTM được xây dựng đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số (quản lý, giám sát, đánh giá và công nhận NTM, sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), du lịch nông thôn…) cụ thể như sau:
Trang bị cho đội ngũ cán bộ quản lý có đủ năng lực ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng NTM thông minh, phấn đấu các xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM;
Các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững thông qua các ứng dụng công nghệ số, các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu và các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm tại nông thôn được số hóa.
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý trực tuyến về du lịch cộng đồng; các chủ thể OCOP áp dụng thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP; hoàn thành: hệ thống trực tuyến cung cấp các dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa); hệ thống trực tuyến lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng NTM và chính quyền địa phương.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Xuân (thực hiện)
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới