Khởi nghiệp sáng tạo

Cùng nông dân làm giàu từ đông trùng hạ thảo

Quang Tú - 08:06 13/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đó là cách mà chị Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) áp dụng với mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo của mình. Nhờ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ và đặc biệt là sự ý thức rất rõ rằng khoa học là tiến bộ không ngừng nên áp dụng nó là để tiến xa hơn, nhờ vậy chị đã tạo ra được những sản phẩm có chất lượng tốt nhất phục vụ nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.
Chị Nguyễn Thị Hồng trong phòng trồng nấm đông trùng hạ thảo. Ảnh: A.K

Người phụ nữ dám nghĩ, dám làm

Chị Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, chị vốn là kỹ sư sinh hoá, nhưng từ nhỏ chị đã say mê với nông nghiệp và luôn khát khao đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2003, khi còn là sinh viên, chị có tham gia làm dự án cho một công trình nghiên cứu về nấm linh chi. Trong lần tìm đọc tài liệu về nấm linh chi, tôi tình cờ biết đến đông trùng hạ thảo. Khi đó ở Việt Nam chưa có cơ sở nào nuôi trồng, thậm chí chưa có tài liệu nào nghiên cứu về loại nấm này được công bố. Với sự tò mò và đầy hứng thú, chị nảy ra ý tưởng nghiên cứu về đông trùng hạ thảo.

Năm 2006, chị Nguyễn Thị Hồng đã đầu tư nghiên cứu công nghệ nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên nền cơ chất tổng hợp. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu cùng với sự tư vấn hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia khoa học hàng đầu Việt Nam, đến năm 2010, chị Nguyễn Thị Hồng đã thành lập Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc, trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của Việt Nam nuôi cấy thành công nấm đống trùng hạ thảo trên cơ chất tổng hợp.

“Những năm đầu khi mới bắt tay nghiên cứu nuôi cấy, tôi và các cộng sự gặp rất nhiều khó khăn. Toàn bộ công nghệ trồng nấm đông trùng hạ thảo gần như chúng tôi đều phải tự mày mò. Thêm nữa, vào thời điểm đó, mua giống đông trùng rất khó, tôi quyết định tự sang Tây Tạng (Trung Quốc) để mua giống cũng như học hỏi về công nghệ. Khi trở về nước, loay hoay vay vốn, thuê đất mở một phòng thí nghiệm khoảng 200m2 với những thiết bị cơ bản nhất để có thể đầu tư nghiên cứu” - chị Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Quá trình triển khai nuôi cấy trên quy mô lớn đã không hề dễ dàng như chị tưởng tượng, quy mô nhỏ 500 lọ/mẻ khác với quy mô 5.000 lọ/mẻ. Một chu kỳ nuôi cấy thường từ 55 đến 60 ngày, nhưng mới đến ngày thứ 20, những sinh vật đó đã không phát triển khiến chị cũng nản lòng, không biết bao nhiêu tiền của, mồ hôi, nước mắt theo đó mà đi. “Có lúc tôi đã định từ bỏ công trình nghiên cứu, nhưng chỉ có nuôi cấy thành công loài nấm này mới có thể “trả” được “món nợ” hàng tỷ đồng đã vay mượn đầu tư vào đây”, chị Hồng nhớ lại.

Sau 2 năm miệt mài, kiên trì, nỗ lực, chị Hồng đã có được sản phẩm đông trùng hạ thảo đầu tiên ra đời năm 2011. Chị Hồng mang đông trùng hạ thảo đến Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam phân tích, đánh giá chất lượng trước khi đưa ra thị trường. Đồng thời, sản phẩm đông trùng hạ thảo của chị đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công nhận đạt tiêu chuẩn, được cấp phép lưu hành rộng rãi.

Chia sẻ về quy trình sản xuất, chị Hồng cho biết thêm: Để có được sản phẩm bảo đảm đầy đủ thành phần dược tính tối đa, quá trình nuôi trồng nhân tạo cần thực hiện khép kín. Những nguyên liệu chính để nuôi trồng đông trùng hạ thảo gồm: Nhộng tằm, gạo lứt, nước dừa, khoai tây, giá đỗ... trộn thêm một số vi chất bổ sung. Trong chu kỳ nuôi trồng phải bảo đảm các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ... Sản phẩm đạt yêu cầu phải có màu vàng, đẹp, đều, kích thước chiều dài 6-10cm…

Chị Nguyễn Thị Hồng tham gia các hoạt động nhân Kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7/2022. Ảnh tư liệu

Đưa dược liệu quý vươn xa

Được sự hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2017 chúng tôi bắt đầu phát triển nguồn gen đông trùng bản địa. “Hiện tại, chúng tôi đã chủ động được nguồn giống đông trùng hạ thảo. Đây là giống bản địa được lấy ở Hoàng Liên Sơn, trên đỉnh Fansipan. Giống bản địa này có khả năng sinh tồn tốt, ít bị thoái hoá, quan trọng hơn hàm lượng hoạt chất cordycepin trong đông trùng thành phẩm lên đến 10mg/g, gấp gần 30 lần so với thời điểm ban đầu khởi nghiệp” - chị Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Ngoài ra chúng tôi còn tìm thấy những chủng giống đông trùng khác như Cordyceps nutans, Cordyceps pruinosa, Cordyceps takaomontana, Isaria tenuipes, trong đó có những chủng có hàm lượng adrenosin cao tới 3 mg/g có tác dụng chống đào thải ghép. Nuôi cấy đông trùng mọc thành cây khá dễ, nhưng để cây có hàm lượng cao hoạt chất cordycepin lại cực khó. Khi hoạt chất quý càng cao lên thì yêu cầu đầu tư về công nghệ, trí tuệ, giống sẽ càng khó hơn nhiều.

Đến nay, công ty của chị Nguyễn Thị Hồng đã có 2 cơ sở nuôi cấy tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) và TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) với tổng diện tích gần 15.000m2; năng suất đạt 18 tấn dược liệu tươi/năm; đồng thời phát triển các điểm trưng bày và 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Mỗi năm Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu phôi giống cho các cơ sở trên địa bàn cả nước, xuất bán từ 20-30 tấn đông trùng hạ thảo. Trong đó, 50% số sản phẩm được cung cấp cho các công ty chế biến dược liệu trong nước, 30% xuất khẩu sang các nước, trong đó có thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức, Australia, Thái Lan, Singapore… 20% sản phẩm được tiêu thụ trong nước, dưới dạng tươi, khô và sản phẩm được chiết xuất dạng viên đóng hộp.

Công ty của chị Hồng còn tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho 98 người với thu nhập trung bình là 8 triệu người/tháng.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đưa loài dược liệu quý của Việt Nam vươn xa, chị Nguyễn Thị Hồng tích cực chuyển giao công nghệ, nghiên cứu mở rộng mô hình, quảng bá sản phẩm. Thông qua việc chuyển giao công nghệ, chị Hồng đang từng bước xây dựng “vệ tinh” cho Công ty là các hộ nông dân. Những năm gần đây, chị đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Thanh Oai tổ chức 8 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng các loại nấm cho 200 -300 hội viên nông dân. 

Bên cạnh đó, Công ty còn hỗ trợ giống, nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân với giá cả hợp lý. Chính vì vậy, bà con yên tâm tham gia sản xuất. Qua đó giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại xã Dân Hòa và các vùng lân cận với thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. 

 Trong thời gian tới, chị Hồng sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương mở thêm các lớp tập huấn nuôi trồng nấm thảo dược cho bà con nông dân để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Với những nỗ lực và đóng góp cho ngành Dược liệu Việt Nam, tôi đã nhận được nhiều bằng khen và chứng nhận của các tổ chức, đoàn thể. Tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện trong nhiều năm qua. Đặc biệt năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 song chúng tôi vẫn duy trì được các hoạt động xã hội từ thiện với tổng số tiền ủng hộ là hơn 1 tỷ đồng. Năm 2022, nằm trong chuỗi những hoạt động Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, tôi đã cùng các đoàn đã tới dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ; thăm và tặng quà các thương binh, bệnh binh, người có công với Cách mạng...
Chị Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc Công ty Thiên Phúc.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác