Đầu tư

Bạc Liêu: Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với doanh nghiệp

Nguyễn Vân - 08:04 06/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthomoi.vn) Ngày 5/10, tại tỉnh Bạc Liêu, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu lần thứ II năm 2023 theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, huyện ủy – UBND huyện và gần 140 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận, đánh giá cao vai trò quan trọng của doanh nghiệp đã đóng góp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong những năm gần đây, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề đến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã. Vì vậy, buổi đối thoại hôm nay nhằm tìm ra giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng của Trung ương, của Chính phủ về doanh nghiệp, phải coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của các cấp chính quyền, tập trung giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đề nghị các sở, ngành, địa phương cầu thị lắng nghe, trách nhiệm cơ quan nhà nước đến đâu sẽ trả lời đến đó, trả lời có trọng tâm trọng điểm, không né tránh, trả lời dứt điểm các thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp đặt ra. Các doanh nghiệp cứ thẳng thắn nêu các vấn đề vướng mắc và kiến nghị.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh phát  biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: ĐVCC

Tại buổi đối thoại, Công ty cổ phần Thực phẩm Jostoco kiến nghị xin thuê quyền sử dụng đất tại xã Tân Phong, thị xã Giá Rai để đầu tư dự án nhà máy chế biến thủy sản chất lượng cao nhưng không phù hợp kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất nên chưa được giải quyết. Nói về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng mục tiêu tỉnh đặt ra là đến năm 2025 xuất khẩu thủy sản đạt 2,5 tỷ USD, trong khi nếu không thể xây dựng thêm nhà máy chế biến mới thì không đạt được mục tiêu này. Vì vậy, ông Thiều đề nghị doanh nghiệp liên hệ với địa phương và các đơn vị liên quan để rà soát lại quy hoạch, trình UBND tỉnh cho ý kiến bổ sung, điều chỉnh quy hoạch thì mới triển khai được.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã đặt ra các câu hỏi trình bày khó khăn, vướng mắc đang tồn tại để cơ quan chức năng trả lời, cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn. Sau khi tiếp nhận những câu hỏi, kiến nghị của các doanh nghiệp, hợp tác xã, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã giải đáp trực tiếp các kiến nghị, tìm hướng giải quyết phù hợp, đúng pháp luật để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp, hợp tác xã; Chủ tịch UBND tỉnh đã trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề doanh nghiệp quan tâm.

Thay mặt Hiệp hội doanh nghiệp, ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu đánh giá cao sự hỗ trợ và chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo UBND các cấp trong tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất. Đồng thời, đánh giá cao việc Chủ tịch UBND tỉnh công bố đường dây nóng là kịp thời, thực tế đã có rất nhiều ý kiến, người dân, doanh nghiệp gọi đến phản ánh.

Các đại biểu tham dự đối thoại. Ảnh: ĐVCC

Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố đường dây nóng mang lại rất hiệu quả trong việc tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên nóng, dưới chưa nóng, nóng thì phải nóng cho đều, nên chăng Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh công bố đường dây nóng công khai.

Ghi nhận vấn đề này, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Khi công bố số điện thoại đường dây nóng, ông đã nhận được hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn của người dân và doanh nghiệp mỗi ngày. Các huyện công bố đường dây nóng là rất cần thiết, nhằm kịp thời tiếp nhận phản ánh, tổng hợp xử lý sát thực tế đời sống của người dân, doanh nghiệp ở địa bàn.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận, do quá nhiều phản ánh, nên không thể vừa nghe, vừa xử lý hết được. Có những vấn đề trả lời ngay, nhưng có những vấn đề không thể trả lời ngay được. Do đó, khi công bố số điện thoại đường dây nóng thì UBND các huyện, thị xã, thành phố công bố số điện thoại tiếp nhận giao cho văn phòng quản lý, tổng hợp ý kiến trình lãnh đạo xử lý, phản hồi trên tinh thần trách nhiệm cao. Thời gian tới, mong muốn người dân, doanh nghiệp mạnh dạn phản ánh cần cụ thể, rõ ràng như bức xúc về đất đai, đầu tư, xây dựng, cơ sở hạ tầng, chính sách… với mục tiêu góp phần phát triển của tỉnh.

Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều đề nghị các sở, ngành tiếp tục quyết liệt hơn, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hiệp hội, các câu lạc bộ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Đối với những kiến nghị của doanh nghiệp những khó khăn về mặt pháp lý, văn bản hành chính cấp trên phải kịp thời kiến nghị cấp trên để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, sau buổi đối thoại này, các vấn đề đặt ra của doanh nghiệp, tới đây các sở, ngành phải báo với doanh nghiệp đã giải quyết tới đâu, đạt bao nhiêu % cụ thể, còn bao nhiều chưa giải quyết, vấn đề nào chưa giải quyết và lý do gì? Thực hiện kiểu trên nóng dưới lạnh là không được.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác