Có thể ngừng hoặc bãi bỏ hương ước, quy ước
Trước đó, ngày 8.5.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg “Về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước” - cũng là quy định việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, nhưng so với Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg (gọi tắt là quy định cũ) thì việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo Nghị định số 61/2023/NĐ-CP (gọi tắt là quy định mới) có gì mới? Điểm nhấn cốt lõi trong quy định mới là gì?...
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà (Giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này:
Lần đầu tiên, hương ước, quy ước (gọi tắt là hương ước) được luật hóa bằng Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg, ngày 19.6.1998 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay đã là lần thứ 3 quy định về việc xây dựng hương ước, quy ước cũ được thay thế và ở lần này quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước được ban hành dưới dạng Nghị định. So với những quy định cũ, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP có rất nhiều điểm mới: Hiệu lực pháp lý cao hơn; nội dung có nhiều điểm tiến bộ, những quy định trong Nghị định vừa mang tính phổ quát, vừa cụ thể, chặt chẽ hơn…
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà.
Theo tôi, sự tiến bộ lớn nhất của Nghị định mới là: Quy định về nội dung của hương ước rất cụ thể, toàn diện; phát huy cao độ tính dân chủ và quyền tự quyết của cộng đồng dân cư; quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện hương ước:…
Trong khi quy định cũ quy định về nội dung của hương ước chỉ nằm trong một Khoản (Khoản 1, Điều 5 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg), chủ yếu đề cập đến phong tục, tập quán với những quy định chung chung, mang tính nguyên tắc thì quy định mới dành một điều với 5 Khoản để quy định nội dung của hương ước (Điều 5, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP). Theo đó nội dung của hương ước không chỉ đề cập đến phong tục, tập quán mà còn liên quan đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội - an ninh. Và một điểm mới rất quan trọng là đề cập đến vấn đề thưởng phạt trong việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước …
Quy trình soạn thảo, công nhận, tạm ngừng thực hiện, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ hương ước được quy định rất chi tiết, rõ ràng, cụ thể. Đồng thời phát huy được quyền tự do, dân chủ của người dân trong việc xây dựng, quyết định nội dung, thực hiện hương ước…
Quy định rõ trách nhiệm của hộ gia đình, công dân cư trú; trách nhiệm của UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã; trách nhiệm của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước
Quy trình, trình tự, thủ tục soạn thảo đến công nhận hương ước, có gì khác so với quy định cũ, thưa Tiến sĩ?
Theo quy định mới, quy trình, trình tự thủ tục soạn thảo… công nhận hương ước phải thực hiện qua 5 bước: Đề xuất nội dung hương ước, quy ước; Soạn thảo nội dung hương ước, quy ước; Lấy ý kiến dự thảo hương ước, quy ước; Thông qua hương ước, quy ước; Công nhận hương ước, quy ước.
Như vậy so với quy định cũ thì việc soạn thảo hương ước có thêm bước: “Đề xuất nội dung hương ước, quy ước”. Một điểm đáng lưu ý trong quy trình này là công dân cư trú tại cộng đồng dân cư cũng được quyền đề xuất nội dung cơ bản dự kiến quy định trong hương ước, quy ước (nội dung cụ thể quy trình, trình tự thủ tục soạn thảo, …công nhận hương ước, các bạn tham khảo các Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP).
Ngoài ra còn có 2 quy định mới rất đáng quan tâm mà quy định cũ không có là: Tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước; Bãi bỏ hương ước, quy ước
Trường hợp nào hương ước bị tạm ngừng thực hiện?
Việc tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước được quy định tại Điều 12, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP. Theo đó: Hương ước, quy ước bị tạm ngừng thực hiện toàn bộ đối với trường hợp quy định tại điểm a hoặc một phần đối với trường hợp quy định tại các điểm b và c khoản này:
a) Không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến và thông qua quy định tại các điều 8, 9 và 10 Nghị định này;
b) Có nội dung không phù hợp với mục đích, nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước quy định tại các điều 3 và 4 Nghị định này;
c) Có nội dung không phù hợp với nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước quy định tại Điều 4 Nghị định này mà nếu áp dụng sẽ gây ra thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cộng đồng dân cư.
Ngày hội đại đoàn kết thôn Nà Tẳng, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh Thu Trang
Trong trường hợp nào hương ước, quy ước bị bãi bỏ?
Theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP thì:
Hương ước, quy ước bị bãi bỏ toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có nội dung trái với quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cộng đồng dân cư;
b) Bị tạm ngừng thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định này nhưng đã hết thời hạn phải hoàn tất các thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua để được công nhận quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà cộng đồng dân cư không hoàn tất các thủ tục này;
c) Không bảo đảm tỷ lệ thông qua quy định tại Điều 10 Nghị định này mà cộng đồng dân cư không thực hiện lại việc thông qua để bảo đảm tỷ lệ theo quy định.
- Hương ước, quy ước bị bãi bỏ một phần khi bị tạm ngừng thực hiện một phần theo quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 12 Nghị định này nhưng đã hết thời hạn phải sửa đổi, bổ sung, thay thế được quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà cộng đồng dân cư không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế nội dung.
Ai có thẩm quyền tạm ngừng, bãi bỏ hương ước?
Theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 12 và điểm b, Khoản 3, Điều 14, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP thì thẩm quyền quyết định tạm ngừng, bãi bỏ hương ước thuộc UBND cấp xã.
Trường hợp vi phạm hương ước thì ai có quyền xử lý?
Điểm e, Khoản 1, Điều 18, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP quy định trách nhiệm của UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước nêu rõ: “ e) Kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt hương ước, quy ước; phát hiện và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước;”
Theo quy định trên thì việc xử lý đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã.
Cảm ơn Tiến sĩ!