Tiêu điểm

Khơi dậy tiềm năng cho nghề nuôi hàu

Ái Vân - 16:05 15/02/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều ngày 14/2, tại TP. HCM, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Công ty Cổ phần Yamanaka, Nhật Bản đã tổ chức Hội thảo với chủ đề Kỹ thuật nuôi hàu và Quản lý vệ sinh.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa hai bên "Khảo sát tính khả thi của việc áp dụng kỹ thuật nuôi hàu ăn sống và kỹ thuật quản lý vệ sinh nhằm chấn hưng ngành nuôi hàu ở Việt Nam, hướng tới hình thành dự án kinh doanh”, được thực hiện từ tháng 6/2022, để nghiên cứu tính khả thi liên quan đến chuyển giao công nghệ và xây dựng các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh trong ngành nuôi hàu, thuộc Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.

Tại Việt Nam, sẽ áp dụng tất cả các công nghệ, chất lượng nước, kết quả xét nghiệm vi sinh và kết quả nuôi thử nghiệm, các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và phương pháp quản lý vệ sinh ở tỉnh Miyagi, Nhật Bản, nơi nghề nuôi hàu đang phát triển mạnh. Các chuyên gia Nhật Bản từ các hiệp hội và công ty chuyên về thủy sản, quản lý vệ sinh, vi sinh… được mời đến để thảo luận về công nghệ nuôi hàu và quản lý vệ sinh tại Nhật Bản. Phiên thảo luận của Hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi liên quan đến phương pháp quản lý vệ sinh tại Nhật Bản, và biện pháp ứng dụng kỹ thuật nuôi hàu của tỉnh Miyagi vào môi trường tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, Ông Ihara Hidenori, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam chia sẻ: Tôi hy vọng rằng hội thảo này sẽ là cơ hội để lan tỏa kỹ thuật nuôi hàu có giá trị gia tăng và năng suất cao, giúp tăng thu nhập cho người dân nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam trong tương lai.

Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành nông, lâm và thủy sản Việt Nam. Trong đó, có nâng cao thu nhập của người nuôi trồng thủy sản thông qua phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua, lượng sản xuất và tiêu thụ hàu nội địa đều tăng.

Tuy nhiên, hàu của Việt Nam hiếm khi được xuất khẩu và vẫn đang gặp những vấn đề như năng suất thấp, chưa có cơ sở hạ tầng nuôi hàu có khả năng chống chọi với thiên tai và có thể sản xuất hàu chất lượng cao để ăn sống. Do đó, cần phải cải thiện công nghệ nuôi trồng thủy sản và phương pháp quản lý vệ sinh, tiếp thị và phát triển các kênh bán hàu.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Ái Vân

Công ty cổ phần Yamanaka là doanh nghiệp xuất khẩu hải sản, có trụ sở chính tại tỉnh Miyagi, Nhật Bản, nơi nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh. Năm 2019, công ty đã thành lập cơ sở tại Việt Nam và đang mở rộng hoạt động kinh doanh. Dự án này sử dụng các công nghệ của Công ty Yamanaka nhằm nâng cao nhận thức về kỹ thuật nuôi hàu và các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh ở Việt Nam, nâng cao năng suất và gia tăng giá trị của nghề nuôi hàu, xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản có khả năng chống chọi với thiên tai ở Việt Nam và nâng cao thu nhập của người dân nuôi hàu tại địa phương.

Ông Đinh Xuân Lập, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), cho biết: Nghề nuôi trồng thủy sản Việt Nam nói chung và nuôi nhuyễn thể nói riêng chuyển biến tích cực từ tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung hướng đến xuất khẩu. Sản phẩm nhuyễn thể của Việt Nam được xuất khẩu sang 50 thị trường trên thế giới; trong đó có một số thị trường chính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Australia...

Việt Nam có lợi thế với hơn 3.260km đường bờ biển với nhiều bãi cát và vùng sinh cảnh thuận lợi cho các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Với sản phẩm hàu, hiện nay cả nước có khoảng 3.200ha nuôi hàu, phân bổ rải rác ở 24 tỉnh, thành phố ven biển. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.

Hàu có thể chế biến thành nhiều loại sản phẩm như làm thực phẩm, thực phẩm chức năng, nước uống có giá trị cao. Lợi thế phát triển chuỗi giá trị hàu ở Việt Nam là có diện tích mặt nước lớn, Chính phủ và ngành thủy sản nên quan tâm phát triển nuôi biển, người nuôi năng động, tích cực.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng chương trình giám sát thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Sản phẩm hàu ngày càng được ưa chuộng và dùng trong các bữa ăn của các gia đình, nhà hàng ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ... tạo động lực để người nuôi hàu đầu tư phát triển.

Tiềm năng lớn nhưng hạn chế của Việt Nam là chưa thực sự có công nghệ nuôi tiên tiến, đảm bảo chất lượng thịt và chống chịu được thời tiết, khí hậu. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nguồn hàu bố mẹ và nguồn giống tốt cho phát triển nuôi thương phẩm và phục vụ xuất khẩu. Việt Nam gặp khó khăn trong quản lý nguồn nước phát triển nuôi hàu sạch do môi trường hở, khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm ăn sống. Công nghệ chế biến sau thu hoạch chưa cao nên phần lớn sản phẩm hàu nuôi hiện nay phục vụ làm thức ăn cho chuỗi nuôi tôm hùm, chỉ một phần hàu thịt được dùng làm thực phẩm trực tiếp.

Thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển trong tương lai của ngành Nông nghiệp và Thủy sản Việt Nam, thông qua hỗ trợ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản có giá trị gia tăng cao và tăng cường chuỗi giá trị.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác