Đam mê sáng tạo, nữ nông dân trồng thành công rau nhút trên cạn
Áp dụng khoa học công nghệ vào trồng rau nhút
Sau nhiều năm ấp ủ, nghiên cứu mới đây bà Xuân đã đầu tư 2ha đất để trồng rau nhút. Điều đáng chú ý là phương pháp trồng rau nhút của bà Xuân lại mang lên cạn để trồng, thay cho cách trồng truyền thống.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại rau nhút độc đáo của mình, vừa đi bà vừa giới thiệu cho chúng tôi sự phát triển của cây được trồng trong thùng xốp bên trong chứa giá thể do bà tự nghiên cứu tạo ra. Phần gốc được trồng trên giá thể trong thùng xốp, phần thân được cho leo lên lưới cước, được sắp xếp ngay hàng thẳng lối cùng với hệ thống tưới bài bản nhìn rất đẹp mắt.
Nói về tại sao lại dùng phương pháp trồng rau nhút trên cạn, phải mua hàng chục ngàn cái thùng xốp, đầu tư ban đầu rất tốn kém, bà Xuân cho biết: Rau nhút là loại rau được nhiều người ưa chuộng, trong rau nhút có nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khoẻ con người, nhưng ít ai để ý đến những tiềm ẩn có chứa trong rau khi trồng theo cách truyền thống mà không được đầu tư bài bản.
Theo bà Xuân, rau nhút thường được trồng dưới ao, ruộng, trong khi có nơi đang bị ô nhiễm nguồn nước… cách làm truyền thống khó kiểm soát được nguồn nước, điều đó sẽ dẫn đến các ký sinh trùng chui vào thân rau rồi đẻ trứng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, chưa kể trong đất, nguồn nước có nhiễm những kim loại nặng.
“Với cách trồng rau nhút trên cạn, tôi hoàn toàn có thể kiểm soát được một cách có hiệu quả, bởi giá thể trước khi đưa vào thùng xốp để trồng đã được xử lý, đồng thời nguồn nước để tưới cho rau cũng được kiểm soát và đưa lên bồn sau đó pha với chế phẩm sinh học đế cung cấp dinh dưỡng cho rau qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Với phương pháp làm này tôi hoàn toàn tự tin về chất lượng rau để cung cấp cho người tiêu dùng”. Bà Xuân chia sẻ.
Sau khi trồng rau nhút trên cạn, áp dụng khoa học công nghệ thay cho cách trồng truyền thống thành công, bà Xuân đã gửi mẫu đi kiểm nghiệm và đạt kết quả tốt trong phương pháp trồng mới này. Hiện đã có một số đối tác đã lên hệ hợp tác để đưa rau nhút sạch để phân phối vào hệ thống siêu thị.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, ông Lê Quang Duy Linh - Giám Đốc điều hành Công ty An Lạc cho biết: Là một đơn vị chuyên về ngành thực phẩm nên chúng tôi đặt ưu tiên hàng đầu về các giá trị mang lại cho khách hàng và đề cao yếu tố ATVSTP. Chính vì điều đó, Công ty an lạc đã liên kết cùng nhiều hộ sản xuất kinh doanh rau củ an toàn.
“Sau nhiều lần đến tham quan và khảo sát mô hình rau nhút trên cạn được áp dụng công nghệ vào nông nghiệp của chị Nguyễn Thị Kim Xuân chúng tôi đánh giá cao về mô hình đầu tiên này, rau nhút ở đây đạt an toàn và chất lượng nên chúng tôi đã đưa vào kênh phân phối của Công ty An Lạc”. ông Linh nói.
Đam mê tìm tòi những phương pháp mới, hiệu quả
Không chỉ có mô hình trồng rau nhút trên cạn, hiện mô hình trồng dâu tây trên tháp của bà Xuân cũng chuẩn bị cho ra trái. Để thực hiện việc trồng được cây ở xứ lạnh mang về trồng ở vùng đất nắng nóng như ở Củ Chi bà Xuân phải nhập giống dâu tây nhiệt đới.
Bà Xuân cho biết, trồng trên tháp dễ chăm sóc và ít tốn diện tích trồng. Để tạo thành hình tháp, bà tạo giá thể rồi bỏ vào trong khung lưới khít tạo thành hình tròn có đường kính 30cm cao 40cm sau đó trồng lên nhau, phía dưới để thùng chứa chế phẩm để cung cấp dinh dưỡng cho cây qua ống lưu dẫn được thiết kết trong thân tháp.
“Cứ mỗi một tháp tôi trồng được 24 cây, so với cách trồng khác thì tốn diện tích hơn nhiều. Đây là giống dâu Hana của nhật, giống này chịu được nhiệt dễ thích nghi với mọi điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, đặc tính của dâu tây cần nắng nhẹ nên khi trồng phải làm lưới che nắng, khi mùa mưa phải phủ nilon để che mưa mới đảm bảo được chất lượng trái dâu”. Bà Xuân chia sẻ.
Bà Xuân cho biết thêm, hiện bà đang chuẩn bị mở rộng diện tích để trồng rau nhút để cung ứng cho đối tác đưa vào nhà hàng, siêu thị. Còn với dâu tây, bà sẽ bán trực tiếp cho khách tham quan và bán online, ngoài ra bà còn bán cả tháp cho hộ gia đình, doanh nghiệp để vừa làm cảnh vừa ăn trái.
Đánh giá về sự sang tạo của bà Nguyễn Thị Kim Xuân, ông Võ Đức Huy, Chủ tịch Hội nông dân xã Trung Lập Thượng cho biết: Chị Nguyễn Thị Kim Xuân là người chịu khó nghiên cứu tìm hiểu và học hỏi để ứng dụng và sản xuất, mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đi đầu trong việc thay đổi và ứng dụng công nghệ vào cây trồng, khắc phục được 1 số hạn chế đặc trưng của cây trồng, từ đó đã áp dụng công nghệ để đưa những cây trồng như rau nhút lên cạn, dâu tây trên tháp.
Chia sẻ về những hoài bão của mình, bà Xuân bộc bạch: “Tôi chỉ thích tìm tòi cái mới, việc này cũng ví như thổi lửa, tạo động lực cho những nông dân khác nên cần có sự sáng tạo và mạnh dạn đổi mới phương thức để đạt hiệu quả hơn trong sản xuất nông nghiệp”.