Tiêu điểm

Đảm bảo nguồn cung thịt lợn tăng từ 10 đến 15% trước, trong và sau Tết Ất Tỵ

Hương Giang - 14:46 14/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chủ động từ sớm, từ xa, đảm bảo nguồn cung thịt lợn tăng từ 10% đến 15% dịp trước, trong và sau Tết là yêu cầu của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại hội nghị “Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 14/8 tại Hà Nội.
TIN LIÊN QUAN
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Chăn nuôi lợn vẫn là chủ lực, chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi

Qua hơn 8 tháng, tổng đàn lợn, đàn gia cầm và gia súc của cả nước tiếp tục tăng về sản lượng, dịch bệnh từng bước được đẩy lùi, đảm bảo tăng trưởng của ngành Chăn nuôi.

Giải quyết những khó khăn mà ngành Chăn nuôi đang gặp phải, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, cần có thêm những cơ chế thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh cũng như những giải pháp đồng bộ về con giống, thức ăn chăn nuôi, đảm bảo môi trường và không gian cho chăn nuôi về hạ tầng cơ sở chuồng trại, đảm bảo nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Hướng tới xuất khẩu về lâu dài phải tính toán đến việc giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi.

Chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.

Từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trước đây, năm 2023 Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia có ngành Chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt (Trung Quốc 48%, EU 20%, Mỹ 11%, Brazil 4%, Nga 4%, Việt Nam 3% (Nguồn USDA) so với thế giới. Trong thời gian qua, tăng trưởng đàn lợn của Việt Nam có sự biến động lớn về tổng đàn và sản lượng.

Năm 2023, chăn nuôi lợn phát triển ổn định trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang chăn nuôi bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiến tiến gia tăng. Do đó, thời điểm cuối năm 2023, tổng đàn lợn đạt 25,5 triệu con (chưa tính khoảng 4 triệu lợn con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023 là năm có số đầu con lợn cao nhất trong 05 năm trở lại đây và tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình là 6,0%/năm trong giai đoạn 2019 - 2023. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2024 đạt hơn 25.5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023.

Chăn nuôi lợn hiện nay tập trung nhiều nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (chiếm khoảng 22,9%), tiếp đó là các vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (19,8%), Đông Nam Bộ (19,6%) và Đồng bằng Sông Hồng (19,4%), hai vùng có chăn nuôi lợn thấp nhất là vùng Tây Nguyên (9,5%) và ĐBSCL (8,8%). Một số địa phương phát triển chăn nuôi lợn tốt trong những năm gần đây là Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai...

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ: “Để chăn nuôi lợn phát triển bền vững phải có giải pháp đồng bộ. Bền vững ở đây không phải chỉ đảm bảo về an ninh dinh dưỡng mà ngành Chăn nuôi lợn phải cung cấp mà đó còn là sinh kế của hàng chục triệu người tham gia chăn nuôi lợn. Khó khăn nhất cho chăn nuôi lợn hiện nay chính là kiểm soát an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó là kiểm soát về mặt không gian cho chăn nuôi lợn như: Cơ sở chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Chăn nuôi hiện nay mới chỉ sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước nhưng chưa xuất khẩu được nhiều”.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị tăng trưởng của ngành Chăn nuôi năm 2023 ước đạt 5,72%, đạt doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta. Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.

Sáu tháng đầu năm 2024, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi tăng trên giá thành sản xuất thu hút tái đàn nên tổng đàn lợn vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt (lợn tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023).

Những khó khăn, tồn tại mà ngành Chăn nuôi lợn đang phải đối mặt

Tại hội nghị, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nêu lên những khó khăn, thánh thức, tồn tại của ngành Chăn nuôi lợn, ảnh hưởng lớn đến sản lượng và giá cả của sản phẩm này, theo đó:

- Chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự được triển khai đồng bộ. Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn lợn như Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát thì việc chăn nuôi an toàn sinh học chưa được chủ trang trại thực sự quan tâm để triển khai thực hiện từ trước, trong và sau quá trình chăn nuôi, đặc biệt là khu vực chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa.

- Tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi của khu vực nông hộ, trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa được cải thiện nhiều, giá thành sản xuất còn cao. Công tác quản trị kém, thiếu kiến thức cần thiết về an toàn sinh học, chế độ dinh dưỡng không phù hợp cho vật nuôi theo từng giai đoạn, dẫn đến năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản xuất cao, thường gặp rủi ro về dịch bệnh, thị trường. Quy mô sản xuất còn ở mức vừa và nhỏ nên không thể áp dụng các công nghệ hiện đại vào để tăng năng suất, chất lượng.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y nêu lên những khó khăn, thánh thức, tồn tại của ngành Chăn nuôi lợn hiện nay.

- Giết mổ tập trung, công nghiệp không cạnh tranh được với giết mổ nhỏ lẻ dẫn đến chênh lệch lớn giữa giá bán của người chăn nuôi (giá lợn hơi xuất chuống) và giá người tiêu dùng phải trả (giá thịt lợn thành phần đến tay người tiêu dùng); chưa xây dựng được thương hiệu và thực hiện quảng bá rộng rãi cho sản phẩm thịt lợn. Hệ thống sản xuất thiếu đồng bộ, không liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ; chưa chú trọng đến hoạt động giết mổ tập trung và chế biến công nghiệp, nhất là chế biến sâu làm giảm giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi trong nước, hạn chế tỷ trọng xuất khẩu.

- Chăn nuôi lợn vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào như con giống chất lượng cao và đặc biệt là nguyên liệu TACN; chưa hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm giá thành chăn nuôi. Hằng năm, trong nước chỉ sản xuất được 35% nguyên liệu (để sản xuất khoảng 20 triệu tấn TACN công nghiệp), còn lại 65% phải nhập khẩu.

- Chi phí cho sản xuất chăn nuôi ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp tiếp tục tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

- Sự toàn cầu hóa về thị trường tác động lớn đến các chuỗi cung ứng, cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng. Việt Nam là thành viên, đối tác tham gia với 17 Hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới nên yêu cầu sản phẩm chăn nuôi phải nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm hơn, giá thành sản xuất rẻ hơn mới có được lợi thế trong cạnh tranh.

Tận dụng tốt các nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, Việt Nam có lợi thế về chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn cũng như sản xuất thức ăn chăn nuôi không chỉ cho gia súc mà còn cho ngành Thủy sản.

Thức ăn chăn nuôi là yếu tố đầu vào quan trọng trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 60-70% giá thành sản xuất chăn nuôi tùy theo phương thức sản xuất, năng suất chăn nuôi và giá cả thị trường. Sự tăng trưởng và phát triển của ngành chăn nuôi trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp (thức ăn được sản xuất tại các cơ sở có dây chuyền, thiết bị công nghiệp).

Cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ về phương thức chăn nuôi từ quy mô chăn nuôi nông hộ sang quy mô trang trại, tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã không ngừng tăng lên trong thời gian qua, chiếm khoảng 75% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi, tỷ trọng thức ăn tận dụng, tự chế biến, phối trộn chỉ chiếm khoảng 25%.

Về cơ cấu sản lượng TACN công nghiệp theo nhóm vật nuôi, năm 2023, TACN cho lợn chiếm 56,0%, cho gia cầm chiếm 40,7%; cho vật nuôi khác 3,3%. 

Để phục vụ nhu cầu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 19-20 triệu tấn nguyên liệu TACN bao gồm cả nguyên liệu thô và thức ăn bổ sung.

Nguồn nguyên liệu để sản xuất TACN của nước ta phụ thuộc vào nhập khẩu nên giá TACN trong nước luôn chịu tác động trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu TACN trên thế giới. Năm 2023, giá nguyên liệu vẫn còn khá cao, tuy nhiên, kể từ quý 2/2023, giá các nguyên liệu TACN chính bắt đầu giảm và giảm khá mạnh vào đầu năm 2024.

So sánh tháng 7/2024 với tháng 7/2023 cho thấy, giá ngô giảm 18%, khô đậu tương giảm 12,6%, DDGS giảm 31,9%. Điều này dẫn tới giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cũng giảm, điển hình là giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt giảm 22,6%.

Nếu tận dụng tốt các nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi sẽ đem lại hiệu quả lớn, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới. Bên cạnh đó cũng phải nghiên cứu thêm thị trường ngách để gia tăng xuất khẩu, điều này có nghĩa phải đầu tư sâu hơn vào các khâu chế biến đối với các sản phẩm như: Xúc xích, thịt hun khói, các sản phẩm thịt lợn xử lý qua nhiệt.

Về tiêu thụ thịt lợn, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, các năm 2021, 2022 và 2023, Việt Nam đều đứng thứ 6 trong số các nước có thị phần sản lượng thịt lợn cao nhất thế giới, chiếm 2,4% (2021), 2,5% (2022) và 3% (2023) tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu. Trong số 10 nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới Việt Nam đứng thứ 6 với tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn/sản xuất là 105,4% (sản xuất thịt lợn trong nước mới đáp ứng được 95% nhu cầu tiêu thụ thịt lợn).

Tiêu thụ thị lợn kg/đầu người trong những năm gần đây của Việt Nam đã dần tăng lên, cụ thể: Năm 2021 khoảng 30kg thịt lợn xẻ/người/năm, năm 2022 khoảng 32kg thịt lợn xẻ/người/năm và năm 2023 khoảng 33,8kg thịt lợn xẻ/người/năm. 

Về giá lợn hơi, từ cuối tháng 6/2023 giá lợn hơi trên cả nước tăng khoảng 12% so với tháng đầu năm 2023 và tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Sau đó giá lợn hơi tiếp tục giảm từ tháng 7/2023, giá lợn hơi giảm từ 61,5 nghìn đồng/kg xuống 49,5 nghìn đồng/kg ở tháng 12/2023. Từ tháng 01/2024 giá lợn hơi hồi phục trở lại (52,5 nghìn đồng/kg) và có xu hướng tăng dần đến tháng 6/2024 giá tăng đỉnh điểm và đạt 68,5 nghìn đồng/kg). Từ tháng 6/2024 đến nay chăn nuôi lợn có xu hướng giảm đàn nên tại thời điểm gần cuối tháng 7/2024 giá lợn hơi của cả nước giảm từ 0,4% - 1,6% so với trung bình tháng 6/2024 nhưng vẫn ở mức cao từ 64 -66,5 nghìn đồng/kg, cá biệt có nơi và có những ngày giá lợn hơi đạt trên 70 nghìn đồng/kg).

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, phải chủ động không để thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trước, trong và sau Tết.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trước mắt phải chủ động từ sớm, từ xa đảm bảo trước, trong và sau Tết không để thiếu hụt nguồn cung thịt lợn. Đảm bảo được nguồn cung sẽ ổn định được thị trường, bình ổn về chỉ số giá tiêu dùng CPI. Muốn vậy, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành liên quan, các địa phương và người chăn nuôi.

“Dịp trước, trong và sau Tết phải ổn định giá thực phẩm, đặc biệt thịt lợn đảm bảo tốc độ tăng trưởng phát triển bền vững của ngành. Đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm phải chủ động “từ sớm, từ xa”, phải tăng 10 đến 15% trong dịp trước trong và sau Tết” - ông Phùng Đức Tiến yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác