Giáo dục - hướng nghiệp

Điện Biên: Chú trọng dạy nghề, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc

Phương Linh - 07:16 28/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Xác định công tác đào tạo nghề là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương, Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Để công tác đào tạo nghề đạt kết quả cao, Hội Nông dân (ND) tỉnh Điện Biên rất chú trọng công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, từ đó phối hợp với các sở, ban ngành xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp dạy nghề cho hội viên ND tại cơ sở. 
Dạy những cái nông dân cần
Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội ND tỉnh (Trung tâm) luôn đa dạng hóa và đổi mới các hình thức đào tạo giúp cho nhiều hội viên, ND có thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi để cải thiện thu nhập. Năm 2022, Trung tâm đã mở 12 lớp dạy nghề cho gần 500 học viên ND tham gia. Các lớp dạy nghề tập trung vào nông nghiệp như: Kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả; trồng và bảo quản nấm; kỹ thuật trồng rau an toàn… Tất cả các lớp học đều được thực hiện trong thời gian 2 tháng, theo phương thức "cầm tay chỉ việc", giúp học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức vào thực tiễn sản xuất nâng cao hiệu quả việc làm sẵn có tại địa phương.
Tham gia lớp đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn do Trung tâm tổ chức từ giữa tháng 3/2023 đến nay, chị Lò Thị Hoan, bản Púng Tôm, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên) chia sẻ: Trước đây, khi xử lý đất để trồng rau, tôi cũng như người dân trong bản thường bón phân trực tiếp và gieo hạt giống luôn. Khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn, chúng tôi được học rất nhiều kiến thức như: Ủ phân, khử trùng đất 5 - 7 ngày mới gieo hạt... Trong quá trình học, giáo viên vừa giảng dạy lý thuyết vừa kết hợp thực thành theo phương pháp cầm tay chỉ việc, giúp chúng tôi tiếp thu và áp dụng vào thực tế dễ dàng hơn.
Với cách làm tương tự, sau khi khảo sát, nhiều cơ sở Hội ở các địa phương đã tổ chức đào tạo nghề theo đúng nhu cầu của người dân. Từ đó xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế có hiệu quả cao, như: Mô hình trồng nấm, trồng ngô, chăn nuôi ở các xã Mường Lói, Thanh An, Thanh Hưng (huyện Điện Biên); mô hình chăn nuôi lợn ở xã Mường Toong (huyện Mường Nhé); mô hình chăn nuôi gia súc ở thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà)…

Hội viên nông dân bản Phiêng Ban, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên được dạy nghề trồng nấm.
Điều đáng mừng là sau khi được đào tạo nghề, nhiều hộ nông dân là người dân tộc thiểu số đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Như gia đình anh Lò Văn Minh, xã Mường Lói (huyện Điện Biên), trước đây kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào làm ruộng, sản xuất dựa trên kinh nghiệm nên năng suất không cao. Năm 2014, tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu bò do Hội ND huyện tổ chức, anh Minh đã được học nhiều kiến thức về cách chọn con giống, thức ăn, cách phòng chống bệnh tật cho vật nuôi... Nhờ vậy, những năm qua đàn gia súc, gia cầm của gia đình anh luôn sinh trưởng, phát triển tốt mang lại thu nhập ổn định. Nhờ áp dụng tốt những kiến thức đã tiếp thu được từ khóa đào tạo nghề nuôi cá trong ao hồ, do Trung tâm tổ chức 2 năm về trước, ao cá rộng 1.500m2 nhà ông Lò Văn Khụt, bản Huổi Phúc, xã Noong Luống luôn sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, đem lại nguồn thu nhập ổn định hàng năm cho gia đình. 
Trên 80% học viên có việc làm hoặc tự tạo việc làm tốt sau đào tạo 
Mới đây, dưới sự hướng dẫn tận tình của các giáo viên Trung tâm, 35 học viên là hội viên ND bản Bánh, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên đã được truyền đạt kỹ thuật trồng ngô nếp ngắn ngày năng suất cao; cách xử lý đất, ngâm ủ giống, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trị sâu bệnh… Trước đó, Trung tâm đã mở lớp trồng nấm, học viên được giảng viên hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm thực phẩm và nấm dược liệu, như nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ. Kỹ thuật và phương pháp xử lý nguyên liệu, nuôi cấy meo giống; Kỹ thuật ươm sợi nấm, cách chăm sóc nấm trong quá trình sinh trưởng, thu hoạch; Phương pháp sơ chế và bảo quản nhằm nâng cao chất lượng nấm thương phẩm; Kỹ năng lựa chọn loại nấm thích hợp theo mùa vụ và nhu cầu thị trường để nuôi trồng nấm.
Ông Lù Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Điện Biên cho biết, qua các lớp dạy nghề nhiều lao động vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số được nâng cao tay nghề. Sau dạy nghề chúng tôi đều tổ chức kiểm tra, đánh giá việc triển khai, áp dụng vào thực tiễn của học viên. Kết quả có trên 80% học viên có việc làm hoặc tự tạo việc làm tốt sau đào tạo. Việc đào tạo nghề cho ND đã góp phần thay đổi ngành nghề, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số.
Theo kế hoạch, mỗi năm tỉnh Điện Biên phấn đấu đào tạo nghề cho khoảng  8.500 lao động; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ổn định trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 80%. Với việc xác định phương hướng đào tạo nghề cho hội viên, ND là giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và góp phần xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn, từ đó, định hướng những ngành nghề phù hợp cho người lao động và tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tư vấn việc làm, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho hội viên ND có nhu cầu.
Thông qua các lớp dạy nghề nhằm góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng trọt tạo điều kiện giúp cho hội viên ND tăng thu nhập, đồng thời cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng.

Tạo động lực cho ND vượt khó vươn lên, hàng năm Hội ND tỉnh thường xuyên phát động phong trào ND thi đua  sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua nhiều năm phát động, đến nay, phong trào đã phát triển sâu rộng tới các thôn, bản, thực sự tạo ra bước chuyển đổi quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhiều hộ ND đã năng động, cần cù chịu khó, kiên trì khắc phục mọi khó khăn với ý chí tự lực, tự cường. Họ cũng thường xuyên chuyển đổi nhận thức, đầu tư khai thác tiềm năng lao động, đất đai, vốn vào sản xuất và mở rộng các ngành nghề, dịch vụ tạo ra sản phẩm hàng hoá, phát huy lợi thế của địa phương, nhiều mô hình phát triển đa dạng mang lại hiệu quả kinh tế, từ đó giúp bản thân, gia đình vươn lên làm giàu chính đáng”.
 Ông Lù Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Điện Biên.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác