Thị trường

Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng SPS của WTO”

Công Duy - 07:45 22/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 534/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của WTO và cam kết SPS trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do (Đề án).
TIN LIÊN QUAN

Nâng cao hiệu quả các biện pháp vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động, thực vật (SPS)

Hiệp định SPS (Sanitary and Phytosanitary - vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật) là một hiệp định được thỏa thuận bởi các thành viên của WTO. Hiệp định này bao gồm 14 điều và 3 phụ lục, đề ra mục tiêu là cung ứng cho người tiêu dùng các sản phẩm lương thực, thực phẩm hết sức an toàn, theo những tiêu chuẩn thích hợp. Biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) là một loại biện pháp pháp lý được sử dụng trong Thỏa thuận Thương mại Toàn cầu (WTO) nhằm kiểm soát rủi ro cho con người, động vật và thực vật về các bệnh tật, dịch bệnh hoặc các tác hại khác từ thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp.

Văn phòng SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS.

Mục tiêu chung của Đề án nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ đối với Hiệp định SPS của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do trong thương mại nông, lâm, thủy sản và thực phẩm quốc tế; nâng cao năng lực quản lý, đánh giá, thử nghiệm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định SPS tại các thị trường xuất, nhập khẩu; tận dụng tối đa cơ hội đầu tư của thành viên WTO và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam.

Xuất khẩu trái cây cần tuân thủ những yêu cầu bắt buộc về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch thực vật của các đối tác.

Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản hài hoà tiêu chuẩn quốc tế đạt 70%; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ; 80% các mặt hàng và thị trường trọng điểm tương ứng được xây dựng cẩm nang hướng dẫn tuân thủ các biện pháp SPS; 100% các địa phương kiện toàn đầu mối hỏi đáp các quy định SPS của thị trường; hoàn thành Cổng thông tin quốc gia về SPS, kết nối và chia sẻ thông tin về các biện pháp SPS của thị trường giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam.

Định hướng đến năm 2030, tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương quy chuẩn quốc tế đạt 100%; đẩy mạnh cơ sở dữ liệu kết nối thông tin tương tác giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.

Kiện toàn cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Văn phòng SPS Việt Nam

Nhằm phát triển các điểm hỏi đáp SPS và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội tại địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) xây dựng đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch động, thực vật (SPS) Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng cơ chế công bố phân vùng địa lý khi xác định nguy cơ dịch bệnh và đưa ra biện pháp ứng phó khẩn cấp với các tình huống dịch bệnh trên người, dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Xây dựng cơ chế công bố phân vùng địa lý khi xác định nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dịch bệnh và đưa ra biện pháp ứng phó khẩn cấp với các tình huống mất an toàn thực phẩm, sự bùng phát của sâu hại và dịch bệnh trên động vật và thực vật đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu và xuất khẩu.

Nhằm nâng cao năng lực cho các điểm hỗ trợ kỹ thuật của Văn phòng SPS Việt Nam tại các bộ, ngành,  Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ NN&PTNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định về quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài sinh vật quý hiếm; đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững đối với sản phẩm nông nghiệp; tham gia đánh giá rủi ro các đối tượng sinh vật thuộc phạm vi phụ trách.

Đóng gói trái cây đúng quy cách giúp đảm bảo chất lượng và hình thức bên ngoài khi xuất khẩu.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm. Rà soát, sửa đổi và công bố các tiêu chuẩn thực phẩm theo tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế (Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex quốc tế) thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Văn phòng SPS Việt Nam tập trung cao nhất hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tuân thủ các quy định nhập khẩu của EU

Theo TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN &PTNT), Văn phòng đang tích cực phổ biến, cập nhật và hướng dẫn các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) của các thị trường trọng điểm mà Việt Nam tham gia theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như UKVFTA, EVFTA, RCEP… Đặc biệt là triển khai phổ biến, cập nhật và hướng dẫn cho ngư dân về các quy định của Liên minh châu Âu (EU) trong việc gỡ thẻ vàng đánh bắt, khai thác thủy hải sản cho ngư dân các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, Văn phòng SPS Việt Nam cũng phổ biến, cập nhật và hướng dẫn các quy định của EU về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm dối với hàng nhập khẩu có nguồn gốc thực vật. Theo đó, hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn giống hoặc tương đương như tiêu chuẩn áp dụng trong khối EU. Các sản phẩm có nguồn gốc thực vật của Việt Nam xuất khẩu sang EU, bao gồm cả rau quả và nhà xuất khẩu không cần có phê duyệt chính thức từ Cơ quan quản lý của EU mà chủ yếu EU đánh giá nguy cơ theo cách tiếp cận theo dịch hại và sẽ có các biện pháp kiểm soát được nâng cao nếu không có khắc phục. Hàng năm, EU sẽ tổ chức các đoàn thanh tra và có thể đàm phán để thay đổi biện pháp áp dụng.

Theo ông Ngô Xuân Nam, về quy định kiểm dịch thực vật xuất khẩu sang EU, tất cả các lô hàng phải đáp ứng các yêu cầu: Sản phẩm không được nằm trong danh mục thực vật, sản phẩm thực vật bị cấm hoặc tạm dừng nhập khẩu vào các nước EU; Không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của EU và hầu như không bị nhiễm các loài dịch hại khác; Phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (PC) và chỉ có 5 loại trái cây (dứa, chuối, dừa, sầu riêng và chà là) không cần có PC.

Vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (ISPM-15)… EU đã cấm việc xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide từ 3/2008. Tuy nhiên, việc xử lý MB đối với hàng hóa thực hiện ngoài lãnh thổ EU vẫn được chấp nhận. Mức MRL EU yêu câu rất thấp 0,02 ppm (thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu chung 5ppm)

Các nước như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Italia… yêu cầu hàng nhập khẩu phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu rất cao về kiểm dịch thực vật, nếu vi phạm sẽ bị cảnh báo và bị trả về nơi xuất xứ, tiêu hủy hàng hoặc tạm ngừng nhập khẩu.

TS. Ngô Xuân Nam cũng cho biết thêm, về Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, mỗi lô sản phẩm thực vật xuất khẩu sang EU đều phải có PC do Cục Bảo vệ thực vật cấp theo ISPM và quy định của EU. EU không chấp nhận PC khi phần khai báo bổ sung không có hoặc không đúng. Lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu.

Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được cấp trong vòng không quá 14 ngày trước khi sản phẩm thực vật hoặc vật thể khác ghi trên PC rời khỏi quốc gia cấp PC. Trái cây, rau và các sản phẩm thực vật khác đã qua chế biến nhìn chung không phải có PC. Các mặt hàng này được coi là thực phẩm và cần phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Đối tượng kiểm dịch thực vật của EU được biết đã có mặt ở Việt Nam.

EU cũng quy định rất chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm xuất khẩu sang EU không được vượt quá mức tối đa cho phép theo luật của EU. Cơ sở dữ liệu thuốc bảo vệ thực vật của EU cho phép người sử dụng tìm kiếm thông tin về hoạt chất đã được phê duyệt sử dụng ở EU và MRL trên sản phẩm thực phẩm. Nếu một thuốc bảo vệ thực vật cụ thể chưa được EU thiết lập MRL và không có trong cơ sở dữ liệu thuốc bảo vệ thực vật của EU, thuốc đó sẽ được áp dụng mức MRL mặc định 0,01 mg/kg, trừ khi giá trị mặc định khác được quy định trên cơ sở xem xét các phương pháp phân tích thông thường hiện có.

Về yêu cầu bao bì nhãn mác, EU quy định bao bì và thùng giấy phải có các thông tin sau: Tên và địa chỉ của nhà đóng gói; Tên và giống của sản phẩm;  Nước xuất xứ;  Loại, khối lượng và kích cỡ;  Số  lô  để  truy  xuất  hoặc  mã số GLOBAL GAP (nếu có);  Xử lý sau thu hoạch: ví dụ như chất chống mốc được dùng trong xử lý cam quýt sau thu hoạch; Chứng nhận hữu cơ, bao gồm cả tên của cơ quan kiểm tra và số chứng nhận (nếu có).

Tin cùng chuyên mục
Tin khác