Cần đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho kinh tế tập thể
Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác, HTX, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 Tổ hợp tác (THT) với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên; Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, doanh thu bình quân của các HTX đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong các HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm…
Chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo nguồn lực của các HTX ở Hàn Quốc tại Hội thảo “Phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực kinh tế tập thể, HTX” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức sáng 5.4 tại Hà Nội, ông Kim Jin Cheo - Trưởng Văn phòng Liên đoàn HTX Nông nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: “Đào tạo nhân lực cho các HTX ở Hàn Quốc được chúng tôi chia ra làm 2 đối tượng, đó là lãnh đạo HTX và các xã viên. Theo đó các chương trình đào tạo hướng đến nâng cao năng lực quản lý và năng lực chuyên môn cho các thành viên HTX. Cụ thể đối với lãnh đạo HTX sẽ được đào tạo để nâng cao năng lực quản lý, đối với xã viên sẽ được tập huấn về các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại để nâng cao trình độ và nhận thức cho xã viên”.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lĩnh vực HTX là việc rất quan trọng, là một trong những nhóm chính sách được hỗ trợ của Nhà nước, thể hiện rõ trong Luật HTX năm 2023. Trong bối cảnh hiện nay, cần đánh giá sâu sắc về cơ chế, chính sách và có những giải pháp hiệu quả, thiết thực trong đào tạo nguồn nhân lực của kinh tế tập thể, HTX, liên hệ từ thực tế của địa phương. Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt chia sẻ: “Muốn thu hút được nguồn nhân lực về làm việc HTX cần có mô hình bài bản tạo ra giá trị. Nhân lực trẻ đến với HTX, họ cần được làm việc cũng như cống hiến vì vậy phải có sự ưu đãi tốt, không chỉ về kinh tế mà cũng phải tạo môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến”.
Cần có một bộ chuẩn về đào tạo nguồn lực cho HTX
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho HTX là điều vô cùng quan trọng, nhằm giúp HTX khắc phục những khó khăn, vươn lên phát triển hiệu quả. Muốn làm được điều đó, cần phải có những thay đổi cả về chính sách và nội lực các HTX. Tuy nhiên, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong hơn 72.300 cán bộ quản lý HTX nông nghiệp cả nước, có tới 44% chưa đào tạo; 40% có trình độ trung cấp, sơ cấp và chỉ có 16% tốt nghiệp cao đẳng, đại học và trên đại học. Nếu xét riêng chức danh Giám đốc HTX nông nghiệp thì có tới 32% chưa qua đào tạo. Con số này ở Đồng bằng sông Cửu Long lên đến 57,3%, khu vực Tây Nguyên là 44,6%.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động lấy lợi ích kinh tế là chính, coi trọng lợi ích về chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn. Trong đó, đề cao lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể; thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn. Trên cơ sở này, Liên minh HTX sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển nguồn lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các hợp tác xã, kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới hiện nay.
Bà Cao Xuân Thu Vân cũng chỉ ra, các bộ, ngành cũng đã có chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho HTX nhưng mỗi bộ, ngành lại đào tạo một cách nên không mang lại hiệu quả, từ đó dẫn đến đào tạo nhưng theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Đặc biệt vị trí quản trị HTX chưa được chú trọng đào tạo, thành viên HTX mà cụ thể là đội ngũ kế toán HTX cũng chưa được quan tâm đào tạo.
“Đào tạo nguồn cho các HTX hiện nay không chỉ thiếu kinh phí mà còn thiếu cách làm, vì vậy cần đào tạo nâng cao những người có thể tư vấn, quản lý HTX, đào tạo những chức danh trong HTX như: Chủ tịch, Giám đốc, kế toán, quản trị của HTX và quan trọng hơn là đào tạo thành viên của HTX. Vấn đề đặt ra là cần có một bộ chuẩn về đào tạo nguồn lực cho HTX, trên cơ sở này tiếp tục triển khai để phát triển chuyên nghiệp hơn các HTX, THT. Sắp tới, Liên minh sẽ rà soát để có những đề xuất cụ thể và thiết thực để có những chính sách mang tính đặc thù dành cho các Trường đào tạo các chức danh cho HTX” - bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.