Tư vấn pháp luật

Chính sách của Nhà nước trong việc bảo vệ rừng, phát triển rừng

07:24 27/06/2024 GMT+7
(Tapchoinongthonmoi.vn) - Đây là một trong những quy định mới tại Nghị định 58/2024/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 24/5/2024 về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó quy định mức hỗ trợ bảo vệ rừng , phát triển rừng… cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Nghị định này có này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2024.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định này, nhiều bạn đọc đã đề nghị thông tin chi tiết những chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo vệ rừng, phát triển rừng… Sau đây chúng tôi xin trích đăng một số câu hỏi đó và giải đáp của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai (Giảng viên Học viện Tư pháp).
Chính sách bảo vệ rừng:

Ảnh minh họa.

Bạn đọc H’Bang (Đắk Nông): Hôm rồi tôi nghe đài được biết Nhà nước có chính sách khoán mới cho người dân bảo vệ rừng. Đề nghị cho biết cụ thể chính sách khoán đó thế nào?

Đúng như bạn biết, ngày 24/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó có quy định mức hỗ trợ bảo vệ rừng. Theo đó, mức kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng mức bình quân 500.000 đồng/ha/năm. Cụ thể như sau:

Đối với rừng đặc dụng: Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 5 Nghị định trên thì Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư bình quân 500.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng được giao. 
(Theo quy định tại khoản 24 Điều 2 Luật Lâm nghiệp thì: “Cộng đồng dân cư bao gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, điểm dân cư tương tự và có cùng phong tục, tập quán”).

Kinh phí bảo vệ rừng đối với xã khu vực II, III bằng 1,2 lần mức bình quân, vùng đất ven biển bằng 1,5 lần mức bình quân (theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 5, Nghị định trên)

Đối với rừng phòng hộ: Chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ cũng như đối với rừng đặc dụng. Chỉ khác về đối tượng thụ hưởng. Ngoài cộng đồng dân cư còn thêm hai đối tượng là: Hộ gia đình, cá nhân (theo quy định tại điểm d, khoản 1, và điểm c, đ khoản 2, Điều 9 Nghị định trên).

Đối với rừng sản xuất: Nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng. Đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ như đối với rừng phòng hộ. (theo quy định tại điểm d, khoản 1, và điểm b, c, khoản 2, Điều 12 Nghị định trên). 
Trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng

Bạn đọc Lù Văn Tuoi (Điện Biên): Nghe nói tới đây Nhà nước trợ cấp gạo cho người bảo vệ rừng. Tôi muốn được biết cụ thể quy định này?

Thông tin bạn biết là chính xác, Điều 21. Nghị định 58/2024/NĐ-CP  có quy định việc “Trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng”. Cụ thể như sau:

Về đối tượng và nội dung trợ cấp: Hộ gia đình nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại xã khu vực II và III thực hiện bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng để thay đổi tập quán du canh du cư, thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy và đối tượng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Mức trợ cấp, 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đối tượng được trợ cấp, mức trợ cấp, hình thức trợ cấp cụ thể theo diện tích, số khẩu phù hợp với thực tế của địa phương và thời gian trợ cấp nhưng tối đa 7 năm, đảm bảo các nguyên tắc sau:

Mức trợ cấp gạo cho hộ gia đình thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy trong năm căn cứ vào diện tích trồng rừng thực tế và thời gian chưa tự túc được lương thực không quá 6 tháng nhưng tối đa không quá 450kg/năm;

Mức gạo trợ cấp cho hộ gia đình thực hiện bảo vệ và phát triển rừng trong năm căn cứ vào diện tích thực hiện bảo vệ và phát triển rừng và trong thời gian chưa tự túc được lương thực không quá 4 tháng nhưng tối đa không quá 300 kg/năm;

Đối với hộ gia đình thực hiện tất cả hoạt động trồng rừng thay thế nương rẫy, hoạt động bảo vệ và phát triển rừng thì được hưởng theo mức trợ cấp cho hoạt động cao hơn;

Cách tính mức trợ cấp gạo cụ thể theo Mẫu số 08 Phụ lục kèm theo Nghị định này.

Các bạn lưu ý, để được hưởng chính sách trợ cấp gạo, các đối trên còn phải đảm bảo một trong các điều kiện quy định tại khoản 3, Điều 21, Nghị định này như: Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền hoặc đã sử dụng đất ổn định theo quy định của pháp luật về đất đai, không có tranh chấp; thực hiện bảo vệ rừng theo quy định… có hợp đồng khoán bảo vệ rừng theo quy định…

Hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ 

Bạn đọc Phạm Văn Hai (Cà Mau): Vừa qua nghe cán bộ Hội Nông dân xã nói, Nhà nước có chính sách mới để hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Hỏi chi tiết thì anh ấy cũng chưa nắm được vì anh ấy cũng chỉ mới được nghe phổ biến như thế. Đề nghị cho biết chính sách mới hỗ trợ người trồng rừng sản xuất ra sao? Mức hỗ trợ thế nào?

Điều 14, Nghị định 58/2024/NĐ-CP quy định chính sách “Hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ”. 

Đối tượng được thụ hưởng chính sách này gồm: Chủ rừng là hộ gia đình người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư đang sinh sống ổn định tại xã biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện trồng rừng sản xuất, trồng cây lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất được giao, được cho thuê thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất.

Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần bình quân 15.000.000 đồng/ha/chu kỳ để mua cây giống, vật tư, phân bón đối với trồng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng.

Hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm: 500.000 đồng/ha/4 năm (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc).

Hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế; chi phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu theo dự toán được duyệt.

Điều kiện được hỗ trợ: Có đất trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất hoặc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã sử dụng đất ổn định theo quy định của pháp luật về đất đai, không có tranh chấp; không hỗ trợ đầu tư cho các diện tích đã được nhà nước đầu tư hoặc đã dùng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; không hỗ trợ lặp lại trong một chương trình, dự án;

Cây giống để trồng rừng của chủ rừng phải có đủ hồ sơ theo quy định của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Hỗ trợ người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng

Bạn đọc Trần Thị Nga (Phú Thọ): Để tạo điều kiện giảm bớt khó khăn cho cư dân thuộc vùng đệm của các khu rừng đặc dụng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ thế nào?

Việc hỗ trợ kinh phí để phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng được quy định tại Điều 8, Nghị định 58/2024/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Đối tượng và mức hỗ trợ: Cộng đồng dân cư thuộc vùng đệm của khu rừng đặc dụng được hỗ trợ bình quân là 50 triệu đồng/cộng đồng dân cư/năm.

Nội dung hỗ trợ: Căn cứ vào nguồn kinh phí được hỗ trợ, cộng đồng dân cư xác định nội dung hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên sau:

Hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, giống cây trồng, giống vật nuôi; thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ;

Vật liệu xây dựng cho các công trình công cộng của cộng đồng dân cư như công trình nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn, nhà văn hóa và các công trình khác.

Tuy nhiên để được hỗ trợ thì cộng đồng dân cư phải đáp ứng các điều kiện sau:

Cộng đồng dân cư có quá trình bảo vệ rừng tốt, không để xảy ra các vụ vi phạm nghiêm trọng trong công tác bảo vệ rừng;

Có kế hoạch, dự toán được duyệt; có cam kết bảo vệ rừng với ban quản lý rừng đặc dụng;

Không trùng lặp nội dung hỗ trợ với dự án được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài những câu hỏi trên, còn rất nhiều câu hỏi khác liên quan đến chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước như: Đầu tư trồng rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên, làm giàu rừng đặc dụng; Đầu tư trồng rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên, làm giàu rừng phòng hộ… Để biết thông tin chi tiết, các bạn nghiên cứ Nghị định trên.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác