Công an được thu giữ và kiểm tra thông tin điện thoại di động trong trường hợp nào?
Vừa qua, xuất hiện vụ việc một cô gái bị Công an mời về trụ sở làm việc, sau đó thu giữ điện thoại và yêu cầu cung cấp mật khẩu. Điều này đang gây tranh cãi và đặt câu hỏi Bộ Công an, Công an có được quyền thu giữ điện thoại của người dân không? Nếu được thì được thu giữ và kiểm tra thông tin điện thoại trong trường hợp nào?
Điện thoại di động là thiết bị cá nhân, lưu trữ những thông tin cá nhân do cá nhân người dùng quản lý và sử dụng. Bộ Công an cho biết câu hỏi trên không nêu rõ tình huống cụ thể trong trường hợp cụ thể nào nên Bộ Công an không thể trả lời cụ thể.
Tuy nhiên, đối với câu hỏi: “Công an có được quyền thu giữ điện thoại không? Nếu được thì được thu giữ và kiểm tra thông tin điện thoại trong trường hợp nào?”, Bộ Công an trả lời như sau:
1. Cơ quan Công an có quyền tạm giữ, thu giữ, kiểm tra điện thoại của công dân nếu điện thoại đó là tang vật của vụ việc vi phạm hành chính; là vật chứng của vụ án hình sự; liên quan đến việc vi phạm pháp luật (hành chính, hình sự). Việc tạm giữ, thu giữ điện thoại phải có căn cứ và tuân theo các quy định của pháp luật. Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo nếu việc tạm giữ, thu giữ điện thoại không đúng pháp luật.
2. Các trường hợp điện thoại của công dân có thể bị thu giữ, kiểm tra:
- Theo điều 87; 99 Bộ luật Tố tụng hình sự thì điện thoại di động là dữ liệu điện tử vì điện thoại là phương diện lưu trữ chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.
Dữ liệu điện tử là một trong bảy nguồn của chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Cơ quan Công an có quyền thu giữ dữ liệu điện tử (điện thoại di động) theo Điều 88; 89; 90; 107, 196 Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm: Phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm tội; thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội; thu thập các tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ án hoặc đảm bảo thi hành án, xử phạt.
Theo Điều 196, Bộ luật Tố tụng hình sự thì quá trình thu giữ dữ liệu điện tử (điện thoại di động) có thể thu giữ thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan nên việc yêu cầu người chủ thiết bị điện tử cung cấp mật khẩu dữ liệu điện tử là hoàn toàn hợp pháp nhằm khai thác, kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, dữ liệu có liên quan đến vụ việc đang giải quyết.
- Ngoài việc thu giữ, kiểm tra điện thoại di động theo Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan Công an có thể thu giữ, kiểm tra điện thoại di động theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp ngăn chặn hành vi vi phạm, ngăn chặn việc tẩu tán, tiêu hủy tang vật; xác minh hành vi vi phạm hoặc bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính./.
Theo VOV